Lật lại hồ sơ bóng đá đen: Thế lực ngầm sau lưng Trương Tấn Hải

03/08/2014 03:00 GMT+7

Sở dĩ Nguyễn Hữu Thắng của Sông Lam Nghệ An biết được Trương Tấn Hải và thông qua cầu thủ này nắm được các trụ cột đội Cảng Sài Gòn vì Hải chính là cầu nối, là mắt xích của một trùm độ đứng phía sau chi phối các trận đấu của đội bóng TP.HCM.

Sở dĩ Nguyễn Hữu Thắng của Sông Lam Nghệ An biết được Trương Tấn Hải và thông qua cầu thủ này nắm được các trụ cột đội Cảng Sài Gòn vì Hải chính là cầu nối, là mắt xích của một trùm độ đứng phía sau chi phối các trận đấu của đội bóng TP.HCM.

>> Lật lại hồ sơ bóng đá đen: Bán thắng để lấy 300 triệu đồng
>> Lật lại hồ sơ bóng đá đen: 'Cơn nghiện' hủy hoại tương lai
>> Lật lại hồ sơ bóng đá đen: Chơi dao có ngày đứt tay

 Lật lại hồ sơ bóng đá đen: Thế lực ngầm sau lưng Trương Tấn Hải
Trương Tấn Hải bị công an bắt vào tháng 3.2006 và ra tòa do bị khởi tố về tội đánh bạc - Ảnh: H.H

Con đường hư hỏng

Cũng như cựu cầu thủ đội Hải quan Trần Minh Trung đã giúp Sơn “cao” móc nối rồi chi phối Trương Văn Dưỡng và nhóm cầu thủ Hải quan, Trương Tấn Hải cũng là một con bạc biến chất từ lúc còn thi đấu cho đến khi giải nghệ chuyển sang làm “cò” và thao túng một thời gian dài các cầu thủ của đội Cảng Sài Gòn (CSG) và cả nhóm cầu thủ tuyển U.23 VN sau này. Tương tự Minh Trung, Tấn Hải không phải là một gương mặt xuất sắc trên sân cỏ. Không thành công trên sân bóng, nhưng Hải lại nhanh chóng trở thành tay anh chị ngoài đời. Bằng những mánh khóe riêng của mình, Hải nhanh chóng thâm nhập thị trường cá độ đen, bắt mối với các tay chuyên cá cược để ra kèo, bắt kèo và làm “tay trong” để đạo diễn các phi vụ. Dần dần Hải được nhóm độ này tin tưởng giới thiệu với một ông trùm có vài căn nhà ở đường Xóm Chiếu (Q.4), Huỳnh Tấn Phát (Q.7). Không biết từ lúc nào Hải đã trở thành con rối trong tay ông trùm kết nghĩa anh em này thực hiện các phi vụ “bảo kê” đời sống thường xuyên cho một vài trụ cột của đội CSG. Thường thì Hải làm rất kín, ít khi để lộ ra những động thái mua chuộc cầu thủ này hay vị trí kia. Không ai biết ai cả, đó là phương châm dàn xếp tỷ số để làm độ của Hải và nếu có thì chỉ một nhóm nhỏ chơi chung với nhau, trừ cú làm ăn với SLNA ở trận cuối cùng mùa giải 2000 - 2001 khi có nhiều cầu thủ cùng được chia tiền nên mới lộ ra.

Chính sự “bảo kê” đó của Hải mà một số cầu thủ CSG ngoài lương và thu nhập khác nhận được từ đội bóng, thì mỗi người còn có thêm ít nhất 10 - 20 triệu đồng/tháng gọi là “bồi dưỡng”. Chính hiện tượng “bảo kê” này đã hình thành một nhóm mua độ rộng lớn do ông trùm đứng sau Trương Tấn Hải điều hành và cũng chính vì được “bảo kê” thường xuyên như vậy nên chuyện bán độ của một số cầu thủ CSG có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, thậm chí được chỉ đạo ngay trong trận đấu: hiệp 1 đá cách này, hiệp 2 có thể đá cách khác. Do sự phong phú từ tài điều khiển của trùm độ mà trong một trận đấu để vạch mặt, chỉ tên các cầu thủ có dấu hiệu bán độ của đội CSG là điều không dễ dàng. 

Trốn chạy, nhưng cũng có người sa lưới

Khi Trương Tấn Hải bị bắt vào ngày 7.3.2006, sau đó bị khởi tố về tội tổ chức đánh bạc thì ông trùm đứng sau lưng cựu cầu thủ này tưởng như yên ổn trước đó khi không bị ai phát hiện đã nhanh chân trốn khỏi nơi cư trú. Thậm chí những căn nhà của ông này có cái sang ngay cho đàn em, có cái bán tháo cho mấy tay anh chị khác hoặc đóng cửa im lìm. Khi đó cơ quan điều tra đã truy lùng và biết tên ông trùm này là Lý Quốc Kỳ, sinh năm 1970, một trong những tay môi giới cá độ vào loại dữ dằn. Thông qua Trương Tấn Hải, Lý Quốc Kỳ đã thực hiện trót lọt nhiều phi vụ lên đến hàng trăm triệu đồng.

Thật ra Lý Quốc Kỳ cũng chỉ là một trùm nhỏ so với những trùm lớn khác chi phối hết thế giới ngầm cá độ, bán độ, giật dây cho Kỳ móc nối với Trương Tấn Hải. Trước khi Kỳ bỏ trốn, cơ quan điều tra cũng đã bắt Trần Ngọc Đông, một ông trùm không có nghề nghiệp ổn định. Những năm từ 1990 - 1998, Đông chủ yếu bán xe ở đường Lý Tự Trọng (Q.1) hoặc khu Hậu Giang (Q.6) và từng là đàn em của nhóm Sơn “cao”, Nghĩa “vé số” làm nhiệm vụ trung gian rao độ, thu tiền. Năm 1997, Đông phất lên nhờ “làm độ” riêng một mình và trúng cả trăm triệu đồng. Sau đó Đông tổ chức một đường dây cá độ riêng, xây dựng một lực lượng đàn em lên đến cả chục tên, tham gia hùn hạp làm độ với Sơn “cao” trong một số trận đấu của mùa giải VĐQG năm 1997. Dần dần, Đông một mình bao thầu cả khu vực chợ Bình Tây, đường Hậu Giang, khu Phú Lâm, tạo ra nhiều canh độ bóng đá lên đến hàng tỉ đồng. Ngoài ra, Đông còn là “chủ xị” của một đường dây bán độ bóng đá bắc - nam, chi phối nhiều cầu thủ bóng đá và có quan hệ mật thiết với một số trọng tài. Nhờ vậy Đông đã thắng nhiều độ khá bất ngờ tại giải VĐQG năm 1997, “vô mánh” gần cả chục tỉ đồng. Giới cá độ kháo nhau bất động sản của Đông nhiều đến nỗi chỉ dùng để cho thuê và kinh doanh thôi cũng đủ sống cả đời con, đời cháu.

Không như các ông trùm trong thế giới ngầm, những cựu cầu thủ như Trần Minh Trung hay Trương Tấn Hải thực chất đều chỉ là con cờ trong tay họ. Vì cám dỗ vật chất, vì lối sống hưởng thụ, vì suy thoái về đạo đức nên những cựu cầu thủ này đã biến thành những kẻ làm ăn phi pháp, lôi kéo nhiều cầu thủ khác của Hải quan, CSG, Công an Hải Phòng, Lâm Đồng và một vài đội khác vào con đường bất chính.

Nhóm PV thể thao

>> Lật lại hồ sơ bóng đá đen: Bán thắng để lấy 300 triệu đồng
>> Lật lại hồ sơ bóng đá đen: 'Cơn nghiện' hủy hoại tương lai
>> Lật lại hồ sơ bóng đá đen: Chơi dao có ngày đứt tay
>> Lật lại hồ sơ bóng đá đen: Bán độ được trận này sẽ bán tiếp trận khác   

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.