EURO 2020: Giữ bóng... để làm gì?

12/07/2021 08:59 GMT+7

HLV Jose Mourinho có câu nói nổi tiếng: ‘Giữ bóng nhiều thì mất bóng nhiều’. Tại EURO 2020 , người ta có thể đúc kết một điều còn đơn giản hơn: giữ bóng nhiều tức phải làm việc nhiều. Mà trong loại hình bóng đá ‘sống chung với dịch’, làm việc càng ít... càng tốt.

Các đội đều không có điều kiện chuẩn bị hoàn hảo. Đã vậy, mùa bóng trước EURO 2020 là mùa bóng bị dồn ép về lịch thi đấu. Trong hoàn cảnh chung “tất cả cùng đuối”, người ta chấp nhận một xu hướng chung: không nhất thiết phải pressing nặng nề như trước nữa. Có nghĩa: đối phương tha hồ giữ bóng - miễn là giữ bóng “vô hại”.

Bản tin Euro 12.7: Thắng trên chấm luân lưu, tuyển Ý lên ngôi vô địch

Trong lĩnh vực thống kê bóng đá có một chỉ số gọi là PPDA (passes per defensive action). Đây là số đường chuyền của đối phương trong một tình huống phòng ngự của đội mình. PPDA càng thấp nghĩa là bạn càng cản phá quyết liệt. Trong mùa bóng 2020 - 2021, PPDA trung bình ở 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu là 12,51. Có 6/98 CLB ở 5 giải đấu lớn có PPDA dưới 10. Mùa bóng trước đó, có đến 15 đội như vậy, và PPDA trung bình thấp hơn: 12,06. Nghĩa là bây giờ các đội không phòng thủ ác liệt như trước nữa.
Điều này càng rõ ở trận địa EURO. Năm năm trước, PPDA trung bình của EURO 2016 là 12,78; giờ tăng đến 14,58. Chỉ số này ở đội tuyển Anh lên đến 18,1. Có nghĩa: đối phương cứ mặc sức chuyền bóng khi đội Anh phòng ngự. Hoàn toàn không tồn tại mốt “pressing tầm cao” tại EURO này. Sức đâu mà chơi thứ bóng đá cao cấp như của Pep Guardiola hoặc Juergen Klopp!
Khi người ta còn không buồn pressing, gây áp lực, phá lối chơi, thì đủ biết các đội chơi thiên về giữ bóng là tầm thường, lạc hậu, “vô hại” đến mức độ nào. Tây Ban Nha thì quá rõ rồi. Nhưng, đâu là các đội tiếp theo tỏ ra vượt trội về tỷ lệ giữ bóng? Đức, Bỉ, Hà Lan đứng ngay sau Tây Ban Nha. Tất cả đều sớm dừng chân. Hai đội vào đá chung kết - Anh và Ý chỉ đứng thứ 5 và 8 về tỷ lệ giữ bóng.
Ở đấu trường CLB, việc có trên dưới 1.000 đường chuyền trong 90 phút là bình thường đối với các đội sở trường về giữ bóng, thường có bóng khoảng 70% như Barcelona, Chelsea (thời Maurizio Sarri) hoặc Bayern Munich (thời Pep Guardiola). Còn Tây Ban Nha, khi giữ bóng đến 85% (và chuyền chính xác 90%) trong trận gặp Thụy Điển, thì chỉ có 829 đường chuyền chính xác. Quá rõ: Tây Ban Nha đá chậm, giữ bóng nhiều nhưng không thể triển khai bóng một cách có hiệu quả. Đó chính là trường hợp điển hình cho thất bại của trường phái chuyên giữ bóng tại EURO này.
Ngôi sao mới Pedri nơi hàng tiền vệ Tây Ban Nha là cầu thủ di chuyển nhiều nhất giải (chạy tổng cộng 76,14 km tính đến hết vòng bán kết, bỏ xa người kế tiếp là Jorginho của Ý - 72,31 km), di chuyển với bóng trong chân nhiều nhất (38,23 km), di chuyển vào 1/3 phần sân đối phương nhiều nhất, chuyền đường quyết định nhiều nhất... Tóm lại, anh làm việc rất nhiều trong cách chơi nặng về giữ bóng của Tây Ban Nha. Và... chẳng có lợi ích đáng kể nào. Vấn đề là đối phương “cho phép” Pedri và đồng đội chơi bóng, cũng như cho phép Đức, Hà Lan, Bỉ giữ và chuyền bóng thoải mái. Đá như thế tại EURO này, chỉ được cái... mệt!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.