Kỳ thú đua chim đà điểu

02/01/2017 10:21 GMT+7

Đua đà điểu đang dần tạo được sức hút mãnh liệt như đua ngựa nhờ sự độc đáo và luôn để lại nhiều kinh ngạc trước tài năng đặc biệt của nài chim.

Trong thế giới thể thao liên quan đến cưỡi động vật, đua ngựa được xem là số 1 về hấp lực lẫn tốc độ. Tuy nhiên, theo Daily Mail, nếu nói nét độc đáo và kỹ năng của nài, đua ngựa có lẽ chưa thể vượt mặt cuộc đua chim đà điểu (ostrich racing).
Trường đua đà điểu tương tự như đua ngựa và nài phải trải qua quá trình tập luyện ngồi trên lưng chim để... “phi”. Mỗi vòng đua thường có đến 5 - 7 chú chim xuất phát mỗi lượt và độ dài đường đua giống như ở đua ngựa, con nào về đích đầu tiên sẽ giành chiến thắng. Các con đà điểu đều được gắn một chiếc yên đặc biệt cùng dây cương, còn nài cầm roi, đội mũ bảo hiểm cũng như đều được kiểm tra trước khi tranh tài. Dù “phụ kiện” đều tương tự như đua ngựa nhưng đua đà điểu luôn thu hút và tạo hào hứng, vui nhộn cho khán giả nhờ sự kỳ lạ và độ khó của nó. Ngoài ra, một số giải đấu còn có nội dung đua đà điểu kéo xe.
Các chú đà điểu tranh tài ở các cuộc thi hầu hết có nguồn gốc từ châu Phi. Đây là loài chim không biết bay, sở hữu thân hình lớn nhất trong các loài chim. Cổ và chân đà điểu đặc biệt rất dài và được xem là “ông vua tốc độ” trên mặt đất trong thế giới chim. Từ cuối thế kỷ 19, với khả năng có thể “địu” một khối lượng lớn trên lưng, các cuộc đua đà điểu được hình thành với mục đích giải trí trong một số lễ hội ở Nam Phi và các bang Arizona hoặc Florida (Mỹ). Đến nay, đua đà điểu không những trở nên rất phổ biến tại các địa phương trên mà còn mở rộng đến nhiều nơi trên đất Mỹ, được tổ chức xen kẽ với các cuộc đua lạc đà và ngựa vằn. Theo một thống kê gần đây, những cuộc đua đà điểu ở thành phố Chandler trong lễ hội đà điểu Arizona hồi tháng 3 năm ngoái thu hút đến hơn 100.000 khán giả và du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Đẳng cấp đua chim
Theo đánh giá của truyền thông Mỹ, đua đà điểu có độ khó hơn đua ngựa và các loại hình đua cưỡi các loài động vật khác. Bởi tốc độ của một con đà điểu có thể lên đến 70 km/giờ. Vì vậy, mỗi nài đà điểu phải trải qua quá trình khổ luyện để giữ thăng bằng trên lưng những chú chim khá bướng bỉnh. Theo tờ The Sun, nài phải tập luyện những kỹ năng đặc biệt để vô hiệu hóa đôi cánh đà điểu nhằm giữ vững chiếc yên. Điều quan trọng hơn là các nài phải huấn luyện miệt mài để đà điểu phục tùng mình trên đường đua. Đây được xem là yếu tố hàng đầu quyết định thắng - thua ở mỗi cuộc đua.
Với tính cách “nắng mưa bất thường” của đà điểu, các cuộc đua luôn tạo nên những tràng cười bể bụng khi nài bị hất văng xuống đất. Các “thân chủ” nhiều lúc phải méo mặt la hét, dùng đủ mọi cách khi đà điều bỗng nhiên đứng như trời trồng giữa đường đua, liếc mắt nhìn bâng quơ, trong khi nài thì lao chúi mũi về phía trước, thậm chí có khi “VĐV chim” quay trở đầu chạy về lại vạch xuất phát cũng như “xé rào” lao ra khỏi trường đua... Vì thế, trước mỗi cuộc đua, chẳng ai dám dự đoán chú đà điểu nào sẽ cán đích đầu tiên. Người chiến thắng ở mỗi cuộc đua đà điểu luôn nhận được sự ca ngợi nhờ kỹ năng siêu đẳng giữ thăng bằng trên lưng chim và độc chiêu, sự khéo léo trong việc thuần phục đà điểu.
Đua đà điểu mới đây còn được nâng tầm khi các nhà khảo cổ học tìm thấy trong một ngôi mộ cổ bức tượng nữ hoàng Arsinoe II của Ai Cập cưỡi một chú chim đà điểu. Điều này cho thấy việc con người thuần hóa đà điểu để di chuyển đã có một lịch sử lâu dài, nhờ đó các cuộc đua đà điểu ngày càng lan rộng ở châu Phi sau này. Cách đây không lâu, các nhà sản xuất bộ phim bom tấn Prince of Persia: The Sands of Time đã phải thuê một số nài đà điểu người Ma Rốc đóng thế cho diễn viên trong các cảnh đua đà điểu ác liệt trong phim.
Tuy nhiên, theo Daily Mail, nếu muốn trở thành một môn thể thao chính thức như đua ngựa, các nhà tổ chức đua đà điểu phải “đánh bại” những suy nghĩa của PETA (Hiệp hội Bảo vệ động vật thế giới). Bởi trong quá khứ, đua đà điểu luôn rơi vào nhiều cuộc tranh cãi do PETA cho rằng những chú chim đà điểu dễ bị chấn thương nghiêm trọng vì sợ hãi từ quá trình huấn luyện cực khổ, căng thẳng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.