Dọc đường EURO: Cơn sốt Xứ Wales tăng nhiệt

06/07/2016 22:00 GMT+7

Càng gần đến giờ bóng lăn trên sân Parc Olympique Lyonnais, không khí cổ động viên Xứ Wales đến cổ vũ cho đội nhà trong trận bán kết Xứ Wales - Bồ Đào Nha càng sôi động.

Thành công của các tuyển thủ Xứ Wales tại EURO 2016 là một nguồn cảm hứng mãnh liệt đối với cổ động viên xứ sở này.
Cổ động viên Xứ Wales có lẽ là những người vất vả nhất khi đi xem bóng tại EURO 2016. Họ phải chạy như con thoi giữa Pháp và quê nhà, để vừa đảm bảo giờ giấc làm việc vừa có thể tới sân vận động cổ vũ cho đội tuyển.
Trung bình một chuyến tàu từ Cardiff sang các thành phố đăng cai EURO 2016 tại Pháp mất ít nhất 3 tiếng đồng hồ, đi máy bay có vẻ nhanh hơn nhưng thực ra cũng mất thời gian di chuyển từ nhà ra sân bay rồi từ sân bay tới sân vận động. Nói chung xem bóng đá với cổ động viên Xứ Wales là một cuộc chơi tốn kém, mất thời gian và chứa đựng nhiều rủi ro, chẳng hạn đến sân vận động trễ giờ.
David Pastfield, một người bạn của tôi ở Xứ Wales, có vé xem trận bán kết gặp Bồ Đào Nha ở Lyon đã phải bỏ cuộc vì “đi tốn kém quá”. David nằm trong số những người chơi quá xả láng giai đoạn đầu, đến giờ phút quan trọng thì hầu bao đã cạn nên đành... bó tay. Còn nói chung, rất nhiều người khác đều không quản ngại tốn công sức và tiền bạc, vẫn tìm mọi cách đến Pháp cho bằng được, dù là chỉ tới xem bóng ở Fanzone.
Các tuyển thủ đang khiến cổ động viên xứ sở này bay bổng Đỗ Hùng
Vào giai đoạn đầu của EURO 2016, tôi có quen anh chàng Marc Kemp. Anh ta chính là một cổ động viên Xứ Wales kiểu mẫu: chạy như con thoi giữa quê nhà và Pháp; trước trận đấu hối hả đi săn vé chợ đen để được vào sân, nếu không có thì ra Fanzone xem. Sự miệt mài của các cổ động viên như Marc Kemp đã được tưởng thưởng bằng phong độ ấn tượng và thành công vượt bậc của các tuyển thủ. Để đến nay, trong khi các cầu thủ đang bước vào cuộc đối đầu quan trọng với Bồ Đào Nha thì ở quê nhà người ta tranh cãi nhau bóng đá có phải là môn thể thao số 1 hay không.
Lâu nay, bóng bầu dục và bóng đá là hai môn thể thao phổ biến nhất Xứ Wales, trong đó có lẽ bóng bầu dục có vị thế nhỉnh hơn một tí. Giờ đây, với phong độ ấn tượng của đội tuyển bóng đá Xứ Wales tại EURO 2016, nhiều người cho rằng bóng đá đã vươn lên vị trí số 1 ở quê nhà.
Huấn luyện viên Tony Pulis, một người Xứ Wales đang dẫn dắt CLB West Brom, nói rằng thành công của các tuyển thủ sẽ truyền cảm hứng cho toàn dân xứ sở này. “Mọi người sẽ rời khỏi nhà và ra sân đá bóng. Đội bóng hiện nay đã vượt qua thành công của đội tuyển năm 1958 (khi Xứ Wales vào tứ kết World Cup)”, ông Pulis nói.
Con rồng đầy móng vuốt của Xứ Wales đang tỏ ra rất “hung dữ” trong các trận đấu tại EURO 2016 Đỗ Hùng
“Điều tôi mong muốn và nguyện cầu là, trong lần tới khi trở về quê hương, tôi sẽ gặp những đứa trẻ thay vì ngồi dán mắt vào màn hình máy tính hoặc điện thoại thì xỏ giày ra sân chơi bóng. Lớp trẻ hiện đã có những người hùng mới - đó là các vận động viên - những thành viên của đội bóng hiện nay”.
Thành công của Xứ Wales tại EURO 2016 đã khiến cả những người điềm tĩnh nhất cũng bay bổng. Mickey Thomas - cựu cầu thủ từng thi đấu cho Man United, Chelsea hồi thập niên 1970-1980 - phát biểu trên truyền hình rằng đến nay thì bóng đá đã qua mặt bóng bầu dục để giữ vị trí số 1 tại Xứ Wales. Ông Pulis không đồng ý như thế, nhưng nói rằng niềm cảm hứng mà các tuyển thủ bóng đá truyền cho xứ sở là vô cùng mãnh liệt.
Đến Pháp những ngày này, có thể thấy tình yêu bóng đá của người Xứ Wales không kém bất kỳ một dân tộc nào. Mỗi dịp có trận đấu của đội tuyển, những người áo đỏ với lá cờ có hình con rồng xuất hiện khắp nơi, cùng hát vang những điệp khúc bằng tiếng Wales và bài hát “Don’t take me home” (Đừng đưa tôi về nhà). Chưa bao giờ niềm tin, niềm tự hào và khát vọng lại trỗi dậy mãnh liệt như thế nơi những con người này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.