Mua xương ngựa

22/01/2010 20:08 GMT+7

(TNTT&GT) Chuyện mua bán cầu thủ ở Chelsea dưới "kỷ nguyên Abramovich" rồi đến các ông chủ Ả-rập thôn tính Man City nghe rất giống chuyện "mua xương ngựa" bên Tàu. Đến cuối chẳng biết đâu là xương ngựa hay xương lừa...

(TNTT&GT) Chuyện mua bán cầu thủ ở Chelsea dưới "kỷ nguyên Abramovich" rồi đến các ông chủ Ả-rập thôn tính Man City nghe rất giống chuyện "mua xương ngựa" bên Tàu. Đến cuối chẳng biết đâu là xương ngựa hay xương lừa...

Đâu là cú chuyển nhượng gây sốc, mở ra “kỷ nguyên Abramovich” trong làng bóng Anh? Đấy không phải là cú chuyển nhượng liên quan đến các siêu sao cỡ Ashley Cole hoặc Didier Drogba. Cầu thủ đầu tiên được Roman Abramovich trải thảm rước về sân Stamford Bridge, ngay sau khi tỉ phú này mua lại Chelsea của Ken Bates, là hậu vệ cánh Glen Johnson, hồi ấy còn thuộc diện “vô danh tiểu tốt”. Dĩ nhiên, Johnson bây giờ đã nổi tiếng hơn, dưới màu áo Liverpool. Nhưng đấy không bao giờ là một ngôi sao đích thực.

Những cầu thủ gia nhập Chelsea sau Johnson mới là ngôi sao đích thực. Do là ngôi sao, họ có quyền… chảnh. Các ngôi sao thực thụ đứng ngoài quan sát thái độ của tỉ phú trẻ Abramovich. Họ quan sát cách nhân vật này sử dụng “đồ chơi” Chelsea, quan sát cách Chelsea đối xử với các cầu thủ mới mà đội bóng này mua về, bằng cách mua theo kiểu rải tiền của đại gia. Quan sát và kết luận: “Xem cũng được”! Thế là các ngôi sao lớn ào ào kéo đến sân Stamford Bridge. Ashley Cole thậm chí còn “đi đêm”, lén tiếp xúc với HLV Jose Mourinho để tìm cách chuyển từ Arsenal sang Chelsea. Suốt nửa thế kỷ không hề đăng quang, vậy mà Chelsea khi được trao cho HLV Jose Mourinho, khi chịu chi tiền để Mourinho thoải mái mua sắm lực lượng, đã đoạt ngay chức vô địch Premier League, giữ vững vương miện ở mùa kế tiếp, rồi trở thành đội bóng hàng đầu nước Anh cũng như châu Âu suốt từ đó đến nay.

Man City thật vênh váo và tự phụ. Họ cứ ngỡ bỏ ra số tiền khổng lồ thì danh hiệu sẽ tự đến _Alex Ferguson
Nghe rất giống chuyện “mua xương ngựa” bên Tàu ngày xưa. Nghe đồn ở xứ nọ có con ngựa hay, vua nước Yên giao cho một viên quan ngàn vàng, lệnh phải đi mua cho bằng được con ngựa ấy. Đến nơi, ngựa hay đã chết. Viên quan bèn mua lại bộ xương ngựa với giá năm trăm lạng vàng. Vua mắng: chỉ còn bộ xương, việc gì phải mua đắt như thế. Viên quan bẩm: chỉ một bộ xương ngựa mình đã chịu mua với giá ấy, sau này những người có ngựa hay làm gì chẳng đem đến bán? Nhận định ấy quả không sai. Vấn đề không chỉ là thiên hạ kháo nhau rằng vua nước Yên chịu mua xương ngựa với giá cao. Người ta đã quý bộ xương thì phải quý ngựa sống đến cỡ nào. Ngựa hay còn được trọng dụng, huống hồ là người tài. Anh hào khắp nơi kéo đến nườm nượp, chẳng lo không được trọng dụng. Nước Yên cường thịnh từ đó.

Nhưng chuyện không dừng ở đấy. Thấy Yên thành công bởi chiến lược độc đáo, vua Triệu cũng muốn học theo. Vua Triệu sai người đem vàng đi mua xương ngựa, cốt để thiên hạ đồn rằng Triệu cũng chiêu hiền đãi sĩ, quý trọng tài năng chẳng kém gì Yên. Nào ngờ viên quan lĩnh mệnh đi mua xương ngựa lại là kẻ gian. Một mặt “cắt xén chi phí”, mặt khác viên quan ấy chỉ mua xương lừa đem về, vua Triệu cũng chẳng biết gì. Thế là thiên hạ nườm nượp kéo đến nước Triệu, nhưng chẳng phải những trang hào kiệt mà chỉ rặt những phường lưu manh, cơ hội. Chúng kháo nhau: cứ đến nước Triệu, ở đấy người ta chẳng biết phân biệt xương lừa với xương ngựa. Giống như nước Yên, vấn đề của Triệu không dừng lại ở chỗ mua bộ xương lừa. Một khi người ta chẳng biết phân biệt tốt xấu, quý xương lừa hơn xương ngựa, đấy ắt là nơi đắc địa cho những kẻ bất tài, chỉ giỏi lừa bịp. Nước Triệu từ đó suy yếu hẳn.

Hóa ra, chiến lược tuy hay, còn phải trọn vẹn ở khâu thực thi, mới thành công. Bóng đá cũng vậy. Tỉ phú dầu mỏ Sheikh Mansour bin Zayed Al Nahyan bên Ả Rập cũng mua lại một đội bóng Anh, Manchester City. Và ông ta cũng mua sắm văng mạng để biến Manchester City thành một đội mạnh, học theo cách của Abramovich tại Chelsea. Hóa ra, lương bổng hậu hĩnh của Manchester City lại chỉ được dùng để chiêu mộ một đoàn quân ô hợp, bát nháo. Manchester City mua được loại ngôi sao mới tí tuổi đầu đã khét tiếng về chuyện ham sàn disco hơn sân tập (Robinho), loại cầu thủ bị cổ động viên và đồng đội cũ khinh bỉ (Emmanuel Adebayor), loại cầu thủ từng đánh cả đồng đội ngay trên sân (Craig Bellamy), hoặc kiểu ngôi sao phát biểu lố lăng là sẵn sàng hy sinh quyền lợi ở ĐTQG để lĩnh lương tại CLB (Roque Santa Cruz)… Một Manchester City như thế chẳng những không mạnh lên nhờ các ngôi sao mới mà còn yếu đi vì tinh thần đồng đội, ý chí chiến đấu của cầu thủ cũ chẳng được như xưa. Manchester City mùa này đã sa thải HLV.

Nước Yên thành công nhờ có quan giỏi, cũng là nhờ vua biết nhìn người, nhìn ra cái lý lẽ tưởng như ngược đời của viên quan giỏi. Họ không thành công bằng cách đi mua xương ngựa, cũng thành công bằng những cách khác, trong những cơ hội khác. Cũng như Abramovich năm nào, thành công nhờ biết cách nghe lời HLV Jose Mourinho hoặc giám đốc điều hành Peter Kenyon. Ông chủ Manchester City ngày nay chỉ ăn cắp ý tưởng của Abramovich, giống như vua Triệu ngày xưa chỉ biết rập khuôn chiến lược của nước Yên một cách mù quáng. Loại ấy, nếu không thất bại vì con đường này cũng thất bại vì con đường khác, nói chung chẳng bao giờ giỏi. Sẽ chẳng bao giờ Manchester City thành công được như Chelsea, dù tỉ phú dầu mỏ giàu gấp bội tỉ phú tiền rúp.

Nguyễn Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.