'Đừng so sánh giữa Schooling và Ánh Viên vì rất khập khiễng’

Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới nhất với phóng viên thethao.thanhnien.vn cùng một số đồng nghiệp báo chí khác đang tác nghiệp tại Brazil, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên vẫn tự coi Olympic lần này là một thất bại với cô nhưng HLV Đặng Anh Tuấn lại nghĩ khác.


[VIDEO]: ÁNH VIÊN CHIA SẺ VỀ THÀNH TÍCH TẠI OLYMPIC 2016

Ánh Viên chia sẻ: “Em tự đặt ra mục tiêu và thầy em cũng mong muốn em đạt được mục tiêu đó là vào được chung kết 8 người giỏi nhất Olympic nội dung 400m hỗn hợp. Song thật buồn là em chỉ về thứ 9. Như vậy, em chưa hoàn thành nhiệm vụ đặt ra. Nhưng em sẽ không nản chí mà cố gắng hơn ở chặng đường tiếp theo của mình. Em xin hứa là như vậy”.

Trong khi đó, thầy của Ánh Viên - HLV Đặng Anh Tuấn đã có những phân tích khá sâu về chuyên môn mà ông đã hai lần nói đến từ “sai lầm” trong việc tính toán chiến thuật, chứ không hề trách cứ Viên nửa lời.

"Tôi biết hiện tại sẽ có nhiều ý kiến đưa ra sự so sánh giữa Schooling và Ánh Viên cũng như các VĐV bơi giỏi khác của Việt Nam. So sánh như vậy là khập khiễng. Vì thế đừng nên so sánh. Bạn biết sao không? Schooling sang Mỹ tập huấn từ năm 11 tuổi, đến nay có gần 10 năm ở Mỹ và phát triển theo hệ thống đào tạo của Mỹ. Năm 2011, VĐV người Singapore này đạt chuẩn A nội dung 200 m hỗn hợp, 200 m bướm để dự Olympic 2012. Khi đó, Ánh Viên mới bắt đầu bước vào con đường chuyên nghiệp thực thụ và năm 2015 đã đạt chuẩn B dự Olympic.

Tại Olympic 2016, Schooling thành công vượt bậc không có gì khó hiểu cả mà đó là thành quả tất yếu của hơn 10 năm tập luyện trong môi trường đào tạo tốt nhất thế giới, đầu tư bậc khủng nhất thế giới. Ở Olympic 2016, Ánh Viên đứng thứ 9 nội dung 400 m hỗn hợp, chậm hơn VĐV đứng thứ 8 đúng 3/10 giây. Dĩ nhiên tôi có tiếc nhưng không hề thất vọng và càng không thể nói đây là thất bại của Viên.

tin liên quan

‘Olympic 2016 của Hoàng Xuân Vinh nhưng 4 năm sau thuộc về Ánh Viên’
‘Từ ngày thể thao Việt Nam hội nhập quốc tế đến giờ, lần đầu tiên tôi mới thấy xảy ra cảnh tượng lạ là khán giả đổ xô trước màn hình để xem tường thuật trực tiếp một ‘trận đấu’ bắn súng. Tôi có làm ở đài truyền hình đâu mà bao nhiêu người quen gọi hỏi, Vinh thi đấu phát ở kênh nào hả ông?’, ông Hoàng Vĩnh Giang - Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam nói.

Sở dĩ tôi nói như vậy vì ngay từ đầu, tôi đã xác định rất rõ, mục tiêu của Viên nhắm tới là ASIAD 18 năm 2019 và sau đó là Olympic Tokyo năm 2020. Năm đó, Viên phải tập trung toàn lực để giành huy chương. Mục tiêu rất rõ ràng là phải có huy chương Olympic vào 4 năm sau. Muốn thế, Viên phải vượt qua rất nhiều thử thách, phải phấn đấu cực kỳ kinh khủng bởi nếu không phấn đấu thì có đầu tư lớn thế nào, Viên cũng không thể hoàn thành được nhiệm vụ. Viên đang dần hội tụ đủ những tố chất của VĐV đẳng cấp thế giới và cần phải nắm bắt lấy nó với bất kỳ cách nào. Điều đó đòi hỏi sự kiên trì vượt bậc của Viên”.

Ông Tuấn nói tiếp về sự chưa thành công của Viên ở Olympic lần này: “Dựa trên bảng xếp hạng thế giới, Viên được bố trí bơi ở lượt 3 vòng loại Olympic. Viên về đích đầu tiên, bỏ lại người thứ 2 tới 2 giây. Nhưng điều này lại không thực sự tốt. Bởi trên đường đua, nó không tạo ra sự đua tranh quyết liệt nhất có thể. Nếu vào thời điểm đó, Viên gặp đối thủ mạnh, sẽ kích thích Viên bơi với tốc độ nhanh hơn.

Trong khi đó, ở các lượt bơi khác có những VĐV cực giỏi, như Hosszu (Hungaria) hay Ricardo (Mỹ), vì họ quá mạnh nên tạo ra không khí đua tranh hết sức quyết liệt, kéo những VĐV khác vào cuộc đua tranh đó. Và dẫn tới việc Viên chỉ đứng thứ 9 ở vòng loại, kém người cuối cùng có mặt ở chung kết chỉ 3/10 giây như tôi nói ở trên.

Dù ban huấn luyện đã tính rất kỹ và Viên cũng đã thực hiện rất tốt suốt cả lượt bơi vòng loại của mình (Viên bơi chuẩn theo đúng giáo án đề ra từng nội dung một từ bướm, ếch, ngửa…), nhưng chúng tôi không ngờ tới yếu tố khách quan như vừa kể ở trên. Đó là sai lầm, đúng, đó là sai lầm của chúng tôi và bài học này sẽ được thấm nhuần thật kỹ trong tương lai.

Cũng vì không lọt vào được chung kết, không đạt được ý muốn nên tâm lý của Viên đi xuống. Viên buồn vì năng lực mình có nhưng đã không đạt được thứ mình mong muốn. Dẫu có sự điều chỉnh ở nội dung tiếp theo là 200 m hỗn hợp, nhưng do Viên có sự suy nghĩ, tiếc nuối nên năng lượng dồn vào thi đấu không tốt. Và dĩ nhiên chỉ số thành tích đã không thể tốt. Tôi xin nhấn mạnh lại là chúng tôi cần rút ra bài học để có sự tính toán chặt chẽ hơn sau này.

Song tôi cũng nói lại một ý, Viên là VĐV gần như trẻ nhất trong top 9. Viên không thể có huy chương ở Olympic lần này. Chúng tôi phải đi từng bước, không thể đi gấp gáp được bởi muốn cũng không được”.  

"Em quá ngưỡng mộ chú Hoàng Xuân Vinh"

Trong câu chuyện bên lề, Ánh Viên đã nói về xạ thủ Hoàng Xuân Vinh với giọng đầy ngưỡng mộ: “Vâng, chú ấy khiến chúng ta phải khâm phục, ngưỡng mộ bởi sau những thất bại đắng cay, chú Vinh đã đứng lên. Sự kiên trì của chú ý là bài học lớn của em sau này. Không bao giờ được nản chí dù hoàn cảnh có khó khăn, bất lợi thế nào. Em vẫn nuôi khát vọng trở thành nhà vô địch thế giới”.

Khi được hỏi về các kình ngư đang làm dậy sóng đường đua xanh tại Olympic, Viên cũng không che giấu sự ngưỡng mộ: “Em đã từng nói chuyện với Schooling và bạn ấy rất hòa đồng, thân thiện. Đây là tấm gương lớn cho em học tập.

Em cũng rất yêu thích VĐV Ledecky - nhân tài của nước Mỹ. Nhìn bạn ấy tập luyện, thi đấu mà em thích thú vô cùng và học hỏi bạn ý về cách quạt sải tay trên nước. Còn dĩ nhiên Michael Phelps vẫn là VĐV quá vĩ đại. Cả thế giới, trong đó có em phải cúi đầu khâm phục. Em cũng học hỏi rất nhiều về động tác kỹ thuật từ anh ấy”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.