Dưỡng sinh thực hành

20/04/2010 08:24 GMT+7

Chính nhờ vào niềm tin về trường sinh bất tử đã giúp Đạo giáo có những sắc thái độc đáo. Thường thì tôn giáo là tiếng thở than của những người đau khổ, hoặc cho rằng nhân sinh không có gì vui, sống đọa thác đày, do đó ký thác hạnh phúc, vui sướng cho kiếp sau, sau khi chết linh hồn sẽ được giải thoát…

Chính nhờ vào niềm tin về trường sinh bất tử đã giúp Đạo giáo có những sắc thái độc đáo. Thường thì tôn giáo là tiếng thở than của những người đau khổ, hoặc cho rằng nhân sinh không có gì vui, sống đọa thác đày, do đó ký thác hạnh phúc, vui sướng cho kiếp sau, sau khi chết linh hồn sẽ được giải thoát…

Riêng Đạo giáo cho rằng con người được sống trên đời là niềm vui cực lớn, mọi người phải làm sao để hưởng thụ niềm vui cuộc sống lâu dài nhất, cách tốt nhất là trường sinh bất tử. Tư tưởng “trọng sinh”, “quý sinh”(quý trọng sự sống) đã trở thành cốt lõi của Đạo giáo. Từ đây, khái niệm “đắc đạo” ra đời, người đắc đạo có thể phản bản hoàn nguyên, cùng “đạo” của đại tự nhiên hợp thành một thể, vĩnh hằng bất biến. Đạo sĩ Tư Mã Thừa Trinh đời Đường nói người đắc đạo có thể “hình thể kiên cố vĩnh viễn, không suy không bệnh, sống mãi không chết”.

Đương nhiên, qua thể nghiệm tự thân của Đạo giá, “trường sinh bất tử” vĩnh viễn chỉ là giấc mơ đẹp mà không thể nào thành hiện thực. Trường Xuân Tử Khưu Xứ Cơ, tổ khai sơn của Toàn Chân giáo, đã công khai nói rõ trường sinh bất tử là ảo vọng. Lần đầu tiên gặp Thành Cát Tư Hãn, ông nói: “Chỉ có đạo dưỡng sinh chứ không có thuốc trường sinh”. Tuy nhiên, cũng chính nhờ ảo tưởng trường sinh này mà “thuật trường sinh” của Đạo giáo rất phát triển, đa dạng và phong phú, tiêu biểu như thuật phục khí, hành khí, luyện đan dược, thuật phòng trung… và hấp thu cả thuật dưỡng sinh lưu hành trong thời cổ đại, chọn lọc và phát dương. Về sau, Đạo giáo xuất hiện những tư tưởng tích cực như “Mệnh ta là của ta, không thuộc trời đất”, nhấn mạnh cá nhân cố gắng không ngừng, tính mệnh song tu, chứ không phó mặc cho trời. Điều này làm cho ảo tưởng trường sinh của Đạo giáo trở thành mục tiêu truy cầu mang ý nghĩa hiện thực, giúp con người chống bệnh tật, kéo dài tuổi thọ. Với khoa học hiện đại, khái niệm “trường sinh bất tử” đã khơi dậy biết bao điều lý thú.

Ngoài những đạo thuật như luyện đan, hành khí, phục khí… Đạo giáo chú trọng đến phương pháp dưỡng sinh từ sinh hoạt thường ngày như chải đầu, rửa chân, tắm rửa, gõ răng… Đạo sĩ Trương Đoan Nghĩa đời Tống viết trong “Quý nhĩ tập”: “Quách Thượng Hiền có thơ rằng: Sơ đầu tẩy túc trường sinh sự, Lâm thụy chi tiền tiểu thái bình (Chải đầu, rửa chân là chuyện trường sinh, tạo cảm giác an lành trước khi ngủ), ý là chải đầu, rửa chân trước khi ngủ có thể giúp con người sống lâu”. Đời Minh, Tạ Khải Triết viết trong “Ngũ tạp trở”: “Người theo thuật dưỡng sinh gọi cái lược chải đầu là “mộc xỉ đan”, mỗi ngày vào buổi sáng chải đầu ngàn lần sẽ làm cho tóc bóng mượt, không rời rụng, khử phong tà, dung nhan sáng rỡ”. “Nhiếp sinh yếu lục” cũng dạy “Tóc nên thường chải”. (còn tiếp)

Kim Tường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.