Ruồi và bữa tiệc bóng đá

13/06/2016 07:49 GMT+7

Cuối cùng thì điều đáng ghét và đáng sợ nhất của bóng đá đã tới Euro 2016. Hooligan Anh và Nga xông vào nhau cuối trận Anh - Nga, suýt nữa làm hỏng một trận cầu tuyệt hay. Trước đó nữa, trong khi hooligan Anh gây sự với dân Marseille thì hooligan Bắc Ireland và Ba Lan choảng nhau dữ dội ở thành Nice.

Báo Pháp thi nhau than khóc về nạn hooligan bắt đầu lây lan từ hôm khai mạc, rất khó kiểm soát và dẹp bỏ. Họ nhắc tới một đại nạn hooligan ở thành phố Marseille kỳ World Cup 1998. Hooligan Anh sau khi phá phách thành Marseille đã choảng nhau với hooligan Tunisia làm khoảng 40 người bị thương. Người ta sợ thảm họa ấy là một cái dớp của nước Pháp mỗi khi được quyền đăng cai các bữa tiệc bóng đá lớn nhất hành tinh.
Người ta vẫn ví hooligan là ruồi trong các bữa tiệc bóng đá. Ví von ấy thật hay. Nhưng nếu thấy ruồi chỉ ở khía cạnh vô văn hóa là một sai lầm. Ý tôi muốn nói, gọi đám hooligan là ruồi thì đúng rồi nhưng ruồi không chỉ là hình ảnh của sự vô văn hóa trong ứng xử. Nói vậy để hiểu hooligan không phải là đám vô văn hóa, chúng nguy hiểm hơn nhiều.
Lâu nay người ta vẫn coi hooligan là đám fan cuồng làm mất vui bữa tiệc bóng đá mà không thấy rằng chúng chẳng những làm mất vui hay làm hỏng bữa tiệc bóng đá mà còn làm nguy hiểm đến tính mạng và thiệt hại tài sản của con người. Vụ bạo động bóng đá tại nước Ý năm 2007 gây chết người và làm hoảng loạn cả thành phố Catania cho thấy hooligan bóng đá không chỉ là đám ruồi vô văn hóa, không thể xua đuổi chúng bằng cái vỉ văn hóa.
Cái vỉ văn hóa ấy chỉ dùng để xua đuổi loài ruồi vô văn hóa, ấy là những fan cuồng đánh nhau vì sự hiếu thắng và tự tôn thái quá. Loại này ít khi xảy ra, nếu có xảy ra cũng dễ xử lý, vì họ tới đây để xem bóng đá chứ không phải đánh nhau. Chỉ cần khéo dùng cái vỉ văn hóa là có thể dẹp yên. Nhiều khi chỉ cần lên tiếng bảo ban nhau cũng êm thấm.
Còn lại là đám hooligan đi đánh nhau chứ không phải xem bóng đá, loại này phải dùng cái vỉ chống khủng bố để đối phó. Đúng vậy. Bọn hooligan mượn bóng đá để có những hoạt động phá hoại làm thiệt mạng người, tổn thất tài sản, gây hoang mang khiếp sợ cho xã hội và cộng đồng, cho dù hoạt động của chúng không nhằm mục đích chính trị cũng phải coi chúng là bọn khủng bố.
Tôi không muốn nghiêm trọng hóa vấn đề, nhưng chỉ có thay đổi quan niệm về đám hooligan này, bóng đá thế giới mới an vui, nếu không thì đến thế kỷ 31 ruồi vẫn bu đầy trong các bữa tiệc bóng đá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.