Tuổi già bi kịch của 'ông bầu' Thể Công lừng lẫy một thời

04/11/2015 15:07 GMT+7

(TNO) Tuổi 80 của ông Hà Quang Liêm, ông bầu lừng lẫy của đội Thể Công một thời chậm chạp trôi qua trong hiu quạnh.

(TNO) Tuổi 80 của ông Hà Quang Liêm, ông bầu lừng lẫy của đội Thể Công một thời chậm chạp trôi qua trong hiu quạnh.
Món quà hạnh phúc nhất của ông cụ tuổi 80 đó là ai đó đến thăm và mang cho ông tờ báo - Ảnh: Thúy Hằng
Chúng tôi đến thăm ông vào một chiều đầu tháng 11, Hà Nội trở lạnh. Một người bạn tôi, từng là lính Thể Công, dặn kỹ lưỡng đường đi rồi bỗng thở dài: “Nhà bố Liêm nhỏ, lại nằm trên gác 2 khu tập thể, em phải gửi xe máy chỗ khác rồi gọi điện cho bố. Không biết bố còn nghe được điện thoại nữa không”.
Bệnh tật bủa vây trong cô đơn
Căn nhà khu tập thể Bộ Quốc phòng, đường Hoàng Quốc Việt rộng chừng 18 mét vuông, chia nhỏ thành gian bếp, phòng khách, nơi học hành của trẻ con.
“Bố Liêm” nằm li bì trên một chiếc giường mét hai trong một căn phòng rộng chừng 4 mét vuông, nằm giữa lối đi từ phòng khách vào buồng ngủ. Một cửa sổ nho nhỏ nằm sát đầu giường đóng im ỉm. Một chiếc ti vi kê trên mặt bàn nhựa bừa bộn thuốc men, vỏ cam.
Cháu nội ông, bé Hà Quang Trung một tay xoa xoa lưng cho ông, một tay chỉnh điều khiển ti vi.
“Trung là con anh Tú đấy, nó quý ông, đi học về là chạy lại với ông”, ông Liêm thều thào.
Trước mặt tôi - người từng là một chân sút tài hoa, ông bầu của đội bóng quân đội Thể Công chiến công lừng lẫy, người được bao thế hệ cầu thủ gọi âu yếm bằng bố Liêm - gầy sọp, mắt trũng, tóc lơ thơ, chân tay run rẩy bám chặt vào thành giường như sợ cơ thể nặng hơn 30 kg có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào.
“Ngày xưa tôi 80 cân đấy, 2 năm nay ốm đau, ăn không ăn được, ngủ chỉ một ngày vài tiếng”, tiếng ông Liêm đứt quãng trong tiếng ho.
Ông Liêm chân tay run rẩy, giọng nói khó nhọc, nhưng mắt vẫn tinh anh, trí nhớ vẫn minh mẫn. Ông thích đọc báo thể thao, nhưng buồn một nỗi không thể tự đi lại để mua báo đọc hàng ngày.
Hỏi về Thể Công, ông Liêm gật đầu: “Tôi còn nhớ tất cả, anh em, bạn bè, học trò. Hồi tháng 5, anh Hồng Sơn, Đức Thắng… tổ chức bóng đá rồi mời tôi đến dự. Họ làm một tấm băng rôn to, ghi là gia đình Thể Công cảm ơn bố Liêm. Mừng lắm”.
“Tôi chẳng biết tôi bị bệnh gì nữa. Thấy đau bụng, đau suốt đêm ngày, đi khám thì họ bảo tiểu đường, tôi chán chẳng đến viện nữa”, chúng tôi cố gắng góp nhặt từng chữ rời rạc trong khẩu hình của ông cụ 80 tuổi và tự dịch.
Bệnh tật bủa vây ông bầu của Thể Công trong cô đơn - Ảnh: Thúy Hằng
Đầu giường, chiếc gậy ba toong để sẵn đấy. Ông Liêm bảo bây giờ không đi được xuống nhà nữa rồi. Đi từ giường nằm tới toilet cách vài bước chân cũng như cả nửa vòng trái đất.
Vợ ông, sau hơn 10 năm chống chọi với bệnh tai biến liệt cả người đã qua đời hồi đầu năm nay.
“Bà ấy ra đi, mình tôi ở lại, buồn lắm. Bà ấy nằm cũng chính cái giường này này”, ông Liêm thở dốc.
Chúng tôi đẩy cánh cửa sổ đầu giường ông, những con bọ nhỏ li ti bay vù lên không trung. Phía sau cánh cửa, không gian bị co hẹp lại bởi những tấm tôn của những gian nhà tập thể xung quanh, lác đác vài chiếc lá bàng đỏ sắp rơi.
“Ông ơi, ông nên mở cửa sổ thường xuyên để không khí được thông thoáng”. “Vâng”, người đàn ông thều thào, mắt nhìn ra bầu trời xám phía ngoài cánh cửa.
"Tôi chỉ mong trước khi nhắm mắt, Tú có việc làm"
Ông Liêm từng có căn nhà ở đường Điện Biên Phủ, tuy nhiên sau đó bán đi và mua 2 căn hộ nhỏ ở khu tập thể này cho 2 con trai.
Căn nhà ông đang nằm là của anh Hà Quang Tuấn, con trai cả của ông Liêm. Con trai thứ, cũng là út là anh Hà Quang Tú sinh năm 1975, đã ly dị vợ, đến nay vẫn chưa có công ăn việc làm ổn định, chưa tự nuôi được bản thân khiến ông khổ tâm hết sức.
"Tôi chỉ có một nguyện ước cuối đời, đó là Tú, con trai tôi có 1 việc làm" - Ảnh: Thúy Hằng
“Một anh trong đội Thể Công xin việc cho Tú làm trông xe cho quán bia, lương hơn 5 triệu một tháng, nuôi cơm ăn, thế mà nó làm được 1 năm thì bỏ, vì có cái xe máy đi làm lại bị trộm mất. Giờ nó ở nhà ngủ. Rảnh rỗi sinh tật hút thuốc lá. Tôi buồn lắm”, ông Liêm thở dài.
Lương hưu của ông Liêm mỗi tháng được khoảng 10 triệu đồng, khoản tiền này, ông vừa nuôi cả Tú và con trai anh, cháu Hà Quang Trung đang học lớp 6.
“Tôi không biết có sống qua năm nay không. Chỉ mong trước khi nhắm mắt, Tú xin được việc làm, tự nuôi thân nó”, ông Liêm rưng rưng.
18 giờ. Hà Nội lên đèn. Dòng người hối hả trở về mái ấm của mình. Trong căn gác 2 của khu tập thể, đèn chưa sáng, ông Liêm dựa lưng vào tường, đếm thời gian trôi. Dưới kia, Tú, con trai 40 tuổi của ông vẫn đang ngủ quên ngày tháng… 
“Ông bầu” làm bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam
Đại tá Hà Quang Liêm là người giúp những cầu thủ như Hồng Sơn, Quang Hà, Việt Hoàng, Như Thuần… lên thành những ngôi sao hàng đầu Việt Nam.
Dưới thời ông Liêm, các cầu thủ được chăm sóc chuyên nghiệp nhất, có cả đội ngũ chuyên chăm lo bữa ăn, giấc ngủ của các cầu thủ đội 1. Lần đầu tiên có một “ông bầu” dám chi cho các cầu thủ, cứ 10.000 đồng cho 1 phút thi đấu (nếu đội thắng). 900.000 đồng/90 phút thi đấu là một phần thưởng lớn lao cho mỗi cầu thủ đeo quân hàm bấy giờ.
Là giám đốc trung tâm thể dục thể thao quân đội trong 3 năm, 1996 -1999, đại tá Hà Quang Liêm đưa Thể Công giành những thành tích đáng nể: Vô địch Quốc gia, đoạt Siêu cúp Quốc gia năm 1998, U.21 Thể Công 3 lần liên tiếp đăng quang giải U.21 Báo Thanh Niên từ 1997 - 1999, U.18 vô địch quốc gia 1998.
Ông được tôn vinh là "Người làm bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên" của Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.