Chính khách và bóng đá: Pinochet và trận đấu quái gở

06/10/2015 06:36 GMT+7

Mới đây, giới hâm mộ Colo-Colo lên mạng kêu gọi ban lãnh đạo CLB này cắt đứt mọi mối liên hệ với Augusto Pinochet - nhà độc tài từng giữ ghế Tổng thống Chile trong giai đoạn 1974 - 1990 và đã qua đời vào năm 2006.

Mới đây, giới hâm mộ Colo-Colo lên mạng kêu gọi ban lãnh đạo CLB này cắt đứt mọi mối liên hệ với Augusto Pinochet - nhà độc tài từng giữ ghế Tổng thống Chile trong giai đoạn 1974 - 1990 và đã qua đời vào năm 2006.

Ông Pinochet đã biến SVĐ Quốc gia thành một “trại tra tấn” - Ảnh: AFPÔng Pinochet đã biến SVĐ Quốc gia thành một “trại tra tấn” - Ảnh: AFP
Colo-Colo là CLB số 1 Chile và Pinochet đã là chủ tịch danh dự của CLB này suốt từ khi ông tài trợ sân bóng cho đội vào năm 1976.
Cách đây không lâu, khi Chile đăng cai vòng chung kết (VCK) Copa America 2015, báo giới khắp nơi đã nhắc lại một sự kiện đáng gọi là nỗi hổ thẹn, kết nối bóng đá Chile với nhà độc tài Pinochet. Đấy là trận đấu “tưởng tượng” vào tháng 11.1973, khi Chile lấy vé dự VCK World Cup 1974 tại SVĐ Quốc gia khét tiếng ở thủ đô Santiago.
Giống như Mussolini ở Ý hoặc Franco ở Tây Ban Nha, nhà độc tài Pinochet cũng không từ chối cơ hội tự quảng cáo mình bằng sức lôi cuốn của bóng đá đối với công chúng. Chỉ có điều, thế giới nhớ về Pinochet và bóng đá Chile theo cách ngược lại. Đấy là một sự liên hệ chỉ đáng quên đi, như những gì giới hâm mộ Colo-Colo vừa kêu gọi.
Năm 1970, Salvador Allende trở thành nhân vật đầu tiên theo chủ nghĩa xã hội và chiến thắng trong một cuộc bầu cử dân chủ để ngồi ghế Tổng thống Chile. Ba năm sau, tướng Pinochet cầm đầu một cuộc đảo chính, lật đổ Allende và tự mình cầm quyền (dù Pinochet chỉ chính thức trở thành Tổng thống Chile vào năm 1974). Những gì diễn ra ở Santiago sau khi Pinochet đảo chính thành công bây giờ được xem là một chương đen tối trong lịch sử Chile. Hàng chục ngàn người đã bị chính quyền Pinochet bắt bớ, tra tấn, thủ tiêu. Đó là những người hoạt động chính trị thuộc nhiều đảng phái khác nhau, dù đa số nạn nhân là những người cộng sản Chile.
Điều trùng hợp: khi Pinochet bước lên cầm quyền thì cũng là lúc Colo-Colo trở thành CLB Chile đầu tiên lọt vào trận chung kết Copa Libertadores - giải vô địch Nam Mỹ tầm CLB, tương đương Champions League ở châu Âu. Vậy nên, không có gì lạ khi Pinochet lập tức tỏ rõ rằng ông là fan ruột của Colo-Colo. Ông tài trợ rất nhiều cho Colo-Colo và trở thành chủ tịch danh dự của CLB. Ông cũng giúp nhiều CLB khác ở Chile để phát triển hoặc không sụp đổ khi gặp khó khăn tài chính. Nói chung, Pinochet muốn dùng niềm vui bóng đá để làm cho người dân Chile quên đi những cuộc tra tấn, bắt bớ hằng ngày.
Trớ trêu ở chỗ: “bản doanh” của bóng đá Chile - SVĐ Quốc gia từng có vinh dự tổ chức trận chung kết World Cup 1962 - lại chính là nơi chính quyền Pinochet dùng làm “trại tra tấn”. Ước tính từ ngày 11.9 - 7.11.1973, có ít nhất 12.000 người Chile tình nghi chống đối chính quyền Pinochet, đã bị bắt và đưa đến SVĐ này. Phụ nữ bị hãm hiếp trước mặt chồng. Nghệ sĩ guitare thì bị chặt ngón tay. Đấy là một địa ngục thật sự. Vậy nên, đội tuyển Liên Xô đã từ chối thi đấu tại nơi này trong trận play-off lượt về ở vòng loại World Cup 1974. Chủ tịch LĐBĐ Liên Xô Valentin Granatky gửi thư cho FIFA: “Chúng tôi, những nhà thể thao Soviet, không thể thi đấu tại sân bóng đã nhuộm máu những người Chile yêu nước”. Nhưng FIFA vẫn yêu cầu các bên ra sân thi đấu, theo đúng lịch trình. Thế là xuất hiện trận đấu kỳ dị vào ngày 21.11.1973.
Các tuyển thủ Chile tấn công ngay từ sau quả giao bóng. Họ dẫn bóng, lừa bóng, chuyền bóng và ghi bàn. Bảng điểm hiện tỷ số: Chile 1 - 0 Liên Xô. Dưới sân, các tuyển thủ Chile cùng nhau ăn mừng bàn thắng. Chỉ có điều, họ cũng chính là đội duy nhất hiện diện trên sân. Không có đối thủ, nhưng đội tuyển Chile vẫn phải khởi đầu trận đấu “y như thật”. Vì đấy là thủ tục bắt buộc? Vì Pinochet thì đúng hơn. Cầu thủ nào không diễn, nguy cơ bị giữ lại “trại tập trung quốc gia” sẽ trở thành hiện thực. Pinochet bị ám ảnh bởi hình ảnh chiến thắng trong trận play-off tranh vé dự VCK World Cup, còn các tuyển thủ Chile bị ám ảnh bởi chế độ Pinochet. Họ không dám phát biểu câu nào sau “trận đấu tưởng tượng”. Mãi đến sau này, tuyển thủ Chile Carlos Caszely mới thừa nhận: “Đội tuyển của chúng tôi đã làm nên điều quái gở nhất trong lịch sử bóng đá”.
Tại World Cup 1974, đội tuyển Chile về nước ngay sau vòng bảng. Dù sao thì cũng đỡ hơn các kỳ World Cup trước và sau đó, khi Chile không có vé dự VCK.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.