Nguyễn Thị Nụ - Một chương mới đã mở ra trong cuộc đời

08/08/2010 09:44 GMT+7

Cảm nhận đầu tiên của tôi khi nghe giọng Nụ qua điện thoại sau ca phẫu thuật là niềm tin và những hy vọng vào cuộc sống đang trở lại. Đã có những thời khắc, huyền thoại một thời trên đường chạy đánh mất những điều quý giá này. Nhưng bây giờ, cô biết rằng mình phải nỗ lực nhiều hơn, khi bên cạnh vẫn còn thật nhiều tấm lòng bao dung đáng trân trọng.

Cô gái mang tên Nụ nhưng lúc này ít khi thấy cô nở nụ cười - Ảnh: Minh Thi

Cảm nhận đầu tiên của tôi khi nghe giọng Nụ qua điện thoại sau ca phẫu thuật là niềm tin và những hy vọng vào cuộc sống đang trở lại. Đã có những thời khắc, huyền thoại một thời trên đường chạy đánh mất những điều quý giá này. Nhưng bây giờ, cô biết rằng mình phải nỗ lực nhiều hơn, khi bên cạnh vẫn còn thật nhiều tấm lòng bao dung đáng trân trọng.

Những tháng ngày ác mộng

Đường chạy và đam mê điền kinh đã mang lại cho Nguyễn Thị Nụ nhiều vinh quang tột cùng. Nhưng từng có lúc, Nụ rớm nước mắt đắng cay khi ai đó hỏi cô về sự nghiệp mà nhiều VĐV khác phải mơ ước. Lẽ đơn giản, những tấm huy chương treo đầy căn nhà mái ngói nghèo nàn tại Đông Anh (Hà Nội) không đủ lấp đầy những nỗi đau. Đường chạy, cái nơi từng biến cô thành niềm tự hào của gia đình, cũng là nơi đã cướp đi của Nụ tương lai và cả sự nghiệp đúng vào lúc cô sung sức nhất bởi một chấn thương đầu gối quái ác.

“Đó là câu chuyện đã xảy ra từ ba năm về trước. Khi ra sân khởi động vào buổi sáng, em bắt đầu cảm thấy đầu gối của mình có gì không ổn. HLV đã chủ động cho phép em dừng buổi tập. Cứ nghĩ chỉ là căng cơ do quá sức thôi. Không ngờ...”, Nụ tâm sự. Chính cái điều mà Nụ không ngờ, ấy là việc dây chằng đầu gối và sụn chêm của cô đều bị tổn thương nghiêm trọng. Cô bị yêu cầu phải tiến hành phẫu thuật tại viện 108. Ca mổ thành công, nhưng cũng từ đó, Nụ không bao giờ còn trở lại được chính mình.

Những cơn đau liên tiếp vẫn đến hằng đêm, mỗi lúc Nụ nỗ lực quá sức trên đường chạy. Hai tấm HCĐ SEA Games 2007 cũng không đủ giúp “cô gái vàng” nguôi ngoai nỗi lo vảng vất về một cơn ác mộng vô hình nào đó sẽ đến và cướp đi sự nghiệp của mình. Rất nhanh, cơn ác mộng trở thành hiện thực, khi đầu gối của Nụ tái đau và liên tiếp sau đó, hai ca mổ đã được tiến sĩ Moss tiến hành nhằm giúp cô nối lại dây chằng bị đứt. Đau lòng là những lần phẫu thuật ấy đã đẩy gia đình Nụ lâm vào cảnh nợ nần, túng bấn, cô phải giải nghệ vì đầu gối không bao giờ còn có thể phục hồi được nguyên trạng như trước nữa.

Đường đời vẫn sáng ngời hy vọng

Ca phẫu thuật ngày 10.6 vừa qua như một chiếc “phao cứu sinh” kéo Nụ khỏi “vũng lầy” của cuộc sống bi quan kéo dài hơn 1.000 ngày. Thông qua báo Phụ nữ TP.HCM, Nụ đã được Trung tâm thể thao Sài Gòn Gia Định, trung tâm điều trị chấn thương và phục hồi thể thao TKB (Mỹ) và bác sĩ Vũ Anh tài trợ. Ca mổ có tổng chi phí lên đến hàng chục ngàn USD. Trong đó, riêng đoạn dây chằng mang từ Mỹ qua để nối cho Nụ đã có giá 5.000 USD.

Ca phẫu thuật thành công, Nụ hiện đã trở về Hà Nội. Trong vòng tay chăm sóc của những người thân yêu, cô bảo: “Em chân thành cảm ơn những tấm lòng hảo tâm đã giúp đỡ em. Sau khi ca mổ diễn ra thành công, em còn phải trải qua đợt điều trị vật lý trị liệu kéo dài khoảng 6 đến 9 tháng nữa. Thời gian rất dài và chưa thể biết sẽ có biến cố gì chờ đợi phía trước. Nhưng ít nhất, em thấy thực sự ấm lòng vì biết rằng trong cuộc đời vẫn có rất nhiều điều tốt đẹp”.

Nụ nói thế bởi cô muốn quên đi hơn 1.000 ngày vật lộn giữa đớn đau thể xác và nỗi buồn vì cách hành xử vô tình từ những người có trách nhiệm. “Cũng chính những người ấy, khi em còn trong đội tuyển từng hứa hẹn biết bao điều. Thời điểm mới dính chấn thương, vị này, vị nọ hứa sẽ cho em ra nước ngoài phẫu thuật. Nhưng khi nhận ra mình không còn giá trị sử dụng, lập tức những lời hứa bị xếp ngay vào một xó”.

Bởi sự quay lưng ấy, mà cho đến trước ngày nhận được tài trợ và một mình vào TP.HCM phẫu thuật, Nụ cùng gia đình vẫn đang mang trên vai gánh nặng từ khoản nợ 10 triệu đồng sau ca mổ hồi đầu năm 2009. Chi phí quá lớn, lên đến 50 triệu đồng, Nụ đã phải chạy khắp nơi để tìm sự giúp đỡ. Nhưng lãnh đạo Sở VH-TT&DL Hà Nội ngoảnh mặt làm ngơ. Hỏi bộ môn, câu trả lời nhận được là “Sở vừa sáp nhập, không xin được”. Nụ đã khóc ngất ngay khi hiểu rằng mình đã bị “vắt chanh bỏ vỏ”.

Bố mẹ già, người đã nghỉ mất sức từ khá lâu, người ở nhà không có thu nhập (bấy lâu nay vẫn phụ thuộc vào tiền Nụ kiếm được từ thi đấu), phải cố chạy vạy lo cho con gái 10 triệu đồng. Đồng đội và thầy cô huấn luyện quyên góp giúp đỡ Nụ một phần kinh phí để thực hiện ca mổ. Đến giờ, hơn một năm sau ngày giải nghệ, trên vai “huyền thoại” một thời này vẫn còn mang gánh nặng 10 triệu đồng. Nụ bảo: “Em hy vọng có thể sớm thi đấu trở lại. Khi đó, em sẽ nỗ lực giành thành tích để trả nợ, bớt đi gánh nặng cho gia đình”.

Những lời tâm sự khiến người đối diện phải cảm phục nghị lực của một cô gái mới ngoài hai mươi tuổi đời, nhưng đã trải qua quá nhiều nỗi đau. Cô chỉ là một, trong rất nhiều số phận trót cống hiến cả tuổi xuân cho thể thao, rồi bị bỏ rơi khi “không còn giá trị sử dụng”. Nhưng cuộc đời vẫn còn những tấm lòng và ý nghĩa cuộc sống tốt đẹp đã giúp cô tìm lại được ánh sáng cho con đường tương lai rất dài phía trước.

Những mong Nụ sẽ sớm trở lại thi đấu và tỏa sáng. Mong thế, rồi lại chạnh lòng với câu hỏi: đâu đó giữa dòng đời mưu sinh gian khó kia, bao nhiêu tài năng bị vùi dập như Nụ còn chờ được cứu vớt?

Minh Thi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.