Khí công thượng thừa

25/05/2010 10:24 GMT+7

Phật giáo khí công vốn khởi nguồn ở Ấn Độ nhưng sau khi truyền nhập vào Trung Quốc thì kết hợp với văn hóa truyền thống Trung Quốc, đặc biệt là sự dung hợp giữa tu thiền với dưỡng sinh cổ đại Trung Hoa hình thành một hệ thống khí công dưỡng sinh độc đáo.

Tĩnh công (ảnh lớn) và tranh vẽ Bồ Đề Đạt Ma cửu niên diện bích

Phật giáo khí công vốn khởi nguồn ở Ấn Độ nhưng sau khi truyền nhập vào Trung Quốc thì kết hợp với văn hóa truyền thống Trung Quốc, đặc biệt là sự dung hợp giữa tu thiền với dưỡng sinh cổ đại Trung Hoa hình thành một hệ thống khí công dưỡng sinh độc đáo.

Đạt Ma Bích Quán khí công

“Nhất vi độ giang hà xứ khứ, Cửu niên diện bích bỉ nhân lai” - Qua sông bằng một cọng lau, đi về đâu? Chín năm ngồi nhìn vào vách người bên kia đến. Đó là câu liễn nói về Bồ Đề Đạt Ma(Bodhidharma) -người sáng lập ra Phật giáo Thiền tông Trung Hoa, đồng thời là tổ sư Thiếu Lâm quyền. Đạt Ma từ Thiên Trúc (Ấn Độ) theo đường biển sang Nam Hải, Lương Vũ Đế  nghe danh rất ngưỡng mộ bèn cho sứ đến thỉnh về kinh đô Kim Lăng (Nam Kinh). Lương Vũ Đế không lĩnh hội được pháp, Đạt Ma bèn quyết ý vượt sông sang Bắc Ngụy truyền đạo.

Tương truyền khi Đạt Ma qua sông, dân chúng ở hai bên bờ muốn thấy bản lĩnh của vị cao tăng từ phương xa đến, nên có ý kéo thuyền ra khỏi bến trước, Đạt Ma bèn bứt bên sông một cọng lau thả  xuống sông, sau đó thể hiện công phu chân đứng trên cọng lau, mắt quán mũi, mũi quán tâm, tâm nhập định, cọng lau theo gió lướt đến bờ Bắc, đến Tung  Sơn. Ngài ở trong một thạch động giữa Ngũ Nhũ Phong, mặt đối vách đá, nhắm mắt tu thiền cả ngày không nói. Có một lần Ngũ  Nhũ Phong phát hỏa, tăng nhân của Thiếu Lâm Tự  chạy đến thạch động để cứu ngài, chỉ thấy ngài vẫn an nhiên ngồi xếp bằng thiền định. Trong “Thiền nguyên chư  toàn tập đô tự”  quyển thượng có ghi “Đạt Ma  lấy bích quán để dạy người an tâm, bên ngoài dứt mọi duyên, bên trong tâm không động,  lòng như vách đá, có thể nhập đạo, há chẵng phải là phép tọa thiền hay sao ?”. Cứ như thế, sau khi Đạt Ma diện bích 9 năm, thân ảnh đã in vào trong vách đá, người sau bèn gọi động đá này là “Đạt Ma động”, bức vách gọi là “Diện bích thạch” .

Công pháp: Bích Quán tọa thiền tập trung thể hiện ở “Lý nhập” và “hành nhập”. “Lý nhập ” là dạy bỏ ngụy quy chân, nhận thức vạn sự vạn vật ở thế gian ; “Hành nhập” là dạy bỏ đi tất cả tình cảm yêu ghét, theo giáo nghĩa Phật giáo mà tu luyện.

Đạo Tuyên trong “Tục Cao tăng truyện” có ghi thiền pháp của Đạt Ma là: “Xả ngụy quy chân, chỉ trú ở quán bích, không người, không ta, phàm thánh là một. Kiên trú không chuyển, không theo giáo lý ở ngoài, tịch nhiên vô vi”.

Cụ thể phép bích quán của Đạt Ma là mặt đối vách tham thiền, mở rộng đai lưng, toàn thân thả lỏng, điều chỉnh hô hấp, trừ bỏ tạp niệm, dùng trực giác chiếu và trầm tư mặc tưởng tập trung trên vách để đạt đến tâm chí tĩnh tịch, tiêu trừ vọng tưởng.

Người tu tập bích quán thì gặp khổ không oán, gặp nhục không hờn, tĩnh lặng đạm bạc. Tọa thiền bích quán nên giữ trạng thái ấy từ 1 tiếng đồng hồ trở lên, dần dần tăng lên đến 2 tiếng hoặc hơn. Lúc xả thiền nên dần dần thả lỏng chân tay hoạt động nhè nhẹ. Phép này có thể điều thông huyết mạch, điều chỉnh lục phủ ngũ tạng, thúc đẩy tiêu hóa, thích hợp để trị liệu các bệnh mạn tính, mất ngủ, bứt rứt, thần kinh suy nhược, nội phân tiết mất điều hòa... đối với người không bệnh, phép này có tác dụng dưỡng sinh, bảo vệ sức khỏe.

Lục diệu môn

Phật giáo cho rằng hơi thở (tức) là cội nguồn của sinh mệnh, nếu như không có hơi thở thì thân thể sẽ là một thi thể, thần kinh không thể có tác dụng phản xạ, tính mệnh kết thúc ở đây. “Liệu diệu môn” là phương pháp điều hòa hô hấp, chú trọng về hơi thở.

Lục diệu môn còn gọi là “Lục diệu pháp môn”, “Bất định chỉ quán ”, “Sở tức quán”, tiếng Phạn là A Na Ba Na (Anapana). Trong tính công của Thiên Thai Tông thì Lục diệu môn là một phương pháp thiền định hàng ma thành đạo, được Phật giáo cho là “Tam thế chư Phật nhập đạo sơ môn”-cánh cửa đầu tiên để nhập đạo của chư Phật.

Công pháp

Trong “Lục diệu môn pháp”, đại sư Trí Nghĩ viết: “Lục diệu môn là căn bản của nội thành, là con đường quan trọng để đắc đạo tam thừa, cho nên Phật Thích Ca tọa trên cỏ trầm tư theo 6 phép: Nhất sổ, Nhị tùy, Tam chỉ, Tứ quán, Ngũ hoàn, Lục tịnh, nhờ đó mà vạn hạnh khai mở, hàng ma thành đạo”.

Nhất sổ: Tức Sở tức (đếm hơi thở). Sau khi nhập tọa, trước hết điều hòa hơi thở không mau không chậm, từ từ mà đếm từ 1 –10, chuyên chú ở hơi thở một hô hấp thì đếm một lần số, hoặc tâm chú ở số, không để số đếm tán loạn. Nếu đếm 0 đến 10 mà tâm bất ngờ vọng tưởng thì phải nhanh chóng thâu hồi, đếm trở lại từ đầu. Đếm lâu ngày dần dần thành thục, tự nhiên sở tức không loạn, hơi thở ra vào rất nhẹ nhàng thì không cần sở tức nữa, đây gọi là “Chính sở”.

Nhị tùy: Tức là “Tùy tức”. Sau khi “Chính sở” thì xả “sở” tu “tùy”, tâm tùy ở tức, tức tùy ở tâm, tâm tức tương tùy, tựa vào nhau. Tùy tức đạt đến công phu cao thâm thì hơi thở có thể theo các mao khổng (lỗ chân lông) mà xuất nhập, đây gọi là “Chính tùy”.

Tam chỉ: Tức là “Chỉ tức”. Sau khi “Chính tùy” thì không tùy tức mà tâm trụ ở đầu mũi. Sau khi tu chỉ đến mức độ cao thì toàn thân không thấy cảnh trong, ngoài, thân tâm an nhiên nhập định, đây gọi là “Chính chỉ”.

Tứ quán: Tức “Quán tức”. Công phu đạt đến “Chính chỉ” nhưng vẫn phải dùng tâm quán chiếu hơi thở ra vào như gió trong không trung, tựa như không có thực. Công phu này thành thì tâm nhãn khai minh, hơi thở xuất nhập đã châu biến khắp lỗ chân lông toàn thân, đây gọi là “Chính quán”.

Ngũ hoàn: Tức “Hoàn tức”. Sau khi tu quán lâu thì tâm dễ động mà tán loạn, lúc này nên xả “quán” mà hoàn phục bản nguyên của tâm, dùng tâm để xét hơi thở ra vào, tâm trí có thể quán là từ tâm mà sinh, đã từ tâm sinh thì tùy tâm mà diệt, đạt đến vô quán tâm thì cũng không có quán cảnh (tức ý cảnh của quán) tức Chính hoàn.

Lục tịnh: Tức “Tịnh tức”. Tọa thiền đến đây không khởi vọng tưởng, không khởi phân biệt tâm thể sáng suốt, tạp niệm trừ sạch, chân tâm hiện ra, tâm tuệ tương ứng đạt đến cảnh giới nhất tâm, một mảy may chẳng động.

Người tu tập có thể bắt đầu từ “Sổ tức” rồi đến “Tùy tức”, tuần tự tiến hành, sau đó lập lại, như thế tu tập tâm an, qua mấy ngày thì dựa vào điều kiện của mình mà có thể không theo thứ tự, có thể chọn lựa thử nghiệm mấy môn trong “Lục diệu môn” để chọn “diệu môn” nhập thủ thích nghi với mình để dễ nhập định. Sau khi tuyển chọn pháp môn thích hợp thì mới chuyên tu. Lâu ngày có thể tâm tính điều hòa, thân thể nhẹ nhàng, thân tâm sáng suốt, khống chế phiền não, từ đó có thể phòng trị các chứng mãn tính và bệnh về tâm lý, có tác dụng cường thân đối với người không bệnh. (Còn nữa)

Thượng Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.