Hội chứng bỏ cuộc ở V.League: Khi luật chơi bị... xé

26/04/2014 13:15 GMT+7

(TNO) Chiều nay cầu thủ Quảng Ninh sẽ ra sân - đấy là một thông tin khiến những nhà tổ chức V.League 2014... thở phào.

(TNO) Chiều nay cầu thủ Quảng Ninh sẽ ra sân - đấy là một thông tin khiến những nhà tổ chức V.League 2014... thở phào.

 
Sau Ninh Bình, An Giang, đến lượt Than Quảng Ninh (áo xanh) cũng đòi bỏ giải - Ảnh: Khả Hòa

Thở phào vì một ngày trước đó, việc cầu thủ Quảng Ninh đình công, và cái nguy cơ Quảng Ninh bỏ giải vẫn còn treo lơ lửng. Nó cũng giống hệt với cảm giác thở phào trước trận "chung kết ngược" Kiên Giang - Ninh Bình trên sân Ninh Bình năm ngoái.

Cho đến 24 giờ trước trận "chung kết" ấy, cầu thủ Kiên Giang vẫn còn "cay" lãnh đạo chậm trả lương, thưởng cho mình, và những thông tin bắn đi cho hay các cầu thủ nhất quyết không chịu lên máy bay ra Bắc. Phải đến khi đích thân chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng "nối máy" đường dài và tìm nguồn "tiếp đạn" thì chuyện mới được giải quyết, và như tâm sự của trưởng giải Trần Duy Ly lúc ấy thì: "Chúng tôi nhẹ cả người".

Nhưng VPF chỉ có thể "cứu" Kiên Giang trong một trận đấu, một khoảnh khắc, chứ không thế "cứu" mãi trong cả một lộ trình dài. Vậy nên hạ hồi V.League 2013, ở Kiên Giang mới diễn ra cảnh tan đàn xẻ nghé, và từ "hội chứng Kiên Giang", V.League 2014 mới phải thi đấu với 13 đội bóng, thay vì 14 đội như kế hoạch ban đầu.

Bây giờ, khi V.League 2014 đi qua nửa chẳng đường, và khi Ninh Bình bỏ cuộc thì số 13 đã bị rút xuống còn 12. Sau trận Quảng Ninh - Thanh Hoá chiều nay, nếu giữa lãnh đạo với các cầu thủ vẫn không thể tìm lối ra trong chuyện "đầu tiên" (tiền đâu?) thì số 12 kia có nguy cơ rớt xuống 11.

Sau đó nữa, nếu đội bét bảng An Giang càng đá càng đuối, và càng tìm được những lý do mà theo mình là "thuyết phục" (như trọng tài bất công, BTC bất công...) để "chạy làng" thì số 11 lại có nguy cơ bị rút thành số 10.

Thế đấy, một giải đấu khởi đi với 13 đội, giờ còn 12 đội, và đang đối diện nguy cơ chỉ còn 11 đội, thậm chí là 10 đội lại đang được gọi là... giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Một giải đấu mà những nhà làm giải cứ hồi hộp rồi thở đánh phào, rồi lại hồi hộp và lại hy vọng... thở đánh phào sau từng vòng đấu lại được gọi bằng cái tên mỹ miều "V.League".  

Tại sao lại có chuyện dở khóc, dở cười này? Tại vì nền móng của các CLB quá yếu kém, và khi cơn suy thoái kinh tế đi qua thì sự yếu kém càng tiệm cận vào tử huyệt? Tại vì một số ông bầu sau khi "sống nhờ" bóng đá đã khôn khéo tìm đủ các loại lý do để rút chân khỏi bóng đá? Hay tại vì chính những nhà làm luật đã dễ dàng "xé luật" nên cũng không thể trách các đội bóng "xé" cuộc chơi?

Hai năm về trước, khi người ta cho một đội bóng được đổi tên từ Sài Gòn FC thành Sài Gòn Xuân Thành ngay khi giải đấu đang diễn ra (một hành vi sai luật) thì luật lệ đã trở thành một "gã hề".

Một năm về trước, khi đội bóng này được phép cùng lúc tồn tại với hai cái tên khác nhau ở hai sân chơi V.League và AFC Cup (cũng là một hành vi sai luật) thì ai cũng bảo đấy là chuyện chỉ có ở những nhà làm luật và giữ luật bất minh.

Nếu vẫn còn những kiểu "xé luật" có hệ thống như thế này thì chắc chắn sẽ còn nhiều người, nhiều đội khác sẵn sàng tham gia rồi sẵn sàng bỏ cuộc, tuỳ theo mục đích và cảm hứng của mình.

Thế còn vì sao người ta lại dễ dàng "xé luật" thì đấy là chuyện chỉ có người ta hiểu với nhau!

Phan Đăng

>> Văn Quyến có thể trở lại Ninh Bình vào giữa tháng 5
>> VFF thưởng nóng cho Hà Nội T&T và V.Ninh Bình
>> Gạt bỏ vụ tiêu cực, V.Ninh Bình thắng đậm trên đất Myanmar
>> Ninh Bình đã thanh lý hợp đồng với Văn Quyến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.