Người Mỹ lại nhớ Agassi

07/06/2010 09:15 GMT+7

Kể từ khi Serena Williams đoạt danh hiệu Roland Garros 2002 đến nay, chưa có 1 tay vợt Mỹ nào tái lập thành tích tại Grand Slam thứ hai trong năm, dù rằng, trong suốt khoảng thời gian này, chị em nhà Williams giành 5 danh hiệu Australian Open, 8 Wimbledon, và 5 U.S. Open.

Từ sau danh hiệu vô địch Roland Garros 1999 của Agassi, không một tay vợt nam nào của Mỹ tái lập kỳ tích - Ảnh: Getty images

Kể từ khi Serena Williams đoạt danh hiệu Roland Garros 2002 đến nay, chưa có 1 tay vợt Mỹ nào tái lập thành tích tại Grand Slam thứ hai trong năm, dù rằng, trong suốt khoảng thời gian này, chị em nhà Williams giành 5 danh hiệu Australian Open, 8 Wimbledon, và 5 U.S. Open.

Đáng buồn hơn, dù trắng tay từ năm 2003, nhưng chị em nhà Williams cũng bỏ xa các tay vợt nam của Mỹ trên mặt sân này. Từ khi Andre Agassi vô địch năm 1999, không chàng trai Mỹ nào vào đến bán kết giải. Trong năm 2003, không tay vợt Mỹ nào vào đến vòng 4, trong khi cùng năm, đến 3 người Argentina vào bán kết. Thành tích tốt nhất của Mỹ sau thời Agassi chỉ là vào đến tứ kết của Andy Roddick, hiện là tay vợt nam xuất sắc nhất quốc gia này. Nhưng lịch sử Roland Garros cũng chưa bao giờ gọi tên các chàng trai xứ cờ hoa. Từ năm 1968, khi Roland Garros trở thành giải mở rộng, các chàng trai Mỹ mới giành được 4 danh hiệu vô địch, bằng với kỳ tích của tay vợt Tây Ban Nha, Rafael Nadal từ năm 2005 đến 2008.

Nhưng không chỉ dừng lại ở Roland Garros, làng quần vợt Mỹ còn lo lực lượng kế thừa đang thiếu hụt trầm trọng. Bằng chứng: thời gian qua, quanh đi quẩn lại, người Mỹ chỉ thấy có chị em nhà Williams và Roddick thắng các Grand Slam, mà người trẻ nhất trong bộ ba này đã đến tuổi 27. Trách nhiệm vấn đề này thuộc về Hiệp hội quần vợt Mỹ (USTA) và các học viện hàng đầu của Mỹ, nơi chỉ có xu hướng đào tạo và phát hiện các tài năng trẻ trên mặt sân cứng.

Lấy ví dụ từ golf. Các tay golf chỉ đạt mốc -5 gậy khi được vào “ăn, ngủ, tập luyện” ở các trung tâm đào tạo đỉnh cao, dù rằng trước đó, họ cũng là một trong những tài năng trẻ đầy tiềm năng với kỳ tích -3 gậy. Nói vậy để thấy, những tài năng trẻ quần vợt Mỹ cần phải “ăn, ngủ, luyện tập” trên sân đất nện mới có thể “trị” nổi những tài năng Tây Ban Nha như Nadal, Verdasco, Armalgro.

Thật ra, USTA không phải không biết điều đó. Họ có gửi các tài năng trẻ tham gia tranh tài trên mặt sân này, nhưng con số là quá ít ỏi. Trong 5 tháng đầu năm 2010, chỉ có 12 tay vợt trẻ tham gia các giải đấu trên sân đất nện, còn lại, đến 53 tay vợt được đấu các giải trên mặt sân cứng. Kết quả là, những tài năng trẻ của quần vợt Mỹ quá chậm tiếp cận với mặt sân này, nơi mà những cú đánh thiên về tốc độ và sức mạnh (như trên mặt sân cứng) dễ bị phá sản.

Bình luận viên Jake Simpson (Atlantic Culture Channel) đầy bức xúc: “Đúng là chi phí xây dựng và bảo dưỡng sân đất nện đắt tiền hơn sân cứng. Và sự thiếu hụt thành tích ở mặt sân này cũng khiến người hâm mộ Mỹ, vốn kiêu hãnh, tỏ thói quen phớt lờ luôn. Nhưng đừng quên hai tay vợt hàng đầu, Federer và Nadal, đã thống trị 6 Roland Garros gần nhất. Người Mỹ đã không có danh hiệu trẻ Grand Slam nào từ sau thành tích 1989 của Jennifer Capriati. Sau khi vô địch 12 lần trong 28 năm, thì từ sau chức vô địch Davis Cup năm 1995, Mỹ mới một lần đăng quang vào năm 2007. Đừng để các quốc gia khác lấy sân đất nện làm “vũ khi bí mật” để chống lại chúng ta”.

Hoàng Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.