AIMAG 2017: Từ Incheon đến Ashgabat

24/09/2017 15:26 GMT+7

4 năm trôi qua thật nhanh. Mới năm 2013 chúng tôi còn chạy theo đoàn thể thao Việt Nam đi săn từng chiếc huy chương thì giờ đây năm 2017 với vị thế đã bắt đầu khác, thành tích của các chàng trai, cô gái Việt Nam đã được khẳng định một cách hùng hồn.

Năm 2013 lần đầu đến với Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á (AIMAG), phóng viên Việt Nam (VN) rất ít. Đơn giản vì đây là loại hình do châu Á nảy sinh ý tưởng tạo ra, chưa có trên thế giới. Ủy ban Olympic châu Á “đẻ ” ra ngày hội này nhằm muốn tăng cường cọ sát cho các quốc gia châu Á vốn có nhiều môn thi rất đa dạng mà sân chơi ngoài trời thể hiện qua Asian Games chưa thể nào tổ chức được hết. Chính vì vậy mới có các môn như kurash, kabbadi, jujitsu, futsal, cờ vua, thể thao điện tử, dance sport, bơi hồ ngắn 25 m... xuất hiện. Vì nó không phải là sân chơi chính thống nên mức độ nhìn nhận của truyền thông cũng như đánh giá của nhiều liên đoàn thành viên châu Á theo kiểu có cũng được mà không có thành tích cũng chẳng sao. Thế nên báo chí đến với AIMAG cũng không đông như ASIAD. Với phóng viên VN thì tỷ lệ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nhưng với người làm nghề thì Đại hội nào cũng có cái hay của nó, nhất là khi có đoàn VN tham dự thì màu cờ sắc áo được tung bay bao giờ cũng là cái vô cùng thiêng liêng. 4 năm trước chúng tôi cùng ông bạn già Quang Thắng (khi đó còn làm cho báo thể thao Việt Nam) và ông bạn Nguyễn Xuân Gụ (khi đó còn ở báo Quân đội nhân dân, giờ là phó chủ tịch VFF) là một trong số ít ỏi những phóng viên VN có mặt. Thời đó, Hàn Quốc bố trí các điểm thi đấu khá xa mà lại không có khách sạn dành cho báo chí nên mỗi ngày chúng tôi phải dậy từ sớm đón xe bus để di chuyển khắp nơi từ Songdo Conversia để xem billiard đến Dowon Aquatics xem bơi hay từ Sangonsku xem futsal đến Samsan World Gymnasium xa gần 50 km để xem dance sport và thể thao điện tử. Cực nhưng khi đó tận mắt xem thành tích của các VĐV VN mới tự hào làm sao.
Chúng tôi còn nhớ khi Ánh Viên giành ngôi vô địch, em đã ngã vào lòng thầy Đặng Anh Tuấn khóc như mưa. Đó là chiếc HCV châu Á đầu tiên của cô gái sinh năm 1996 hay lần chứng kiến những giọt nước mắt của Ngô Đình Nại và Nguyễn Quốc Nguyện khi cùng thua trong trận chung kết carom 1 băng và 3 băng khiến billiards VN không có HCV nào. Chưa hết tôi cũng đã thẩm thấu nỗi lo của ông Lâm Quang Thành, khi đó là trưởng đoàn thể thao VN vì đến trước ngày cuối vẫn chỉ mới có trong tay 4 HCV của bơi, kurash và muay chưa đủ chỉ tiêu đề ra là 6 cái! Khuôn mặt ông Thành thật căng. Nhưng thật may mắn khi 3 chiếc HCV kick boxing, trong đó có cú đúp của chị em Tuyết Mai,Tuyết Dung cùng đồng đội cờ vua khóa số thật ngọt ngào giúp cho VN có 8 cái vàng vươn lên hạng 3 toàn đoàn.
Những ký ức đó ở Incheon như lùa về tại Ashgabat lần này, nhất là khi chứng kiến Ánh Viên một lần nữa lên ngôi. Nó có cái gì đó không giống như 4 năm trước. Sự rụt rè, lo lắng của một cô gái trẻ lần đầu xuất trận ở châu Á không còn nữa thay vào đó là phong thái tự tin, toát lên bản lĩnh và tinh thần mạnh mẽ. Cũng không giống là futsal khi 4 năm trước, ông Trần Anh Tú khi đó dẫn đội đi thi đấu trong sự yếm thế so với khu vực. Chúng tôi còn nhớ trận hòa Li Băng ở Sangonksu vất vả vô cùng. Ông Tú khi đó ngồi trên khán đài la đến khản cổ, nhưng giờ đây tư thế của Futsal VN đã khác, mạnh và hùng hồn hơn, được nể trọng trong mắt bạn bè khu vực. Ngay cách giành chiến thắng của nhiều VĐV VN lần này cũng ngọt ngào hơn trước, từng chiếc HCV đều bằng mồ hôi công sức cũng gặp không ít khó khăn nhưng cũng không đến mức căng thẳng, hồi hộp như 4 năm trước.
HLV Nguyễn Quốc Trung cùng học trò Thanh Thủy lúc đoạt HCV môn Kurash Đăng Khoa
Những người ở Incheon gặp lại lần này tại Ashgabat vẫn còn nguyên vẹn nụ cười như HLV Nguyễn Việt Hòa của billiards mà trong giới thường gọi là “ông bầu”. Ông Hòa bị điếc một bên tai lại vừa mới mổ tim, nhưng ông là người đeo sát học trò như hình với bóng, rất khoan thai, độ lượng và hết lòng với công việc. 4 năm trước chúng tôi hay đi ăn với ông ở quán cơm trộn Hàn Quốc đối diện tòa nhà Songdo. 4 năm sau gặp lại ông vẫn mời đi ăn tiếp, nhưng lần này ông cười vang hơn vì Billiards VN đang đứng trước cơ hội lớn. Còn với HLV Nguyễn Quốc Trung, người rất có duyên với sở trường không phải judo dù ông từng là nhà vô địch SEA Games đầu tiên năm 1993 cách đây đã 24 năm.
4 năm trước ông nắm kurash đã đưa Văn Ngọc Tú lên ngôi thì 4 năm sau ông lại cùng “bé bự” Trần Thị Thanh Thủy giành vàng về cho VN. Cũng như HLV Việt Hòa, thầy Quốc Trung bao giờ cũng nở nụ cười trên môi. Ông vốn là con nhà nòi khi thân phụ là ông Nguyễn Hữu Huy từng có công lớn gầy dựng judo VN trước đây. Ông Quốc Trung kế thừa những gì của cha, luôn toát lên sự tự tin trong công việc và hết lòng truyền dạy cho đàn em.
 
HLV Giáp Trung Thang (giữa) và học trò Thanh Tùng ở muay Đăng Khoa
Không thể không kể đến HLV Giáp Trung Thang, người mà ở Incheon 4 năm trước còn là một ông thầy đi học việc. Khi đó ông Thang cùng với Phó giám đốc Sở VHTT Mai Bá Hùng đang tập tễnh phát triển môn muay. Từ Thái Lan,ông sang Hàn Quốc mày mò tìm đường đi lên cho muay. Lúc đó cái tên Nguyễn Trần Duy Nhất chưa ai biết đến, nhưng chỉ sau giải này anh nổi như cồn và giờ đây trong tay ông Thang là một tập thể mạnh. Dĩ nhiên không thể không nhắc đến nỗi buồn của Nhất vì dù vô địch thế giới nhưng một khi người thái, vốn là cha đẻ của môn võ này “siết” lại hạng cân 56 kg của anh thì cơ hội để giành chiến thắng của độc cô cầu bại VN là cực khó.
Từ Incheon đến Ashgabat đã 4 năm nhưng mọi thứ vẫn hiện hiện trong chúng tôi như mới xảy ra hôm qua. Có những thay đổi tạo nên sự khác biệt nhưng cũng có những giá trị vẫn tồn tại vĩnh cửu vì đơn giản đó là cuộc sống, là hơi thở và chắc chắn vẫn còn đọng mãi với thời gian.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.