Nam Phi vỡ mộng?

24/05/2010 11:43 GMT+7

Chưa đầy 3 tuần trước ngày khai mạc, số lượng CĐV nước ngoài ước tính sẽ đến Nam Phi trong kỳ diễn ra World Cup giảm đến hơn nửa triệu người.

Nam Phi hy vọng thông qua World Cup 2010 sẽ tạo cú hích giúp nền kinh tế nước này phát triển - Ảnh: AFP

Chưa đầy 3 tuần trước ngày khai mạc, số lượng CĐV nước ngoài ước tính sẽ đến Nam Phi trong kỳ diễn ra World Cup giảm đến hơn nửa triệu người.

Theo tờ Guardian, số lượng 750.000 du khách được dự báo trước đó sụt giảm thảm hại xuống còn 200.000 người. Các hãng hàng không, khách sạn và nhà nghỉ đua nhau giảm giá. Vào ngày 15.4, hàng trăm ngàn chiếc vé giảm giá đã được rao bán ở Nam Phi trong một chiến dịch nhằm lấp đầy 3,2 triệu suất khán giả ở 64 trận đấu. Như một phí tổn cho những người đóng thuế, chính quyền các thành phố và những công ty thuộc sở hữu nhà nước đã mua hàng ngàn chiếc vé để phát không cho nhân viên hoặc treo thưởng.

Trưởng ban tổ chức của Nam Phi, ông Danny Jordaan, phủ nhận việc tỷ lệ tội phạm cao ở Nam Phi (trung bình hơn 50 vụ giết người/ngày) là lý do khiến người hâm mộ quốc tế quay lưng lại với World Cup 2010. Jordaan nói với tờ Guardian: “Khi tôi đến London, điều duy nhất mọi người đề cập đến là tình trạng suy thoái”. Jordaan thừa nhận chủ trương bán vé qua mạng của FIFA đã gây cản trở cho các CĐV ở Nam Phi và đặc biệt là phần còn lại của châu Phi. Cho đến đầu tháng 3, Nigeria chỉ đặt 700 vé. Điều này khiến đội ngũ của Jordaan phải xúc tiến một chiến dịch bán vé trao tay ở 5 quốc gia châu Phi có đội tuyển lọt vào chung kết ngoại trừ nước chủ nhà (Nigeria, Ghana, Bờ Biển Ngà, Algeria và Cameroon). Theo FIFA, chỉ có 40.000 vé được bán cho các CĐV châu Phi ngoài Nam Phi. “Nơi bán được vé qua mạng nhiều nhất (Mỹ, 80.000 vé) cũng là nơi intenet được sử dụng phổ biến nhất. Đây là một bài học cho tương lai”, Jordaan nói.

Các khán giả Nam Phi vẫn đang rất háo hức chờ ngày khai mạc. Song có nhiều ý kiến chia rẽ về lợi ích do World Cup mang lại. Nhiều người nói ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh sẽ là một cú hích kinh tế cho Nam Phi, song số khác lại có ý kiến rằng khoản tiền 33 tỉ rand (4,34 tỉ USD) đổ ra để tổ chức World Cup nên được sử dụng để nâng cao đời sống nghèo khổ của người dân ở đây. Số tiền này tương đương với khoản vay từ Ngân hàng thế giới (WB) vào tháng trước nhằm nâng cấp mạng lưới cung cấp điện lỗi thời ở Nam Phi.

Ông Udesh Pillay, đến từ Hội đồng Nghiên cứu khoa học về con người ở Nam Phi, cho rằng World Cup sẽ không đem lại lợi ích kinh tế cho đất nước nơi có hàng triệu người vẫn không có điện hoặc nước sinh hoạt. “Dù có 150.000 công việc đã được tạo ra trong quá trình chuẩn bị cho sự kiện, song nó chỉ mang tính tạm thời. Không thể nói rằng sự kiện này sẽ giúp giảm thiểu đói nghèo”, Pillay nói với Guardian.

Tuy nhiên, bất chấp nỗi thất vọng về doanh thu từ du lịch, trưởng ban tổ chức Jordaan vẫn cho rằng sự kiện sẽ đem lại lợi ích lâu dài. “Các cơ sở hạ tầng như đường sá, sân bay và đầu tư vào viễn thông sẽ còn lại đó sau World Cup và giúp kinh tế của chúng tôi phát triển”, ông nói. Jordaan cũng tin tưởng tình trạng đìu hiu này sẽ thay đổi trong giai đoạn cuối: “Sự suy thoái toàn cầu đóng vai trò lớn, song tôi nghĩ các CĐV sẽ tràn vào trong 16 trận đấu cuối. Khi các đội bóng lớn vào tứ kết và bán kết, người hâm mộ không thể không quan tâm”.

Sơn Duân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.