Những bóng hồng quyền lực trong thể thao: Bà đầm thép của bóng đá đỉnh cao

12/03/2015 06:39 GMT+7

Rachel Anderson là một trong những nhà đại diện có uy tín nhất trong làng bóng Anh, thường xuyên có khoảng 50 thân chủ chỉ riêng ở "bản doanh" London.

Rachel Anderson là một trong những nhà đại diện có uy tín nhất trong làng bóng Anh, thường xuyên có khoảng 50 thân chủ chỉ riêng ở "bản doanh" London.

 
 

 Rachel Anderson là nhà môi giới cự phách ở một giải đấu hàng đầu như Premier League - Ảnh: AFP
Rachel Anderson là nhà môi giới cự phách ở một giải đấu hàng đầu như Premier League - Ảnh: AFP

 
 
PFA (Professional Footballers Association) là Hội Cầu thủ nhà nghề Anh - nghiệp đoàn lâu đời nhất trong lịch sử thể thao thế giới.
 
 
Tổ chức này có tuổi thọ đã hơn trăm năm (ra đời vào năm 1907), thường xuyên có khoảng 4.000 hội viên. Với mức lương lên đến hàng triệu bảng mỗi năm, Giám đốc điều hành Gordon Taylor của PFA là quan chức lĩnh lương cao nhất thế giới trong các tổ chức tương tự. Giải thưởng "Cầu thủ xuất sắc nhất mùa bóng" của PFA được xem là một trong những giải thưởng danh giá, có uy tín trong bóng đá đỉnh cao.
 
 
Nổi bật ở “nơi không dành cho phụ nữ”
 
 
Vậy mà cách đây gần 20 năm, PFA lại bị một người phụ nữ "chẳng ai biết đến" lôi ra tòa. Người phụ nữ ấy bị từ chối, dù có giấy mời đến dự gala cuối năm của PFA. “Nơi này không dành cho phụ nữ”, đấy là câu trả lời duy nhất. Kiên nhẫn chờ thêm 1 năm nữa, chỉ để lại bị từ chối lần nữa, người phụ nữ nọ viết thư gửi thẳng đến Thủ tướng Anh Tony Blair, ta thán về chuyện phân biệt nam nữ ở Anh cứ như xã hội nước này vẫn ở thập niên 1970. Thủ tướng Blair tán đồng ý kiến ấy và khuyên cô đưa mọi chuyện ra tòa. Cuối cùng, cô thắng kiện vào năm 1998. Cô là Rachel Anderson - nữ đại diện cầu thủ duy nhất được FIFA cấp giấy phép hành nghề trước thế kỷ 21.
 
 
Ngoài tiền bồi thường danh dự, bồi thường cho các chi phí và thiệt thòi liên quan, PFA của Gordon Taylor còn thua rất đau trong vụ kiện đình đám ấy. Họ đã có thể tốn kém ít hơn nếu chịu dàn xếp bên ngoài tòa án với Anderson, nhưng họ "quyết đấu" đến cùng, để rồi thảm bại. Anderson bình luận: “PFA xử sự như thế vì quan chức Taylor không dám đối mặt với tôi. Vả lại, PFA theo đuổi vụ kiện đến cùng vì họ tiêu tiền của các cầu thủ chứ đâu ai bỏ ra tiền túi".
 
 
Giới quan sát đánh giá Rachel Anderson rất cao vì cô vẫn "bình chân như vại" sau vụ kiện nổi tiếng năm 1998. Ít người dám nói ra một sự thật: hễ bạn dám đưa một tổ chức bóng đá ra tòa thì dù thắng hay thua, nhiều khả năng bạn không còn cơ hội tồn tại trong thế giới bóng đá nữa. Vụ án Bosman nổi tiếng ra sao trong bóng đá nhà nghề? Và hãy tra cứu xem cầu thủ Jean-Marc Bosman sau đó có còn chỗ đứng hay không, sống như thế nào?
 
 
Một buổi tiệc, ký 6 hợp đồng
 
 
Anderson thì vẫn lạnh lùng hành nghề trong làng bóng Anh - cái nghề đại diện cầu thủ vốn bị số đông ghét bỏ, nhất là trong giai đoạn "sơ khai" hồi thập niên 1990. Từng giúp hậu vệ Julian Dicks bay bổng với một sự nghiệp thành công ở West Ham và Liverpool, cô lại cứu vãn sự nghiệp cho Don Hutchinson sau khi cầu thủ này bị Liverpool gạt bỏ vì một scandal say rượu. Sau khi thắng kiện PFA, Anderson trở thành một trong những nhà đại diện có uy tín nhất trong làng bóng Anh. Có lúc, hầu như mọi cầu thủ West Ham đều do Anderson đại diện. Có lần, Anderson chiêu đãi một bữa tiệc nướng và ký hợp đồng với 6 cầu thủ cùng lúc.
Chẳng cần nói nhiều để hiểu về những bất tiện, thiệt thòi của nữ giới trong bóng đá đỉnh cao. Anderson không bao giờ là ngoại lệ. Nhưng cô phớt lờ tất cả. Có lần, cô đã sẵn sàng làm việc nhưng chẳng thấy ai trong bàn họp lên tiếng. Chờ một lúc, có người hỏi: "Ông ta vẫn chưa đến ư?". Thì ra, người ta ngỡ cô chỉ là thư ký của một nhà đại diện chưa đến. Anderson đánh giá năng lực của những đối tác như vậy: “Còn chưa biết người biết ta, chưa biết đối tác là như thế nào, thì đàm phán thành công thế nào được". Cô nhắc lại sự kiện bị cấm cửa tại gala cuối năm của PFA: "Họ đều là những quý ông thắt cravat, nhưng họ ngốc nghếch đến mức không thể tả được. Tôi chỉ cần đưa thư mời cho một anh bồi, bảo anh ta ăn mặc lịch sự. Thế là anh ta có thể nghiễm nhiên cụng ly, trả lời phỏng vấn trong ngày hội của PFA. Còn người thật sự làm việc như tôi thì bị đuổi ra ngoài".
 
 
Bây giờ, Rachel Anderson vẫn đang thành công trong nghề đại diện, nhưng bà đã chuyển hướng, chủ yếu đại diện cho các đội bóng hơn là cầu thủ. Không hổ danh "Bà đầm thép của bóng đá đỉnh cao".
 
 
Nguyễn Minh
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.