Danh thủ Nguyễn Thị Mai và trận chung kết khán giả ngồi ngay dưới bàn thi đấu

08/08/2020 08:32 GMT+7

Không chỉ là là tay vợt nữ số 1 của đội tuyển bóng bàn miền Bắc Việt Nam, danh thủ Nguyễn Thị Mai còn có rất nhiều trận thắng thuyết phục trước các danh thủ thế giới .

CHINH PHỤC NGƯỜI SÀI GÒN

Giải vô địch bóng bàn toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức sau ngày đất nước thống nhất tại thành phố Quy Nhơn (tỉnh Nghĩa Bình) vào cuối tháng 3.1978. Ở giải này, đúng như dự đoán của giới chuyên môn, vào chung kết nội dung đơn nữ là hai tay vợt đại diện cho hai miền là Nguyễn Thị Mai và Trần Hoa Việt.
Ở miền Bắc, từ năm 1957 đến 1963, ngôi vô địch đơn nữ thuộc các VĐV Lê Tuấn Dung (4 lần), Hà Kim Đính (1 lần) và Hoàng Thục Anh (2 lần). Từ năm 1964 đến 1975, trong 12 lần tổ chức, Nguyễn Thị Mai đoạt chức vô địch đơn nữ 11 lần và Hà Tuyết Lan một lần vào năm 1969. Ở miền Nam, trong 19 lần tổ chức từ 1956 đến 1974, chức vô địch đơn nữ thuộc về Trần Thị Kim Ngôn 10 lần liên tục từ 1956 đến 1965, Vương Mỹ Hà và Lê Thị Kim Tiếng mỗi người 3 lần, Vũ Tường Oanh 2 lần và Nguyễn Thị Lệ Dung một lần.
Nguyễn Thị Mai cầm vợt ngang, còn Trần Hoa Việt cầm vợt dọc khi thi đấu cho Campuchia ở SEAP Games kỳ 3 năm 1965 mang tên Tang Soc Cheng đoạt HCV đồng đội nữ và đôi nam nữ, HCB đơn nữ và HCĐ đôi nữ. Sau năm 1975, Trần Hoa Việt từ Campuchia quay về thi đấu cho đội TP.HCM.

Chung kết đơn nữ giải toàn quốc 1978 giữa Nguyễn Thị Mai (phải) và Trần Hoa Việt

tư liệu

Trần Hoa Việt có điểm mạnh giao bóng tấn công và đôi công nhưng trong trận chung kết những cú dứt điểm chưa thể gây khó khăn cho đối thủ đến từ Hà Nội. Trong lúc đó, Nguyễn Thị Mai tấn công và phòng thủ đều hiệu quả, hai VĐV cùng cầm vợt tay phải nhưng Nguyễn Thị Mai lại khôn khéo gài bóng thành công bên trái Hoa Việt khiến cho tay vợt TP.HCM liên tục mất điểm. Kết quả Nguyễn Thị Mai đã lấn lướt hoàn toàn để chiến thắng 3-0 và lên ngôi vô địch đơn nữ xứng đáng trong giải đấu đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất.
Tuy vậy, Nguyễn Thị Mai vẫn mong muốn được có một trận đấu hay đẹp ngay tại TP.HCM, nơi sản sinh nhiều tay vợt đã làm vang danh bóng bàn Việt Nam khắp thế giới. Phải chờ đến 4 năm sau, lần đăng quang của Nguyễn Thị Mai (thắng đương kim vô địch Lê Thị Kim Tiếng 3-1 ở trận chung kết) ở giải toàn quốc lần 4 diễn ra ở Nhà thi đấu Bình Thạnh vào tháng 3.1982 mới thật sự có ý nghĩa lớn với bà.

Tay vợt Nguyễn Thị Mai năm 1978

tư liệu

Dù lúc đó đã 34 tuổi, ngoài chức vô địch đơn nữ, Nguyễn Thị Mai còn đóng góp trực tiếp thêm 3 HCV cho đoàn bóng bàn thủ đô ở các nội dung đồng đội nữ (cùng với Đỗ Thúy Nga và Nguyễn Bích Ngọc), đôi nữ (với Đỗ Thúy Nga) và đôi nam nữ (với Nguyễn Đình Phiên). Quan trọng hơn, chị đã chinh phục được cảm tình của khán giả Sài Gòn nhờ gương mặt khả ái, luôn tươi cười và lối đánh công thủ toàn diện, giao bóng công tốt, biến hóa trong cắt và gò bóng ở đủ các cự ly gần, trung và xa bàn. Sau năm 1975, Nguyễn Thị Mai dự thêm giải vô địch toàn quốc 4 lần nữa với 2 lần vô địch đơn nữ (năm 1978 và 1982) và 2 lần á quân (năm 1981 thua Lê Thị Kim Tiếng và năm 1983 thua Nguyễn Bích Ngọc ở trận chung kết). Những năm đó, giải toàn quốc là cơ hội để các tay vợt hàng đầu trong cả nước thi tài nên khán giả đến xem rất đông.

Nguyễn Thị Mai và Nguyễn Ngọc Phan đấu đôi nam nữ với đội Nhật Bản 1972

tư liệu

Riêng về giải toàn quốc lần 3 vào năm 1981 tại nhà thi đấu Nghĩa Bình, danh thủ Nguyễn Ngọc Phan kể lại: “Đây là lần tổ chức giải bóng bàn trong nước được khán giả đến xem đông nhất từ trước đến nay mà tôi được thấy. Khi đang diễn ra trận chung kết đơn nữ giữa Nguyễn Thị Mai (Hà Nội) và Lê Thị Kim Tiếng (TP.HCM), do lực lượng bảo vệ không thể cản nổi nên khán giả tràn vào đứng cách VĐV thi đấu chỉ 1 – 2m. Một số người còn chạy ào vào ngồi xuống ngay dưới gầm bàn thi đấu. Khi mới đấu được vài điểm, VĐV Nguyễn Thị Mai phải báo cáo trọng tài việc có một số khán giả đập vào chân bàn bóng và chạm vào người của cả 2 VĐV làm họ không thể tập trung thi đấu. Sau đó ban tổ chức phải ngừng trận đấu, bố trí trận chung kết không có khán giả dự, hai đoàn Hà Nội và TP.HCM chuẩn bị xe sẵn để thi đấu xong là lên xe về địa phương luôn!”. Kết quả trận đấu đó, Nguyễn Thị Mai thua.

THÀNH TÍCH QUỐC TẾ CAO NHẤT

Cố trưởng bộ môn bóng bàn thuộc Tổng cục TDTT Nguyễn Trọng Trúc và cũng là HLV trưởng đội tuyển bóng bàn miền Bắc Việt Nam trước năm 1975 lúc sinh thời tại TP.HCM đã có lần nói với tôi: "VĐV Nguyễn Thị Mai đã say mê môn bóng bàn từ nhỏ, nhà ở rất xa nhưng ngày ngày vẫn đi bộ đến CLB bóng bàn tập luyện đều đặn, sớm bộc lộ năng khiếu nổi trội. Điều đó khiến cho một nhà báo ở Hà Nội đã dùng tấm gương của Mai để viết một quyển sách có tên "Cô bé bóng bàn" làm cho phong trào tập luyện bóng bàn ở miền Bắc lên rất cao, từ đó xuất hiện ra những VĐV tốt cho đất nước. Khi thi đấu, Nguyễn Thị Mai thể hiện tính cách mạnh mẽ, quyết liệt, dù gặp khó khăn trên bàn bóng vẫn "chiến đấu" không chịu lùi bước. Trong lịch sử bóng bàn Việt Nam, Nguyễn Thị Mai là VĐV nữ thắng nhiều đối thủ nổi tiếng của quốc tế nhất”.

HLV Nguyễn Trọng Trúc (bìa trái), Nguyễn Thị Mai (thứ 2) và đồng đội tại giải châu Á ATTU 1972

tư liệu

Ông Trúc và bà Lê Kim Hạnh (Thành viên đội tuyển miền Bắc Việt Nam từ 1972, hiện là Phó tổng trọng tài quốc gia) đơn cử một số danh thủ thế giới từng là bại tướng của Nguyễn Thị Mai như vô địch đơn nữ Trung Quốc 1974 Hoàng Tích Bình và các tay vợt Nhật Bản: Edano - HCV giải vô địch châu Á thuộc hệ thống giải Liên minh châu Á (ATTU) lần 2 năm 1974 tại Nhật Bản, Ozeki (HCĐ đơn nữ giải vô địch thế giới 1971), Hamada (hạng 8 đơn nữ thế giới 1972, vô địch đôi nữ thế giới 1973)… Cùng với Vũ Thu Nga, Nguyễn Thị Mai còn đoạt HCĐ đôi nữ giải vô địch châu Á (hệ thống ATTU) lần 1 năm 1972, HCĐ đôi nam nữ (với Nguyễn Ngọc Phan) giải Á-Phi-La lần 2-1975 tại Lagos (Nigeria)…

HLV Nguyễn Trọng Trúc (giữa), Nguyễn Thị Mai (thứ 2 từ trái), và Vũ Thu Nga (1), Đỗ Thúy Nga (4), Trần Thị Thi (5) trong tuyển nữ miền Bắc

tư liệu

Để có những thành tích nêu trên, do Nguyễn Thị Mai còn là một VĐV biết chớp thời cơ vào những thời điểm quan trọng nên các cao thủ thế giới cũng rất khó đánh bại được bà. Biết Edano mạnh ở cú đánh thuận tay, Nguyễn Thị Mai khai thác nhiều ở bên trái và mở rộng bóng ra hai góc. Với Ozeki chuyên tấn công, bà tập trung giao bóng công rồi giành quyền tấn công để giành ưu thế. Còn khi đối đầu với Hamada chuyên cắt bóng, bà kéo gò công và tìm cách “đột kích” bất ngờ để thắng điểm. “Ai cũng muốn khai thác điểm yếu của đối thủ để giành thắng lợi, nhưng nhiều người không làm được. Còn chị Nguyễn Thị Mai, nhờ tích cực rèn luyện nên có kỹ thuật tốt, khi cần sử dụng thì áp đảo được đối thủ”, bà Lê Kim Hạnh kết luận.

Nguyễn Thị Mai năm 2019 (bìa phải), Lê Kim Hạnh (bìa trái) và đồng đội Đỗ Thúy Nga (2), Nguyễn Thị Loan (3)

Thế Vinh

Sau giải toàn quốc lần 5 năm 1983, danh thủ Nguyễn Thị Mai nghỉ thi đấu, bà chuyển về làm việc ở Sở TDTT Hà Nội (đảm trách công việc HLV, Trưởng bộ môn bóng bàn và Chủ nhiệm CLB bóng bàn Hà Nội) cho đến khi nghỉ hưu. Một trong những học trò xuất sắc của bà Mai là Ngô Thu Thủy cũng đứng ở ngôi số 1 đơn nữ Việt Nam nhiều năm liền, từng đoạt HCV đôi nam nữ (với Vũ Mạnh Cường) ở SEA Games 1997, HCB đơn nữ SEA Games 1993 và đồng đội nữ SEA Games 1997, HCĐ đôi nữ (với Trần Lê Mỹ Linh) ở SEA Games 1997. Ngô Thu Thủy hiện đang là HLV của đội nữ Hà Nội với học trò trẻ tiến bộ rất nhanh là Nguyễn Thị Nga (HCĐ đơn nữ SEA Games 2015, HCV đơn nữ toàn quốc 2018, HCB đơn nữ toàn quốc 2020)
Cách đây khoảng 5 năm, sức khỏe của danh thủ Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1948) suy giảm do bị bệnh huyết áp cao và có bị tai biến nhẹ. Sau một năm tập vật lý trị liệu, bà đã đi lại được trong nhà ở phố Bích Câu (quận Đống Đa, Hà Nội) với chiếc nạng kèm bên. Ngoại trừ những cuộc gặp mặt với các thầy cô, học trò và đồng đội bóng bàn cũ, bà Mai muốn nghỉ ngơi tỉnh dưỡng nên cũng tránh bớt những tiếp xúc với bên ngoài.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.