Sao thể thao ngầy ấy - Kỳ 89: Bông hồng nghị lực

10/05/2013 00:25 GMT+7

Ba lần lỗi hẹn với SEA Games, liên tiếp đối mặt với phẫu thuật vì chấn thương, người ta vẫn thấy một Đỗ Thị Ngọc Châm rạng ngời, tươi tắn như chưa từng có giông bão đi ngang qua đời.

Ba lần lỗi hẹn với SEA Games, liên tiếp đối mặt với phẫu thuật vì chấn thương, người ta vẫn thấy một Đỗ Thị Ngọc Châm rạng ngời, tươi tắn như chưa từng có giông bão đi ngang qua đời.

Đứng lên từ nỗi đau

15 tuổi, Ngọc Châm là ngôi sao của Trường trung học Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm, Hà Nội) khi vừa học giỏi vừa xinh xắn. Bố mẹ kỳ vọng Châm sẽ trở thành một cô giáo mà không hay biết một ngày cô con gái bé nhỏ quyết ghi tên vào lớp năng khiếu bóng đá ở Sóc Sơn, cách nhà 50 km. Bố mẹ thở dài thườn thượt. Không ai ngăn nổi, Châm bướng bỉnh đã chọn là... trời chọn. Có người bảo Châm: da trắng, khuôn mặt sáng, vóc dáng chuẩn từng centimet, phù hợp với nghề MC, nhân viên văn phòng chứ đá bóng nỗi gì! Ấy thế mà chỉ 2 năm trong đội năng khiếu của Hà Nội, Châm đã khiến tất cả phải ngỡ ngàng. Châm bộc lộ tài năng và nhanh chóng nhảy vọt lên đội hình cùng những đàn chị Thúy Nga, Hiền Lương, Minh Nguyệt. 17 tuổi, Châm đã là một chân sút chủ lực trong ĐTQG với lối chơi thông minh và duyên ghi bàn trời phú. Cũng chỉ một năm sau, cô có tên trong danh sách chuẩn bị cho SEA Games 22. Nghiệt ngã cũng bắt đầu từ đây, trong một buổi tập Châm bị chấn thương đứt 3/4 dây chằng đầu gối và không còn trong danh sách ĐTQG.

 Đỗ Thị Ngọc Châm và các học trò nhí trong Studio Kids
Đỗ Thị Ngọc Châm và các học trò nhí trong Studio Kids - Ảnh: nhân vật cung cấp

Châm nằm ngay ngoài sân khóc như một đứa trẻ. Đau. Thất vọng. Châm thấy trái bóng lăn xa mình. Hy vọng về tương lai tắt ngấm. Bác sĩ và bạn bè động viên, cô gái 18 tuổi lấy lại niềm tin nhanh chóng. Cô gái kịp trở lại trước SEA Games 2005 bằng những thành tích đáng kể trong giải VĐQG. Thế nhưng như một vận đen dai dẳng, Châm tái phát chấn thương ngay trước ngày HLV Mai Đức Chung chốt danh sách cầu thủ. Mẹ Châm ôm con gái vào lòng, bảo con đừng khóc mà mắt bà cũng đỏ hoe. Châm thách thức ông trời bằng cách nắng như đổ lửa vẫn chạy miệt mài quanh sân Hàng Đẫy. Mưa lạnh buốt, không thể ra sân, vẫn thấy Châm đứng trong nhà, lẩm nhẩm tự đếm rồi chạy tại chỗ, tập tạ. Mẹ ngày ngày nấu món ăn ngon, kể chuyện vui cho con gái nhưng không cầm được nước mắt khi thấy Châm, mồ hôi đầm đìa, nước mắt ướt nhòe nhưng vẫn cười bảo mẹ, hôm nay con khá hơn, chạy thêm được 3 vòng nữa...

Năm 2009, Châm sung sướng nghĩ mình đã thoát được hết vận mệnh xấu từ chấn thương dây chằng đầu gối. Cô thi đấu cực kỳ xuất sắc, trở thành vua phá lưới rồi cầu thủ nữ xuất sắc nhất. Cuối năm 2009, sau khi ĐT giành VĐQG và mình nhận danh hiệu Quả bóng vàng, Châm hào hứng nghĩ đến SEA Games trước mắt đến mức không ngủ được. Thế mà... Ông trời lại một lần nữa “trêu ngươi” Châm. Cô phải nhập viện vì cái chân giở chứng. Châm tập luyện, quay cuồng, không biết đến thời gian để mong bình phục kịp. Thế nhưng vẫn lỡ hẹn với SEA Games. Ngày mọi người lên đường đi thi đấu cũng là ngày Châm lên bàn mổ để tái tạo dây chằng chéo trước.

Quả bóng vàng dành tặng mẹ

Mọi người hỏi Châm, động lực nào giúp cô đứng dậy sau ngần ấy những thương đau, cô bảo, đó chính là tình yêu với mẹ. Bố mẹ Châm không hề mong con gái chọn bóng đá làm sự nghiệp. Mẹ cũng mất bao nước mắt bên những lần Châm nhập viện. Trăn trở của cô con gái hiếu thảo là phải quay lại thể thao cho đến khi có một cột mốc đánh dấu cô trở lại với cuộc đời và để chứng minh cho cha mẹ, Châm chọn bóng đá là con đường đúng. Giải thưởng Quả bóng vàng năm 2008 có ý nghĩa lớn lao như thế. Châm thấy mẹ khóc ngày cô mang hoa và trái bóng vàng về nhà, nhưng lần này là nước mắt của sự hạnh phúc, tự hào.

Không dừng lại, năm 2010 Châm quay lại thi đấu tại ĐH TT toàn quốc và ghi bàn thắng quan trọng giúp Hà Nội Tràng An vô địch trước Than - khoáng sản VN. Đây cũng là giải cuối cùng Châm tham dự với tư cách là VĐV. Hoàn tất tấm bằng HLV, ngay năm sau, ở vị trí trợ lý HLV cho thầy Giả Quảng Thác ở ĐT Hà Nội Tràng An, Châm cùng thầy mang về HCV cho đội tại giải VĐQG. HCV thứ hai đến với cô ở cương vị HLV cho các em nhỏ tại Trung tâm đào tạo thể thao nhi đồng Studio Kids (cùng cầu thủ Nguyễn Hồng Sơn) tham gia giải học sinh các trường tiểu học.

Như đóa hoa nở muộn, Châm đang đón nhận những dư vị ngọt ngào mà cuộc sống đền đáp lại: Là mẹ của một em bé 5 tháng tuổi; được ăn những món ngon mẹ đẻ nấu ngày ngày; được mẹ chồng chăm sóc em bé giúp khi Châm bận bịu làm việc; Được quan tâm bởi người chồng tâm lý. Hạnh phúc đến với Châm bình yên là thế. Nếu một ngày, mở kênh ANTV thấy Châm đang bình luận sôi nổi về V-League, bạn càng tin rằng, đóa hồng nghị lực ấy càng thắm lại dù đi qua bao giông gió...

Đỗ Thị Ngọc Châm sinh năm 1985 tại Hà Nội, Cầu thủ nữ xuất sắc nhất năm 2008, Giải thưởng Quả bóng vàng 2008, Vua phá lưới năm 2008 và năm 2009, cùng ĐT Hà Nội giành cúp VĐQG năm 2009, vô địch ĐH TT toàn quốc 2010, trợ lý HLV Hà Nội Tràng An giành HCV giải VĐQG năm 2011.

Thúy Hằng

>> Cơ hội dự World Cup của bóng đá nữ VN
>> Bóng đá nữ VN đặt mục tiêu vào VCK World Cup 2015
>> Bóng đá nữ VN chưa vượt trội so với Thái Lan và Myanmar
>> Đội tuyển bóng đá nữ VN trẻ hóa mạnh mẽ!
>> Bóng hồng trên đường đua
>> Bông hồng thép" Vovinam Lào
>> Nhiều bóng hồng xuất hiện ở giải golf The Masters

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.