Từ Hoàng Xuân Vinh, nhớ xạ thủ Việt đầu tiên phá kỷ lục thế giới Trần Oanh

10/08/2016 10:53 GMT+7

Thể thao Việt Nam hôm nay có tấm HCV Olympic đầu tiên của Hoàng Xuân Vinh , cách đây hơn 50 năm, bắn súng Việt Nam cũng từng gây chấn động khi có một xạ thủ phá kỷ lục thế giới: Trần Oanh.

Cố xạ thủ Trần Oanh (1932-1986) nhập ngũ năm 1948, tham gia chống quân Pháp xâm lược tại địa phương chỉ bằng một khẩu súng Mút cơ tông (Mousqueton) nhưng khiến quân Pháp khiếp sợ. Nhờ thường xuyên tham gia các giải bắn súng tại cấp trung đoàn, sư đoàn, năm 1954, Trần Oanh được tuyển vào Đoàn bắn súng, trực thuộc Cục quân huấn, Bộ quốc phòng.
VĐV Việt Nam đầu tiên xô đổ kỷ lục thế giới của người Mỹ
Năm 1958, đội bắn súng quân đội thành lập với muôn vàn khó khăn. Năm đó, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Đại hội thể thao quốc phòng với các môn thi súng trường, súng ngắn ở sân bay Bạch Mai, sự kiện có cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về dự và chọn ra được 20 người giỏi nhất. Một lần, Bác Hồ gửi cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng 8 chiếc huy hiệu để tặng cho 8 chiến sĩ xuất sắc nhất. Xạ thủ Trần Oanh có vinh dự được nhận chiếc huy hiệu cao quý ấy.
Vợ chồng xạ thủ Cung Bỉnh Di, người bạn thân thiết với xạ thủ Trần Oanh Thúy Hằng
Sang đến Trung Quốc, các xạ thủ Việt Nam vẫn chưa biết gì về súng thể thao, không biết luật, không biết bài bắn súng, súng bắn thi. Phải học tại trường bắn Bắc Kinh một thời gian, sau đó mọi người mới biết làm quen với các khái niệm sơ đẳng về bắn súng. Lần đó, đoàn Việt Nam may mắn được xếp thứ 7 và có 5 xạ thủ cấp 1 Quốc tế.
Chuẩn bị cho Đại hội thể thao mùa hè tổ chức tại Plzen (Tiệp Khắc cũ) năm 1962, đội bắn súng quốc phòng lên Phúc Yên (thuộc Vĩnh Phúc bây giờ) tập luyện, sau đó sang Nga, tập cùng hồng quân Liên Xô ở thủ đô Moscow trong 9 tháng, thời gian này trình độ bắn súng của các xạ thủ tiến bộ vượt bậc, ai cũng đều mong có thành tích cao, chứ không phải là sự cọ xát như năm ĐH mùa hè 1958. Xạ thủ Trần Oanh, học trò xuất sắc trong khóa học tại Moscow trở thành niềm hi vọng của đoàn bắn súng Việt Nam ở môn thi súng ngắn ổ quay, môn thi có nhiều kịch tính nhất trong đại hội thể thao mùa hè năm ấy.
Giọng run run xen lẫn tự hào, xạ thủ Cung Bỉnh Di, đội bắn súng quân đội, đồng đội với xạ thủ Trần Oanh, người cũng có mặt tại Plezen năm 1962 bồi hồi nhớ lại: “Môn súng ngắn ổ quay có 2 nội dung thi, nội dung 1 bắn 30 viên bắn chậm 25 m, bắn vào bia số 4 B, có vòng 10. Hôm sau, bắn vào bia bắn nhanh (hình bầu dục, có vòng 10). Ngày hôm trước một xạ thủ Liên Xô đạt 586 điểm trong đó bắn chậm 291 điểm, bắn nhanh 295 điểm. Xạ thủ Trần Oanh kết thúc lượt bắn chậm được 287 điểm, kém 4 điểm với số điểm này của người Nga. Do đó, bước vào phần thi bắn nhanh, nhiệm vụ của bác Trần Oanh rất lớn, phải đạt 300 điểm”.
300 điểm tuyệt đối
Ở đợt bắn thứ 10 môn súng ngắn ổ quay này, có tới 3 VĐV của Liên Xô, Hungary và Đông Đức bắn được 585 điểm. Ngay sau đó, xạ thủ người Tiệp Khắc vượt qua số điểm này bằng số điểm 586, bằng kỷ lục thế giới lúc bấy giờ do đại úy lục quân Mỹ, tên McKlein nắm giữ. Cổ động viên chủ nhà phấn khích reo hò rầm trời. Các đường đạn của xạ thủ Trần Oanh đều chuẩn xác. Người ta thót tim nhìn đường đi của viên đạn cuối cùng.
Trúng vòng 10. 300 điểm bắn nhanh tuyệt đối đã thuộc về Trần Oanh, nâng tổng số điểm của xạ thủ này là 587 điểm. Thành tích này cũng xô đổ kỷ lục thế giới do người Mỹ đang nắm giữ, tước mất ngôi vô địch của VĐV nước chủ nhà. Trần Oanh trở thành xạ thủ đầu tiên của Việt Nam phá kỷ lục thế giới.
Xạ thủ Trần Oanh mất, tên ông được đặt cho tên phố tại thành phố Thanh Hóa, quê hương ông Chụp lại tư liệu gia đình
Xạ thủ Cung Bỉnh Di, người chứng kiến giây phút lịch sử ấy cũng đã không kìm được nước mắt vì sung sướng, tự hào: “Mọi người nhào lên, công kênh bác Trần Oanh lên tung lên, kể cả người Liên Xô, mọi người quá vui mừng, quá ngưỡng mộ bản lĩnh của người Việt Nam”.
Sau này, khi có dịp được ngồi lâu hơn với xạ thủ Cung Bỉnh Di, ông tâm sự nhiều hơn về xạ thủ Trần Oanh, một người bạn, người đồng đội mà ông rất trân trọng, ngưỡng mộ: “Khâm phục bản lĩnh của bác Trần Oanh. Trần Oanh có năng khiếu bắn súng, thứ nhất là môn bắn chậm 50 m, môn khó khăn nhất của bắn súng, thứ 2 là môn súng ngắn ổ quay, truyền thống sở trường của Việt Nam từ xưa đến nay”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.