Cựu danh thủ Lê Văn Tiết: Người đầu tiên trên thế giới có lối đánh phản công

06/08/2020 09:05 GMT+7

Cựu danh thủ bóng bàn Lê Văn Tiết đã cùng đồng đội đánh bại ĐKVĐ thế giới Nhật Bản để giành HCV Asiad 1958. Thế nhưng, ông vẫn tiếc vì đội Việt Nam sau đó chỉ nhận HCĐ ở giải vô địch thế giới 1959.

ĐỘI HÌNH KHÔNG HỢP LÝ

Lê Văn Tiết sinh năm 1939, lúc 8 tuổi được tập với cha của mình là ông Lê Văn Gặp và sau đó với cựu vô địch Đông Dương Ady Trần Liên Lợi. Năm 11 tuổi vào học trường Taberd Sài Gòn, Lê Văn Tiết cùng với các tuyển thủ miền Nam Việt Nam sau này là Huỳnh Văn Ngọc và Trần Cảnh Đến được sư huynh dòng La San Gaetan tạo điều kiện để tiếp tục tập thêm bóng bàn ngay trong trường. Nhờ lực đánh rất mạnh và trở thành một VĐV thiên về tấn công, Lê Văn Tiết đoạt chức vô địch học sinh toàn quốc năm học 1954-1955.
Với ưu thế ban đầu như vậy, sau này ông còn nghiên cứu để đưa vào những miếng đánh độc đáo khác nữa. Chính ông Tiết là người đầu tiên trên thế giới sử dụng cú phản công để đánh bại nhiều tay vợt hàng đầu thế giới trong thập niên 1950 như vô địch châu Á 1952 Tiết Thủy Sơ, vô địch Asiad 1958 Lý Quốc Định, các nhà vô địch thế giới (VĐTG) đơn nam Bergmann (1948 và 1950), Johnny Leach (1949 và 1951), Tanaka (1955 và 1957), Ogimura (1954 và 1956)…

Huỳnh Văn Ngọc, Lê Văn Tiết , Trần Cảnh Đến (từ phải) và Sư huynh Gaeten

tư liệu

Còn tại Asiad 1958, trong trận chung kết trước đội chủ nhà Nhật Bản, khi hai đội đang hòa 1-1, trận thắng tiếp theo của Lê Văn Tiết trước ĐKVĐ đơn nam thế giới Tanaka đã làm đội Việt Nam thêm hưng phấn, ông cùng các danh thủ Mai Văn Hòa và Trần Cảnh Được tiếp tục thi đấu tưng bừng để giành thắng lợi chung cuộc 5-3, đoạt HCV đầu tiên trong lịch sử tham dự Asiad của đoàn thể thao Việt Nam.
Dù có nhiều thành tích trên các đấu trường thế giới và châu lục, đến nay ông Lê Văn Tiết vẫn còn rất tiếc trận đấu ở giải VĐTG lần thứ 25 tổ chức tại Dormund (Tây Đức) năm 1959 mà đội bóng bàn nam miền Nam Việt Nam xếp đồng hạng 3 chung cuộc với đội Trung Quốc; đội Nhật Bản và Hungary lần lượt đoạt HCV và HCB. Giải VĐTG năm 1959 có 37 nước dự tranh, chia thành 4 bảng. Việt Nam ở bảng có 10 đội, trong đó có đội Tiệp Khắc từng VĐTG đồng đội nam 6 lần. Vậy mà các chàng trai đất Việt toàn thắng cả 9 đội (thắng đội Tiệp Khắc 5-3 và thắng tiếp 8 đội còn lại) để đứng đầu bảng, vào bán kết gặp đội ĐKVĐ thế giới Nhật Bản.

Lê Văn Tiết (giữa) và đội nam Việt Nam nhận huy chương đồng giải VĐTG 1959

Tư liệu

Trước đối thủ quen thuộc mà đội đã thắng trước đó chưa đầy một năm tại Asiad, HLV Chu Văn Sáng vẫn giữ lại Mai Văn Hòa và Lê Văn Tiết thi đấu, nhưng lại thay thế tay vợt công thủ toàn diện nhất của tuyển VN Trần Cảnh Được bằng Trần Văn Liễu. Thi đấu theo thể thức Swaythling (9 trận), mỗi VĐV đấu 3 trận thì rất tiếc là ông Liễu thua cả 3.
Ông Tiết cho rằng: “Nếu HLV Sáng đưa anh Được vào đấu (như đội hình đã thi đấu tại Asiad 1958 và giành chức vô địch) thì sau khi Việt Nam dẫn trước Nhật Bản 3-1 có nhiều khả năng bứt đi luôn để thắng đội Nhật Bản và vào chung kết với Hungary. Thực tế đội Việt Nam đã thua ngược Nhật Bản 3-5 ở bán kết để chỉ được nhận hạng 3. Sau đó ở trận chung kết, Nhật Bản thắng Hungary với tỷ số cách biệt 5-1, thắng còn dễ dàng hơn thắng Việt Nam ở bán kết". Ông Tiết tiếc vì nếu sắp xếp hợp lý hơn để thắng được Nhật Bản ở bán kết thì khi vào chung kết, so với lực lượng Hungary không quá mạnh, cơ hội lên ngôi số 1 thế giới của đội Việt Nam là không khó”.

Đoàn Việt Nam dự giải VĐTG 1959 - hàng trên từ trái: Hòa, Chủ tịch TCBB miền Nam Việt Nam Đinh Văn Ngọc, Được – hàng dưới: Liễu, Trần Hữu Minh, Tiết

Tư liệu

NGƯỜI ĐẦU TIÊN THẾ GIỚI CÓ LỐI ĐÁNH PHẢN CÔNG

Đầu năm 1956, sau 3 ngày thi đấu căng thẳng của cuộc đấu tuyển chọn trong các VĐV đẳng cấp cao, Lê Văn Tiết dù mới 17 tuổi vẫn xuất sắc thắng các danh thủ kỳ cựu để lần đầu tiên được khoác áo đội tuyển bóng bàn miền Nam Việt Nam tham dự giải VĐTG lần 23 tại Nhật Bản trong tháng 4.1956. Từ thời điểm này, “tiểu tướng” Lê Văn Tiết tiếp tục tỏa sáng như năm 1957 vô địch đơn và đôi quốc gia, 1958 vô địch đồng đội nam Asiad và 1959 hạng 3 đồng đội thế giới…

Lê Văn Tiết

tư liệu

Tại Asiad 1958, ngoài chiến tích vô địch của đội nam, còn có một điều hãnh diện nữa cho Việt Nam khi chính ông Tiết là người đầu tiên trên thế giới đưa ra được lối đánh phản công (trước đó chỉ có 2 trường phái là tấn công hoặc cắt bóng để phòng thủ) và nhờ đó ông đã chiến thắng đến 14/15 trận trong nội dung đồng đội. Trận thua duy nhất của ông Tiết khi gặp tay vợt Nhật Bản 2 lần vô địch đơn nam thế giới Ogimura 1-2 do tay vợt này có quá nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế.
Tuy vậy, ông Tiết nhận ra ngay trở ngại từ truyền thông của Nhật Bản: “Khi vừa thi đấu xong giải đồng đội, tôi giật mình khi thấy đài truyền hình Nhật ngay lập tức phát đi phát lại hình ảnh tôi vừa thi đấu, các chuyên gia hàng đầu của bóng bàn Nhật Bản tập trung phân tích rất kỹ lối đánh của tôi để đề ra biện pháp khắc phục. Vì vậy khi vào tranh nội dung đơn nam các ngày tiếp theo, họ đã gây khó dễ cho tôi rất nhiều”.

Lê Văn Tiết và vô địch đôi nam thế giới Fujii

tư liệu

Năm 1957, báo chí Philippines đã phong tặng cho tiểu tướng Lê Văn Tiết danh hiệu “Hung thần bóng bàn của Việt Nam” khi anh đánh bại á quân châu Á Aguasin của nước chủ nhà 3-2 để giành ngôi vô địch đơn nam giải quốc tế Philippines. Có một điều khá lý thú là sau đó 2 năm, giải Pháp quốc mở rộng có 70 tay vợt xuất sắc của 18 quốc gia dự tranh, trong đó các nhà VĐTG đơn nam như Ogimura, Sido, Leach… đều bị loại ở vòng ngoài thì "tiểu tướng" của chúng ta tiến thẳng đến trận chung kết đơn nam.
Trận chung kết diễn ra giữa Lê Văn Tiết với ĐKVĐ đơn nam Nhật Bản Murakami (cũng là á quân đôi nam giải thế giới 1959). Lê Văn Tiết cũng bị đối thủ dẫn trước 2-0 như trận anh gặp Aguasin nhưng cuối cùng ông cũng lại quật khởi thắng 3 ván còn lại để lội dòng nước ngược thành công. Thay đổi lối đánh và kết hợp tốt giữa tấn công và phản công, ông Tiết đã thắng lại hai ván liền để quân bình 2-2. Ở ván quyết định, Murakami lại dẫn điểm 5/0 rồi 10/5 nhưng Lê Văn Tiết gỡ hòa 10-10 rồi thắng luôn với tỷ số 21/17 đoạt chức vô địch quốc tế Pháp Quốc. Với chiến thắng này, Lê Văn Tiết được xếp hạng 6 đơn nam thế giới.

Lê Văn Tiết, Lê Văn Inh và người cha Lê Văn Gặp (từ trái)

tư liệu

Gặp nhau trong căn nhà của ông Lê Văn Tiết ở quận Tân Phú (TP.HCM) mới đây, ông Tiết kể cho tôi nghe: "Vì bị án treo giò một cách oan ức, suýt nữa thì tôi không được có mặt tại Nhật Bản năm 1958 để cùng với anh Hòa và anh Được lập nên chiến tích vô địch Á vận hội 1958 và xếp hạng 3 giải VĐTG 1959. Cuối tháng 9.1956, trong trận đấu chính thức với Liên quân Hồng Kông – Nhật Bản, tôi lại được nổi danh nhờ 3 trận toàn thắng trước 2 VĐV người Nhật Bản Fujii – Hayashi cựu vô địch đôi nam thế giới và Tiết Thủy Sơ (Hồng Kông) vô địch Á châu 1952, giúp đội Việt Nam thắng 5-3".
Sau trận thua này, các tay vợt nước ngoài xin đấu thêm một trận nữa để “phục thù”, trong lúc ông Tiết do nỗ lực thi đấu trong trận đấu chính thức lại bị cảm lạnh vì bị mưa lớn khi đi xe Mobylette trên đường về nhà ở Hóc Môn cách hơn 20km nên không thể thi đấu tiếp được. Do vắng mặt ở trận đấu thêm đó, Lê Văn Tiết bị phạt treo vợt 1 năm. Ông đành ra Huế học văn hóa ở trường dòng Pellerin và không còn điều kiện tiếp cận hoạt động bóng bàn đỉnh cao, mất luôn suất dự giải vô địch Á châu lần 4 tại Philippines vào tháng 1.1957 và giải VĐTG lần 24 tại Thụy Điển trong tháng 3.1957.
May sao, sau 6 tháng “thụ án” thì ông được ân xá, đội tuyển bóng bàn Việt Nam tiếp nhận Lê Văn Tiết trở lại Sài Gòn. Không lâu sau, trong giải quốc tế với đội Hồng Kông tại Sài Gòn năm 1957, ĐKVĐ Á châu Lưu Đức Phương đã phải thất bại 2 lần trước Lê Văn Tiết trong 2 trận đồng đội, còn ở nội dung đơn thì Lưu Đức Phương cũng thua Lê Văn Tiết trong trận chung kết.

Huỳnh Văn Ngọc (thứ nhất, từ trái), Lê Văn Tiết (2) và Vũ Tường Oanh (5)

tư liệu

Đến nay, trong bộ ba lừng danh Tiết – Hòa – Được, ông Lê Văn Tiết là người duy nhất còn gắn bó với bóng bàn trong nước (ông Hòa đã qua đời từ năm 1971, ông Được định cư ở Mỹ). Trước đây, cứ mỗi giải thi đấu lớn, người ta lại thấy ông có mặt để động viên và góp ý cho các VĐV trẻ. Nhưng nay ông đã 81 tuổi, tuy chưa thật yếu lắm nhưng ông đã giảm bớt nhịp độ hoạt động bên ngoài. Bản thân ông không còn thường xuyên đạp xe mỗi buổi sáng và tập thể dục ngoài trời hoặc đến Câu lạc bộ gần nhà để trực tiếp truyền dạy cho các VĐV trẻ nữa chủ yếu ở nhà nghỉ ngơi, đọc sách và chuyển qua tập đạp xe thể dục trong nhà để duy trì sức khỏe.

Lê Văn Tiết (giữa) trên khán đài giải Diễn đàn Bóng bàn Việt Nam 2014 tại Hà Nội

NVCC

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.