Euro 2016: Cào bằng về đẳng cấp

23/06/2016 07:30 GMT+7

Trong số các ứng cử viên vô địch nặng ký nhất, chưa có "ông lớn" nào giới thiệu được bức chân dung hoàn hảo ở vòng đấu bảng. Có lẽ do chỉ là sự khởi động nên đẳng cấp của họ đã bị phai nhạt ít nhiều.

Tuyển Đức bước vào vòng 2 phải trông cậy vào lão tướng Mario Gomez mà họ đã bỏ đi trước khi chinh phục World Cup 2014. Bây giờ mà không có Gomez, Đức coi như không có tiền đạo. Tây Ban Nha thì thua Croatia một cách tai hại, phải rơi luôn vào "nhánh dưới" đầy chông gai trong giai đoạn knock-out. Chủ nhà Pháp thì cứ loay hoay với "vấn đề Paul Pogba". Chính HLV Didier Deschamps thừa nhận: "Chúng tôi còn nhiều chỗ cần chỉnh sửa".
Ngược lại, các "anh hào hạng hai" chơi khá thuyết phục. Ý chứng tỏ một đội bóng có thể trở nên đáng gờm bằng con đường chiến thuật chứ không nhất thiết cứ phải có nhiều tài năng. Quê hương bóng đá thành công bước đầu với cả ba đại diện là Anh, Xứ Wales, Bắc Ireland đều có mặt ở vòng knock-out. Ngay cả Croatia cũng đã bắt đầu tỏ ra đáng gờm.
Phải chăng, Euro 2016 rơi vào tình trạng bị "cào bằng" về đẳng cấp là do thể thức thi đấu quá dễ dãi, chỉ loại bớt 8/24 đội sau vòng bảng nên các ứng viên vô địch thật sự đều chưa tung hết bài bản đặc sắc?
HLV danh tiếng Carlo Ancelotti nhận định trước giải: lối chơi phòng ngự - phản công sẽ thăng hoa tại Euro này. Nguyên nhân: đấy là con đường dẫn đến thành công ở đấu trường CLB trong mùa bóng 2015 - 2016. Leicester vô địch Premier League hoặc Atletico Madrid lọt vào chung kết Champions League bằng cách chơi ấy. Điều đó sẽ tạo ra một xu thế? Vòng bảng vừa qua cho thấy Ancelotti đã... sai lầm. Chỉ có 6 bàn được ghi từ tình huống phản công.
Chi tiết bất ngờ: cầu thủ duy nhất luôn ghi bàn trong 3 trận vòng bảng lại là ngôi sao của một đội bóng chỉ vừa góp mặt lần đầu tiên ở đấu trường Euro. Đó là Gareth Bale (Wales). Các "ngôi sao cô đơn" như Bale gợi ra cả một đề tài lớn cho giới quan sát trước khi Euro khai cuộc: ai sẽ thành công, ai sẽ thất bại? Nhóm đầu có Bale, Robert Lewandowski (Ba Lan), Marek Hamsik (Slovakia). Nhóm sau có Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha), Zlatan Ibrahimovic (Thụy Điển).
Tuy cũng đều là "đội bóng một người", nhưng Xứ Wales, Ba Lan và Slovakia vượt qua vòng bảng nhờ điểm chung là họ biết cách sử dụng ngôi sao chủ lực đồng thời phát huy được các vệ tinh xung quanh ngôi sao ấy. Ngược lại, Bồ Đào Nha và Thụy Điển đều quá phụ thuộc vào ngôi sao duy nhất trong đội, khiến sự thành, bại của cá nhân ngôi sao quyết định luôn toàn cục. Thật ra, Bale chỉ chơi hay trong các tình huống mở ở trận cuối cùng (thắng một đội Nga quá bạc nhược). Còn trước đó, anh chỉ ghi bàn bằng tài sút phạt (kết hợp với sai lầm của thủ môn đối phương). Lewandowski thì thậm chí chưa ghi được bàn nào. Anh và Bale đều biết cách hy sinh hào quang cá nhân của mình, để phục vụ cho những toan tính khác của toàn đội.
Thể thức thi đấu đặc biệt của Euro này làm cho vòng bảng có quá ít bàn thắng. Hy vọng tỷ lệ ghi bàn ở giai đoạn knock-out sẽ cao hơn, do cuộc đua đã "trở lại quỹ đạo" kể từ vòng 1/8, các đội đều không còn tâm lý đá để kiếm 1 điểm nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.