Sự bất lực của FIFA

11/11/2010 15:10 GMT+7

(TNO) Tiến trình bầu chọn nước chủ nhà World Cup 2018 và 2022 của FIFA lại dính thêm tai tiếng...

Chủ tịch FIFa Sepp Blatter - Ảnh: AFP

(TNO) Tiến trình bầu chọn nước chủ nhà World Cup 2018 và 2022 của FIFA lại dính thêm tai tiếng...

Theo câu chuyện được báo chí thế giới đăng tải vào sáng nay, 11.11, Phó chủ tịch FIFA Angel Maria Villar Llona (Tây Ban Nha) và người đồng cấp Mohamed Bin Hammam (Qatar) đã ngang nhiên xem thường dư luận về sự "câu kết" giữa 2 người này trong tiến trình chạy đua đăng cai World Cup còn FIFA bó tay với việc đưa ra biện pháp trừng phạt.

Ủy viên điều hành người Mỹ Chuck Blazer đã xác nhận sự hiện diện của một "bức thông điệp". Tuy nhiên, theo Blazer, nội dung của thông điệp ám chỉ việc họ sẽ thoát khỏi trừng phạt về tội thông đồng chứ không phải sẽ giành quyền đăng cai World Cup.

Ông Blazer cũng tiết lộ Tây Ban Nha và Qatar nhiều khả năng sẽ không bị trừng phạt do Ủy ban đạo đức của FIFA không tìm được bằng chứng vững chắc nào về sự câu kết giữa họ. Quyết định sẽ được đưa ra vào ngày 17.11.

Theo các thông tin bên lề thì Tây Ban Nha, nước liên danh với Bồ Đào Nha để đăng cai World Cup 2018, có thỏa thuận với Qatar để dồn phiếu cho họ ở “gói thầu” 2018, đổi lại Tây Ban Nha sẽ trả lại phiếu cho quốc gia châu Á trong “gói thầu” 2022. Thỏa thuận này bảo đảm cho Tây Ban Nha và Qatar có được một cụm 7 phiếu từ các Ủy viên điều hành. Với số lượng Ủy viên điều hành là 24, ứng viên sẽ mặc nhiên chiến thắng nếu gom được 13 phiếu. Do vậy, sự "câu kết" này sẽ đem lại thuận lợi rất lớn cho 2 quốc gia nói trên.


 Ông Villar Llona (phải) trao hồ sơ đăng cai của liên danh Tây Ban Nha & Bồ Đào Nha cho Chủ tịch FIFA Sepp Blatter - Ảnh: Reuters

Hành động công khai thách thức của ông Villar Llona khiến các đối thủ tức điên lên. Đáng nói là ông Villar Llona đã chuyền tay bức thông điệp này sang một số đồng nhiệm khác, trong đó có đối thủ trực tiếp là Ủy viên người Bỉ Michel D’Hooge, để gửi đến ông Bin Hammam. Thậm chí, ông Bin Hammam còn nhờ ông Blazer dịch hộ câu tiếng Tây Ban Nha.

Sự việc này rõ ràng càng làm gia tăng những nghi ngờ về sự thông đồng giữa Tây Ban Nha và Qatar. Nó cũng làm xói mòn lòng tin về khả năng kiểm soát việc thực thi quy định của FIFA. Điều trớ trêu là FIFA thì "bó tay" do không tìm ra bằng chứng trong khi “bằng chứng” được các nghi can dương dương tự đắc trưng ra trước mặt.

Chi tiết đó không khỏi khiến người ta băn khoăn liệu FIFA không thể trừng phạt hay không muốn trừng phạt? Việc loại Tây Ban Nha (kéo theo là Bồ Đào Nha) và Qatar ra khỏi cuộc đua là một hành động chưa có tiền lệ mà tổ chức này thì vốn nổi tiếng về mức độ trì trệ và bảo thủ.

Với những ai theo dõi sát các hoạt động của FIFA, việc Ủy ban đạo đức bất lực khi điều tra về những hành vi sai trái, đặc biệt khi nó tồn tại ở cấp cao nhất của tổ chức này, không làm họ ngạc nhiên. FIFA không và sẽ không bao giờ là một tổ chức có chức năng tư pháp. Do vậy, hoạt động gọi là điều tra của họ chỉ gói gọn trong việc lắng nghe các giải trình hoặc chỉ hành động khi được cung cấp những bằng chứng rành rành. Mà đã giải trình thì không đời nào nghi phạm tự “lạy ông tôi ở bụi này”. Nên nhớ, Ủy ban đạo đức của FIFA tồn tại trong nhiều năm trời song mọi chuyện chẳng hề chuyển biến.

Để chống lại những hành vi thiếu “fair-play” cố hữu, như thường cao giọng, FIFA có thể chọn lựa giữa: một là thay đổi cách thức bầu bán, cụ thể là giao quyền bỏ phiếu cho một nhóm người đông đảo hơn, thay vì chỉ tập trung vào một nhóm 24 Ủy viên điều hành vốn mang nặng “cơ cấu vùng miền” (phân chia suất ghế từ các liên đoàn châu lục); hai là thành lập một tổ chức chống tham nhũng độc lập, tương tự như tổ chức phòng chống doping thế giới WADA hoặc kết hợp với các chính phủ để thực hiện điều tra.

Cả hai điều này thật khó cho FIFA và ngài chủ tịch Sepp Blatter. Với lựa chọn thứ nhất thì chẳng ai dại gì từ bỏ quyền lực. Với lựa chọn thứ hai, có lẽ các ngài Ủy viên điều hành không muốn đặt mình vào vòng nguy hiểm. Đó âu là sự bất lực của FIFA vậy.

Sơn Duân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.