Ryan Giggs tiếp tục khốn đốn

24/05/2011 12:08 GMT+7

(TNO) Một Hạ nghị sĩ Anh nêu đích danh tiền vệ kỳ cựu của Manchester United Ryan Giggs là người đã ngoại tình với người mẫu Imogen Thomas, mở đường cho báo chí Anh đưa tin rầm rộ về vụ việc này.

(TNO) Một Hạ nghị sĩ Anh nêu đích danh tiền vệ kỳ cựu của Manchester United Ryan Giggs là người đã ngoại tình với người mẫu Imogen Thomas, mở đường cho báo chí Anh đưa tin rầm rộ về vụ việc này.

>> Tiền vệ Ryan Giggs bị tố ngoại tình
>> Một ngôi sao ở Premier League kiện Twitter

Biến chuyển đến trong một phiên họp của Hạ viện Anh hôm 23.5, chỉ vài phút sau khi một thẩm phán tuyên bố “siêu lệnh” bảo vệ bí mật đời tư của Giggs vẫn phải được giữ nguyên. Nó đánh dấu một cộc mốc mới trong mối quan hệ đang xấu đi giữa Hạ viện Anh và ngành tòa án.


 Tiền vệ Ryan Giggs - Ảnh: The Times

Trong phiên họp, Hạ nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Tự do John Hemming đã sử dụng đặc quyền của nghị viện để nêu danh tính Giggs, người có vợ và hai con, là cầu thủ đã ngoại tình với Imogen Thomas.

Chỉ vài phút trước đó, tại tòa Thượng thẩm, thẩm phán David Eady đã ra phán quyết rằng “siêu lệnh” phải được giữ nguyên để bảo vệ gia đình của Giggs, bất chấp việc hàng ngàn người trên mạng xã hội Twitter và tờ báo ở Scotland Sunday Herald đã nêu đích danh ngôi sao 37 tuổi.

Ông Hemming nói: “Với khoảng 75.000 người đã chỉ ra Ryan Giggs trên Twitter, rõ ràng chúng ta không thể tống giam tất cả những người này”.


 Người mẫu Imogen Thomas - Ảnh: The Times

Cũng trong phiên họp, ông John Whittingdale, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, Truyền thông và Thể thao của Hạ viện Anh, phát biểu: “Việc hàng ngàn người đăng tải chi tiết về chuyện này lên Twitter có nguy cơ biến luật pháp trở thành trò cười”.

Ông Hemming cũng nêu tên nhà báo Giles Coren của tờ The Times là người bị tố cáo đã tiết lộ danh tính của một cầu thủ khác dính líu đến việc sử dụng “siêu lệnh”. Vào cuối tuần trước, báo chí Anh đưa tin ông Coren có thể bị khởi tố vì những phát biểu của mình trên Twitter.

Sự can thiệp của ông Hemming đã cho phép giới truyền thông chính thống ở Anh đưa tin về trường hợp của Giggs bất chấp ba lần nỗ lực hủy bỏ “siêu lệnh” bất thành trước đây của họ.

Cột mốc trong vụ ngoại tình của Ryan Giggs

Tháng 9.2010: Ryan Giggs và Imogen Thomas gặp nhau lần đầu tiên.

Tháng 11 và 12.2010: Họ gặp nhau ít nhất 2 lần.

Tháng 4.2011: Thomas đề nghị gặp Giggs tại một khách sạn. Vào lúc này, Giggs bắt đầu cảm thấy bị theo dõi.

Ngày 12.4.2011: Giggs gửi một tin nhắn nói không muốn tiếp tục quan hệ.

Ngày 13.4.2011: Thomas gửi cho Giggs một tin nhắn cho biết có một phóng viên của tờ The Sun đứng bên ngoài nhà cô.

Ngày 14.4.2011: Tòa án ban hành một lệnh tạm thời để ngăn cản báo chí đưa tin về Giggs.

Tháng 5.2011: Các mạng xã hội và blog bắt đầu tiết lộ danh tính của Giggs trong vụ ngoại tình.

Ngày 16.5.2011: Thẩm phán Eady cấp cho Giggs một “siêu lệnh”.

Ngày 22.5.2011: Tờ báo ở Scotland Sunday Herald đăng hình Giggs trên trang nhất kèm theo lời khẳng định Giggs là cầu thủ trong vụ ngoại tình với Thomas.

Ngày 23.5.2011: Hạ nghị sĩ John Hemming sử dụng đặc quyền của nghị viện để nêu danh tính của Giggs.

Trước khi xảy ra diễn biến có tính bước ngoặt ở Hạ viện, thẩm phán Eady nói rằng việc tờ Sunday Herald tiết lộ danh tính của Giggs cũng không tạo nên sự khác biệt và nhận định rằng gia đình của cầu thủ này sẽ “bị nhấn chìm trong một cơn điên cuồng nhẫn tâm và phũ phàng của giới truyền thông”.

Ông Eady đồng ý với lập luận từ phía luật sư của Giggs rằng “đập nước vẫn chưa vỡ” và tuyên bố không có lý do vững vàng để tiết lộ danh tính của Giggs trên các phương tiện truyền thông trong nước.

Luật sư Richard Spearman, người đại diện cho tập đoàn News Group Newspapers, chủ sở hữu của tờ The SunNews of the World, cho biết vụ kiện này đã thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận và bổ sung: “Nếu cái đập không vỡ vào thứ hai tuần trước, nó chắc chắn đã vỡ trong lúc này”.

Tuy nhiên, luật sư Hugh Tomlinson đại diện cho Giggs cảnh báo việc hủy bỏ “siêu lệnh” sẽ biến nó trở thành luật rừng. “Không phải bởi khó ngăn cản các vụ trộm mà bạn có thể nói rằng hãy để nó diễn ra. Đó là điều mà tòa án sẽ làm trong hôm nay nếu họ hủy bỏ "siêu lệnh”", ông Tomlinson nói.

Cũng trong hôm 23.5, Thủ tướng Anh David Cameron đã mở một cuộc điều tra về sự cần thiết của luật bí mật đời tư. Một ủy ban hỗn hợp của Hạ viện và Thượng viện Anh được yêu cầu đưa ra báo cáo trong mùa thu năm nay. Ông Cameron nói rằng luật về bí mật đời tư phải theo kịp với cách thức mà con người thông tin trong thế kỷ 21.

Các luật sư của Giggs và những nhân vật nổi tiếng khác có liên can đến việc sử dụng “siêu lệnh” đã nói rõ rằng họ vẫn sẽ chuẩn bị hành động để chống lại những người không tuân thủ lệnh tòa án. Luật sư Gideon Benaim thuộc công ty luật Schillings bảo vệ quyền lợi cho Giggs nói: “Chúng tôi sẽ thực hiện các bước đi cần thiết để bảo vệ quyền lợi của thân chủ”. 

Sơn Duân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.