Ngôi sao nhạc nhẹ làm HLV bóng chày

21/08/2010 23:34 GMT+7

Giã từ con đường ca hát khi đang ở thời kỳ đỉnh cao, ngôi sao nhạc nhẹ Ngọc Thúy bất ngờ theo chồng sang Mỹ. Bặt vô âm tín gần chục năm, giọng ca vàng ASEAN thập niên 90 trở lại Hà Nội trên cương vị mới - huấn luyện viên (HLV) bóng chày.

“Bà bầu” Ngọc Thúy trực tiếp quản lý và huấn luyện đội bóng chày đầu tiên ở VN - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Giã từ con đường ca hát khi đang ở thời kỳ đỉnh cao, ngôi sao nhạc nhẹ Ngọc Thúy bất ngờ theo chồng sang Mỹ. Bặt vô âm tín gần chục năm, giọng ca vàng ASEAN thập niên 90 trở lại Hà Nội trên cương vị mới - huấn luyện viên (HLV) bóng chày.

Cơ duyên với bóng chày

Câu chuyện ca sĩ nhạc nhẹ nổi tiếng Ngọc Thúy rẽ ngang sang thể thao, dẫn dắt đội bóng chày đầu tiên ở VN đi du đấu quốc tế là thông tin bất ngờ, thú vị cho nhiều người hâm mộ. Ngọc Thúy bây giờ trông khác xưa nhiều, nhưng khuôn mặt vẫn toát lên vẻ đẹp đằm thắm của phụ nữ đang độ tứ tuần. Nhớ ngày còn ca hát, giọng hơi khàn khàn là lo sốt vó, mỗi khi ra đường thì chăm chút trước gương cả tiếng đồng hồ, còn bây giờ Ngọc Thúy vô tư chạy tới chạy lui phơi mình giữa nắng hò hét, chỉ đạo học trò triển khai bài tập. Ngọc Thúy bén duyên với bóng chày sau những lần lăng xăng phụ ông xã và cậu con trai đầu lòng Ben Nguyễn mang găng, nhặt bóng.

Trở về sinh sống ở Hà Nội từ năm 2008, ý tưởng tìm địa điểm tập bóng chày ban đầu chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu của cậu con trai Ben Nguyễn và nhóm bạn cùng trang lứa. Gần một năm ròng rã, Ngọc Thúy và chồng là Thomas Treutler chạy xe máy sục sạo, đi khắp các điểm cho thuê sân mà chỉ nhận được những cái khoát tay, lắc đầu nguầy nguậy, dù ngỏ ý chi trả với giá cao hơn bình thường. Giữa lúc tuyệt vọng, hai vợ chồng cũng thuê được khoảnh sân nhỏ ở xã Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm) với khung giờ “oái oăm” từ 5 - 10 giờ sáng. Thế là CLB bóng chày thiếu niên Hà Nội ra đời với khoảng 10 thành viên.  Duy trì ở Xuân Đỉnh được vài tháng, cả đội lại di chuyển sang khoảng sân trong khuôn viên trường THCS Chu Văn An. Mặt sân lổn nhổn toàn đá. Bàn đi tính lại, hai vợ chồng quyết định đầu tư thuê người bóc bỏ lớp đá, đổ thêm lớp cát dày và lắp đặt lại toàn bộ hệ thống bóng đèn tập luyện vào buổi tối. Chi phí thuê sân, dụng cụ mua từ Mỹ gửi về đều do vợ chồng tự chi tiêu nên cũng có giai đoạn hai người lục đục về chuyện đổ tiền vào bóng chày. Nguyên nhân chỉ vì Thomas Treutler “chịu khó” chi mạnh tay cập nhật đồ mới cho đội bóng, còn Ngọc Thúy thì muốn cái gì cũng... từ từ.

 Khi được hỏi giữa một ngôi sao ca nhạc và một HLV bóng chày có gì khác, Ngọc Thúy cười cho biết: “Cái nào cũng lao lực và lao tâm cả. Hát thì có cái vui và cái khó của nghề ca hát, còn làm HLV cũng mệt nhọc, song cũng có cái thú của HLV. Nhưng tôi cho rằng làm công tác thể thao khó hơn so với đi hát. Hát chỉ cần chất giọng và chịu khó rèn luyện cùng với ngoại hình dễ nhìn là có khả năng đi lên, còn thể thao vất vả lắm. Làm HLV như một con ong thợ cần cù, hết ngày này qua ngày khác phải tận tụy, say mê và làm hết việc chứ không hết thời gian. Hơn nữa bóng chày là môn còn quá mới mẻ ở VN nên phải vừa làm vừa học, phải kiên trì vì chỉ cần nhìn thấy môn này chưa tạo được sự thu hút ở VN mà bỏ cuộc thì coi như thất bại. Thế nên mình phải tự động viên mình là phải làm hết sức, phải quần quật suốt ngày để đợi đến một ngày nào đó, thành quả của mình mới được ghi nhận”.

Đi một ngày đàng học một sàng khôn

Kể về chuyến du đấu gần 40 ngày ở Mỹ, Đài Loan, Indonesia, hai vợ chồng Ngọc Thúy say sưa nhắc đến khoảnh khắc khi đi qua các sân bay, bạn bè các nơi tròn mắt ngạc nhiên vì “VN đã có bóng chày”. Ở Đài Loan, hàng chục cụ ông dù ngồi trên xe lăn vẫn nhiệt tình vẫy tay, cờ cổ vũ cho đội bóng Việt Nam. Còn ở Mỹ, cô bác Việt kiều tập hợp đội cổ động viên hùng hậu, cùng đội tuyển bay qua khắp các bang ủng hộ dù “chưa một lần thắng đối thủ”. Bên cạnh đó, các HLV, trọng tài cũng dành nhiều thiện cảm cho đội bóng chày Hà Nội, dù non trẻ mà thi đấu chững chạc với các đội bóng trẻ hàng đầu của Mỹ.

Ngọc Thúy kể: “Tại Indonesia, chúng tôi thi đấu giải bóng chày thiếu nhi quốc tế lứa tuổi U.11, được tổ chức tại Surabaya ở đảo Bali. Sau đó, chúng tôi qua Đài Loan và ở Đài Bắc 1 tuần để thi đấu trong giải PONY. Còn tại Mỹ, đội tranh tài tại giải All Star của lứa U.11, tức là giải cho những cầu thủ giỏi nhất. Có thể nói chuyến đi đã giúp đội bóng chày VN cũng như cá nhân tôi mở mang rất nhiều, đúng như ông bà ta nói: Đi một ngày đàng học một sàng khôn”.


Các thành viên trong CLB bóng chày thiếu niên Hà Nội

Còn ông xã Ngọc Thúy - Thomas Treutler nói với giọng đầy tự hào: “Qua các giải này, cầu thủ của chúng ta thể hiện sự nhanh nhẹn và bắt bóng rất giỏi, thi đấu với tinh thần không chịu khuất phục, kỷ luật đấu pháp cao nên càng chơi càng tiến bộ. Dù thể lực không thật mạnh mẽ như các đối thủ, nhưng bù lại đội VN có sự khéo léo và hừng hực quyết tâm. Khi kết quả thi đấu không tương xứng, các cầu thủ VN cũng không hề nản chí và luôn tươi cười bắt tay chúc mừng đối thủ. Thua về kinh nghiệm chuyên môn nhưng các cầu thủ đã để lại ấn tượng tốt với bạn bè quốc tế”.

Trên cương vị quản lý kiêm HLV CLB bóng chày thiếu niên Hà Nội với hơn 70 thành viên, Ngọc Thúy cảm nhận công việc cũng như áp lực ngày càng nặng nề. Tuy nhiên, chị không bao giờ buông xuôi. Được sự ủng hộ về tài chính từ các phụ huynh, được hỗ trợ về mặt kỹ thuật chuyên môn từ Hiệp hội Bóng chày nhà nghề Mỹ, Ngọc Thúy luôn ấp ủ ước mơ phát triển đội bóng chày VN theo hướng chuyên nghiệp. Chị tâm sự: “Mỗi lần nhìn thấy ánh đèn sân khấu, tôi vẫn xốn xang lắm vì nó gợi nhớ một thời Nha Trang biển gọi. Nhưng trở lại con đường âm nhạc thì chắc là không. Tôi sẽ cống hiến toàn bộ thời gian còn lại để xây dựng, phát triển hơn nữa môn bóng chày tại VN. Để tuyển chọn lực lượng, mỗi chủ nhật, chúng tôi phải tổ chức các trận đấu cho các cháu thi đấu để sàng lọc. Hiện nay câu lạc bộ có gần 100 cháu, thì mình chọn ra khoảng trên dưới 10 cháu để đi thi đấu, trong khi các nước khác thì họ có khoảng mấy ngàn cầu thủ để lựa chọn 10 - 11 cầu thủ. Nhưng từ thành công của chuyến du đấu vừa rồi, chúng tôi hy vọng sang năm sẽ tuyển chọn được nhiều cầu thủ hơn. Nếu mọi chuyện thuận lợi, tôi hy vọng trong tương lai không xa, chúng tôi sẽ góp sức cùng ngành TDTT VN sớm thành lập đội tuyển bóng chày quốc gia thi đấu những giải lớn trên thế giới”. 

HLV Ngọc Thúy cho biết: “Sau khi trở về VN từ chuyến du đấu vừa rồi, tôi đã gặp anh Hoàng Vĩnh Giang (Tổng thư ký Ủy ban Olympic VN - NV) và đề nghị anh hỗ trợ cho phép tổ chức một giải đấu bóng chày hữu nghị vào dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tôi rất muốn mời một đội bóng chày lân cận tham gia như Malaysia, Indonesia, hay thậm chí là Campuchia - họ cũng có đội bóng chày rồi. Nếu không kịp thì tôi hy vọng sau tháng 10 sẽ mời được một vài đội thi đấu. Chỉ có thường xuyên cọ xát như vậy, các cầu thủ bóng chày VN mới được trui rèn, tạo nên sự ganh đua hào hứng. Tôi tin khán giả VN vốn chưa quen với môn thể thao này rồi sẽ thích thú khi xem bóng chày vì tính hấp dẫn và lôi cuốn của nó”.

Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.