Loạn cầu thủ chửi trọng tài

31/07/2010 08:44 GMT+7

Ngày 7.7.2010, trung vệ Như Thành bị phạt 10 triệu đồng và đình chỉ thi đấu 2 trận vì đã “phản ứng trọng tài” trong trận XM.Hải Phòng gặp V.Ninh Bình. Cùng ngày, đồng đội Việt Thắng cũng bị phạt tương tự vì lý do tương tự. Vừa mới đây, cầu thủ Đào Thế Phong của F.Tây Ninh thậm chí còn bị phạt 15 triệu đồng và đình chỉ thi đấu đến 6 trận vì “đã có hành vi đe dọa trọng tài” trong trận Quảng Nam.XT gặp F.Tây Ninh ở giải hạng Nhất.

Các trọng tài luôn bị các cầu thủ gây sức ép nặng nề - Ảnh: B.D

Ngày 7.7.2010, trung vệ Như Thành bị phạt 10 triệu đồng và đình chỉ thi đấu 2 trận vì đã “phản ứng trọng tài” trong trận XM.Hải Phòng gặp V.Ninh Bình. Cùng ngày, đồng đội Việt Thắng cũng bị phạt tương tự vì lý do tương tự. Vừa mới đây, cầu thủ Đào Thế Phong của F.Tây Ninh thậm chí còn bị phạt 15 triệu đồng và đình chỉ thi đấu đến 6 trận vì “đã có hành vi đe dọa trọng tài” trong trận Quảng Nam.XT gặp F.Tây Ninh ở giải hạng Nhất.

Ngậm cục tức trong lòng

“Cầu thủ chửi trọng tài trước mặt, dùng lời lẽ thô tục là bị phạt thẻ đỏ ngay lập tức. Vì vậy, ít khi nào cầu thủ dám chửi trước mặt chúng tôi. Nhưng khi khuất mặt trọng tài rồi thì lời lẽ “dao búa” tung ra xối xả. Chuyện cầu thủ chửi sau lưng chúng tôi là “Đ.M…” này, “Đ.M..” kia diễn ra như cơm bữa. Còn các trọng tài trẻ, tuổi ngang ngang hoặc hơn các cầu thủ một ít thì bị cầu thủ xưng là “mày, tao” cũng rất thường xuyên”, một trọng tài kỳ cựu của làng bóng đá Việt Nam cho biết.

Trọng tài này cho biết thêm: “Bất kể cầu thủ đó là vô danh hay nổi tiếng, thậm chí kể cả tuyển thủ quốc gia cũng chửi trọng tài ầm ầm, mà toàn những lời lẽ khó nghe. Trong thành phần ĐTQG, có một trung vệ cũng chửi trọng tài ác lắm, nên phải nhận án phạt thường xuyên đấy. Những trọng tài có uy tín một chút thì cầu thủ phản ứng còn có giới hạn. Chứ trọng tài nào từng bị “dớp” sai, yếu tâm lý là y như rằng bị cầu thủ coi không ra gì khi ở trên sân. Nhiều khi bị chửi sau lưng, chúng tôi “cay” lắm nhưng đâu thể rút thẻ bâng quơ được, phải có bằng chứng đàng hoàng chứ”.

Chửi trọng tài quốc tế bị phạt rất nặng


Drogba từng bị treo giò 6 trận vì thóa mạ trọng tài

Ngày 8.5.2009, UEFA đã quyết định cấm tiền đạo Didier Drogba của Chelsea thi đấu 6 trận tại các giải châu Âu, do chân sút người Bờ Biển Ngà đã thóa mạ trọng tài Tom Henning Ovrebo bằng những từ ngữ thô tục trong trận hòa 1-1 trước Barcelona tại lượt về bán kết Champions League mùa 2008-2009. Đồng đội của Drogba là hậu vệ phải Jose Bosingwa cũng bị cấm thi đấu 4 trận tại các cúp châu Âu vì gọi trọng tài Ovrebo là “đồ kẻ cắp”.

Ngày 21.7.2010, LĐBĐ Chile đã cấm thi đấu 27 trận với cầu thủ người Paraguay, Jose Pedroso của CLB Rangers (thuộc giải hạng 2 Chile) do thóa mạ và bóp cổ trọng tài Marcelo Miranda ở trận đấu gặp CLB Conception.

N.C

Trọng tài Ngô Đức Việt đang làm nhiệm vụ tại giải hạng Nhất quốc gia tâm sự: “Làm trọng tài ở các giải càng thấp, chuyện bị cầu thủ hay lãnh đạo đội bóng chửi vào mặt là lẽ thường. Như trận chung kết giải U.19 QG vừa qua giữa Than Quảng Ninh và Đồng Tháp, tôi bị không ít cầu thủ chửi thẳng vào mặt mình sau những tình huống cắt còi. Ngay HLV Trang Văn Thành (Đồng Tháp) còn bóp cổ và thóa mạ tôi sau trận đấu. Làm từ giải phong trào tới chuyên nghiệp, chuyện bị chửi cũng sốc thời gian đầu nhưng buộc phải quen thôi, bởi luật có bảo vệ trọng tài nhưng hình thức chửi và hành hung trọng tài vẫn diễn ra không ít trên sân cỏ Việt Nam”.

Đồng tiền đè “con chữ”

“Thời trước, cánh trọng tài chúng tôi ít phải nghe cầu thủ chửi thô tục như bây giờ. Bóng đá ngày ấy vẫn có những cái trong sáng của nó. Còn bây giờ, chuyện cầu thủ chửi trọng tài diễn ra ngày càng nhiều hơn. Chúng tôi thừa nhận là đôi khi mắc phải những sai sót, nhưng cầu thủ cần phải thể hiện văn hóa của mình trên sân bóng chứ không phải hễ một tí là chửi trọng tài.

Tôi nghĩ việc cầu thủ ngày càng manh động hơn, xúc phạm trọng tài nhiều hơn có nguyên nhân sâu xa từ chính đội bóng của họ. Bây giờ các doanh nghiệp đổ tiền quá nhiều vào bóng đá. Chính vì vậy, một trận thắng đối với họ quan trọng lắm. Áp lực từ đồng tiền, từ thương hiệu đè lên đội bóng rất nhiều, từ lãnh đội đến HLV, cầu thủ. Một bàn thua thôi cũng ảnh hưởng đến tương lai của một HLV, một cầu thủ nên việc họ cay cú, không kiểm soát được mình âu cũng là điều không khó lý giải. Mặt khác, theo tôi khung hình phạt dành cho hành vi chửi trọng tài ở các giải đấu Việt Nam còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe”, cựu trọng tài V-League Dương Văn Hiền chia sẻ. 

Trọng tài Trần Văn Lập nói: “Tôi nghĩ VFF và BTC giải phải có  hình thức nghiêm khắc hơn nữa, bởi cảnh đồng nghiệp của tôi bị túm ngực, ném bóng rồi  bị đòi đánh ở mùa giải nào chẳng có. Bóng đá chuyên nghiệp bị chữ tiền ảnh hưởng rất nhiều nhưng đạo đức và cách ứng xử của cầu thủ và lãnh đạo các đội bóng cần phải được chấn chỉnh. Chứ tức rồi chửi trọng tài thẳng vào mặt hay kiểu nói đểu “nhận phong bì chưa” của GĐĐH Phạm Phú Hòa trong trận K.Khánh Hòa – ĐT.LA thật khó chấp nhận”.

Còn Trọng tài Đỗ Quốc Hoài cho biết: “Giải bóng đá chuyên nghiệp của chúng ta dù đã tròn 10 năm tuổi nhưng cách hành xử và thái độ của các cầu thủ vẫn chưa thật ổn. Việc cầu thủ Đào Thế Phong dùng lời lẽ khiếm nhã và đòi hành hung đồng nghiệp Phạm Quốc Quân thật khó chấp nhận. Điều đáng buồn đôi khi đó lại là những cầu thủ khoác áo ĐTQG. Tệ hơn là chửi lén sau lưng mà chúng tôi lại phải lảng qua cho xong chuyện để khỏi phân tâm”.

Các cầu thủ nói gì?

Tiền đạo Việt Thắng (V.Ninh Bình):

Những khi đang thi đấu căng thẳng, bị chơi xấu mà còn bị trọng tài thổi oan thì cầu thủ nào cũng ức chế. Đúng là những lúc như vậy giữ được bình tĩnh rất khó. Biết là chửi trọng tài sẽ phải lãnh thẻ, thậm chí là án phạt, nhưng nhiều khi cầu thủ cũng không kìm được cơn giận. Xong trận đấu rồi mới thấy hối hận và gọi điện xin lỗi trọng tài. Bản thân tôi cũng có lần “nói xỏ” trọng tài vì ức chế.

Cựu tuyển thủ Trần Công Minh

Tôi quan niệm bóng đá chỉ là một cuộc chơi vì vậy phải luôn kiểm soát được xúc cảm. Mình phải giữ văn hóa để sau này gặp lại còn ăn nói được với nhau. Trong cuộc đời đá bóng của mình, tôi chưa từng nặng nhẹ câu nào với trọng tài, dù nhiều khi cũng giận họ. Khi chuyển sang nghiệp huấn luyện, tôi cũng luôn dạy các học trò phải hết sức khiêm nhường trên sân bóng.

D.L

Anh Tuấn - Yến Ca

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.