Lê Bích Phương: Sau tấm huy chương Asian Games

03/02/2011 08:55 GMT+7

Cô gái nhỏ nhất của đội tuyển Karate VN đánh bại đương kim VĐTG Nhật Bản, đem về chiếc HCV duy nhất cho đoàn TTVN ở Á vận hội. Câu chuyện được nhiều người ví như "cổ tích Lọ Lem".

Bích Phương trong niềm vui chiến thắng

Cô gái nhỏ nhất của đội tuyển Karate VN đánh bại đương kim VĐTG Nhật Bản, đem về chiếc HCV duy nhất cho đoàn TTVN ở Á vận hội. Câu chuyện được nhiều người ví như "cổ tích Lọ Lem".

Chuyện bên ngoài sàn đấu

Bí quyết giành vàng của Bích Phương thoạt nghe thật đơn giản: cứ tự tin, thoải mái mà đánh. Ấy thế mà thành công. Phương đã vượt qua Kobayashi Miki trong sự bất ngờ của tất cả mọi người cũng như chính bản thân. Cần biết, Kobayashi đến Quảng Châu với tư cách đương kim VĐTG, và Nhật Bản chính là quê hương của Karate.

Trong nghiệp làm thày, HLV Lê Công chỉ mới 2 lần giúp các VĐV vượt qua Nhật Bản. Một là Vũ Kim Anh năm 2002 (Busan, Hàn Quốc). Bích Phương là người thứ 2. Khỏi phải nói ông Công sướng thế nào. Tan trận, 2 thày trò ôm nhau không nói nên lời.

Cả HLV Lê Công và Bích Phương đều thừa nhận, không đặt chỉ tiêu huy chương ở nội dung thi đấu của Phương. Ở môn Karate, hy vọng lớn nhất dồn vào Vũ Thị Nguyệt Ánh, đàn chị của Phương trên tuyển.

Thế vận hội 16 chỉ như cơ hội cọ xát, tích lũy kinh nghiệm của cô gái làng Lở. Đấy hóa ra lại là lợi thế để Phương đối lại với Kobayashi Miki. Vào trận, Phương liên tục di chuyển né đòn để tránh sức tấn công mãnh liệt của Miki, để rồi tung cú đòn chân sở trường vào nhà đương kim VĐTG, ghi điểm quyết định trận đấu. Một chiến thắng ngoạn mục. Trong cuộc họp báo sau đấy, Miki đã dành rất nhiều lời khen cho đối thủ người VN.


Đòn chân sở trường của Bích Phương (phải).

Ít ai biết, để thực hiện được cú ra đòn tưởng đơn giản trên, Phương đã phải tập luyện trong một thời gian dài. Thấy Phương yếu đòn tay, HLV Lê Công đã tập trung cho học trò rèn đòn chân.

Có những buổi tập, đồng đội liên tục ra đòn tay để Phương dùng chân đỡ, phản đòn. Hết buổi tập về nghỉ, chân mỏi dừ tưởng không nhấc nổi. “Nhất nghệ tinh”, Bích Phương cũng không nghĩ có lúc “ngón” đòn thầy Công truyền lại giúp mình đánh bại được nhà đương kim VĐTG.

Thực tế, dù không tin mình sẽ giành chiến thắng, nhưng như Bích Phương sau này thừa nhận, cũng có chút “hy vọng nhỏ trong lòng”. Ấy là khi Phương đánh bại đối thủ người Macau (Trung Quốc) với tỷ số 8-0 ở bán kết, trong lúc Kobayashi có hành trình khá vất vả trước trận chung kết.

Ở Asian Games 16, Phương chung phòng với chị Nguyệt Ánh. Đêm sau hôm Nguyệt Ánh thất trận trước Li Hong, hai chị em tâm sự với nhau rất lâu. Cũng không hiểu vì sao, Nguyệt Ánh lại rất tin vào khả năng thành công của Bích Phương.

“Chị Ánh nói em cứ thi đấu thật tự tin, đừng sợ, chắc chắn sẽ giành chiến thắng” - Bích Phương nói. Và có lẽ, chính điều đó đã thúc đẩy thêm sự tự tin cho Phương trong cuộc đấu với Kobayashi Miki sau đấy.

Ở đây có chút chuyện liên quan tới trưởng đoàn TTVN ở Asian Games 16 Lê Quý Phượng. Chả là sau rất nhiều lần hụt HCV, nhiều người chê ông Phượng không mát tay. Nói thế quả oan cho ông Phượng, bởi thắng thua của VĐV lại đi đổ lên đầu ông trưởng đoàn là vô lý.

Mong ước bé nhỏ của Bích Phương là một ngày nào đấy có thể tự làm ra tiền, dù ít dù nhiều, để đỡ đần cho bố mẹ.

Nhưng có vẻ như để VĐV thoải mái tâm lý thi đấu, lúc Bích Phương bước vào trận chung kết, ông Phượng tự động… đi ra ngoài. Như ông Phượng trần tình lúc ấy, là sang theo dõi điền kinh. Thành thử lúc Phương vô địch, ông Phượng không được chứng kiến. Thế nhưng chỉ được nghe báo tin qua điện thoại, ông Phượng cũng suýt nhẩy lên vì sướng.

Chạm vào ước mơ

Nếu đã xem Bích Phương thi đấu, ai đó gặp ngoài đời, hẳn không ngạc nhiên trước vẻ hồn nhiên trong sáng của cô gái 18 tuổi này. Dáng vẻ nhỏ nhắn, nhưng Bích Phương đặc biệt gây ấn tượng với người đối diện bởi đôi mắt sáng, pha chút tinh nghịch.

Với chiếc HCV Asian Games, Bích Phương khoe, được thưởng một số tiền…kha khá. Phương bảo, sẽ đưa cả cho mẹ. Nhà nghèo, lại phận nữ nhi, Bích Phương không được bố ủng hộ cho theo Karate.

Nhiều lúc tập mệt, Bích Phương chút nữa cũng xuôi theo ý bố. Nhưng cứ như cái nghiệp nó “vận” vào, được thầy và bạn động viên, Phương lại miệt mài tập. May mắn cho Phương và cũng là cho TTVN, cô đã không bỏ giữa chừng. Cho đến lúc nghe tin con gái đoạt HCV, mẹ Phương mới tin, con gái mình… có một tí tài.

Phương chia sẻ, mẹ chính là người mình nghĩ đến đầu tiên khi đăng quang. Mong ước bé nhỏ của Bích Phương là một ngày nào đấy có thể tự làm ra tiền, dù ít dù nhiều, để đỡ đần cho bố mẹ. Để con gái đến với Karate, bố mẹ Phương đã phải vất vả không ít.

Phương kể, hồi mới tập, ngày ngày bố Phương, ông Lê Văn Vang, phải thu xếp công việc để hai buổi đưa đón con gái từ bên Gia Lâm sang Trịnh Hoài Đức. Trời nắng cũng như trời mưa.

Từ ngày con gái đoạt HCV Asian Games, nhà ông Vang bỗng trở nên nổi tiếng. Thảng lại có người vào hỏi thăm, chúc mừng. Hôm Phương về, gia đình tổ chức ăn mừng, mời khắp bạn bè làng trên xóm dưới. “Chả gì có con bé, làng Lở cũng được… lên tivi” - nhiều cụ trong làng móm mém nhai trầu cười.

Vừa đi Asian Games về, Bích Phương được nghỉ vài ngày rồi lại phải lên tuyển ngay để làm “quân xanh” cho đồng đội tập. Có cái khác với Phương là giờ thành nhà vô địch Á vận hội rồi, đi đâu mọi người cũng hỏi han.

Lại nhớ Phương kể ngày bé, ngày ngày học xong phải đi chăn trâu cho mẹ. Con gái nhưng tóc cháy xém, da đen nhẻm. Chị gái đầu, đâu có được cưng chiều nhiều. Cơ duyên thế nào, lại đi xem các anh chị thi đấu Karate, rồi ước ao. Thời điểm ấy là SEA Games 23 được tổ chức tại VN. Chẳng ai có thể nghĩ cô bé mắt tròn mắt dẹt ở nhà thi đấu Gia Lâm hôm ấy, 5 năm sau lại đem về tấm HCV duy nhất cho VN ở Asian Games, trở thành nhà vô địch châu Á.

Theo Nguyên Phong
Tiền Phong Xuân 2011

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.