Khi nút thắt được tháo

11/03/2010 09:06 GMT+7

Phán quyết của tòa án Anh cuối tháng 1 trong việc từ chối bảo vệ đời tư Terry đã mở đường cho báo chí Anh phơi ra các scandal của cầu thủ.

Vanessa (giữa), Terry (phải), Bridge (trái trên) và Toni Poole (trái dưới) là 4 nhân vật trong “scandal Terry”

Phán quyết của tòa án Anh cuối tháng 1 trong việc từ chối bảo vệ đời tư Terry đã mở đường cho báo chí Anh phơi ra các scandal của cầu thủ.

Các cầu thủ bóng đá được ví như các ngôi sao điện ảnh, âm nhạc. Mà đã là ngôi sao thì các bí mật đời tư, nhất là các scandal của họ luôn được công chúng quan tâm.

Năm 1974, tờ Bild đã từng đăng hình Johan Cruyff và đồng đội tuyển Hà Lan vui đùa với các cô gái tại bể bơi. Điều đó làm rùm beng dư luận khi đó khiến Cruyff (đã có vợ) bị mất tinh thần và thi đấu không tốt trong trận chung kết mà Hà Lan thua Đức 1-2.

Nếu ngày đó, Bild không giật scandal có lẽ Hà Lan đã vô địch thế giới. Một ví dụ nhỏ để có thể thấy chuyện đời tư ngôi sao có tác động lớn như thế nào đến “đại cuộc”.

Tại Anh, trước khi có phán quyết của tòa án về việc từ chối bảo vệ đời tư vụ Terry, các tờ báo lá cải săm soi đời tư ngôi sao cũng có cách hoạt động để mang lại những thông tin độc giả quan tâm nhưng họ phải làm rất cẩn thận vì sợ bị kiện.

Chẳng hạn để điều tra về chuyện HLV Eriksson tham lam, chuyện John Terry đưa người vào khu tập luyện của Chelsea hay vụ cha của Pennant buôn ma túy, phóng viên của News of the World đã phải cải trang thành một người bình thường để tiếp cận mục tiêu.

Các cô gái xinh đẹp có mặt ở khắp nơi và họ luôn tìm cách giăng bẫy cầu thủ _Nicola smith, vợ cũ sheringham

Một nguồn quan trọng khác được các báo Anh trước đây dùng khi phanh phui các scandal của cầu thủ là nhân chứng. Họ trả tiền rất cao cho những ai biết chuyện về bí mật của cầu thủ và có bằng chứng tin cậy để yên tâm đăng bài mà không bị kiện.

Chính vì vậy, nhiều cô gái sẵn sàng giăng bẫy cầu thủ ngôi sao để lên giường cùng họ và ghi âm chụp hình lại làm bằng chứng. Sau đó các cô gái “thợ săn” sẽ đem bán chuyện của họ với con mồi cho báo chí. 

Beckham từng bị một vố đau khi bị Rebecca Loos bán chuyện ngoại tình của họ cho tờ News of the World. Aimee Walton, cô gái ngoại tình với Ashley Cole hồi đầu năm 2008 cũng vớ không ít tiền từ The Sun nhờ bán thông tin.

Với các người đẹp có scandal với cầu thủ, họ không chỉ kiếm tiền từ chuyện bán tin mà còn có thể đổi đời để làm người mẫu và kiếm được những hợp đồng quảng cáo béo bở sau này. Hệ quả là thời gian gần đây, có nhiều cầu thủ không giữ được mình và bị dính scandal do bị “thợ săn” giăng bẫy.

Trong thời gian tới, các scandal của cầu thủ tại Anh sẽ còn nở rộ khi tòa án đã bật đèn xanh cho việc khai thác đời tư. Có thể tin rằng báo chí Anh đang găm một lượng scandal lớn của các cầu thủ và sẽ nhả dần để bán báo.

Vụ Terry ngoại tình với Vanessa vốn là chuyện đáng ra phải đăng vào hè năm ngoái nhưng vướng luật. Vụ Ashley Cole gửi ảnh nóng cho người mẫu Sonia Wild vốn cũng là từ tháng 10 năm ngoái nhưng báo chí Anh chờ ăn đủ trong việc “buôn chuyện” Terry thì họ mới bung vào giữa tháng 2 vừa qua.

Khi vụ Cole hơi nguội, họ lại tung các bài báo nói về Carlos Tevez lừa dối vợ, Rio Ferdinand vui vẻ tại Israel trước ngày cưới. Và sau Terry, Cole, Tevez... sẽ còn nhiều cầu thủ chờ ngày lên mặt báo.

Quy định về bí mật đời tư trong luật pháp anh

Bí mật đời tư được quy định trong Đạo luật về nhân quyền năm 1998. Đạo luật này là sự cụ thể hóa Công ước nhân quyền của Liên minh châu Âu. Theo đó, cá nhân có quyền được tôn trọng các bí mật đời tư, cuộc sống gia đình và các mối quan hệ. Không ai có thể xâm phạm quyền này, trừ khi việc làm đó là phù hợp với lợi ích của xã hội, quốc gia hay để ngăn chặn tội phạm, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Trong trường hợp của John Terry, đội trưởng của Chelsea cùng các luật sư của anh đã căn cứ vào điều khoản trên, yêu cầu tòa án ra lệnh cấm các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải mối quan hệ giữa anh và Vanessa Perroncel. Terry cho rằng gia đình anh cần được bảo vệ trước những thông tin trên. Tuy nhiên, tờ News of the World đã khiếu nại. Căn cứ vào đơn khiếu nại này, thẩm phán Tugenhat của tòa án tối cao đã quyết định gỡ bỏ lệnh cấm. Theo Tugenhat, mục đích của Terry không phải là bảo vệ gia đình mà là bảo vệ chính hình ảnh thương mại của anh. Với việc dỡ bỏ lệnh cấm, các thông tin về vụ ngoại tình của Terry đã được hàng loạt tờ báo đăng tải.

Phán quyết đó cũng mở đường cho báo chí đăng tiếp những vụ scandal của A. Cole, C. Tevez...

Quy định về bí mật đời tư của pháp luật Việt Nam

Quyền về bí mật đời tư được quy định tại điều 38 Bộ luật dân sự 2005 như sau:

1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Hồ Khuê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.