Không có tiền đừng mơ làm bóng đá chuyên nghiệp

03/11/2014 06:20 GMT+7

Số lượng CLB bị giải thể khá nhiều nhưng trong cơn bĩ cực ấy, bóng đá Việt Nam vẫn có những điểm sáng nhất định. Mô hình hoạt động của một số CLB xứng đáng làm tấm gương cho những đội bóng đang làm ăn thua lỗ hoặc chưa biết cách hái ra tiền.

Số lượng CLB bị giải thể khá nhiều nhưng trong cơn bĩ cực ấy, bóng đá Việt Nam vẫn có những điểm sáng nhất định. Mô hình hoạt động của một số CLB xứng đáng làm tấm gương cho những đội bóng đang làm ăn thua lỗ hoặc chưa biết cách hái ra tiền.

 >> CLB Cao su Đồng Tháp chính thức bị giải thể
 >> Đồng Tháp xin đăng ký chậm, An Giang xin rút lui khỏi mùa giải 2015
 >> CS.Đồng Tháp có nguy cơ rút khỏi V-League 2015

 Mô hình của Becamex Bình Dương được nhiều CLB thèm muốn nhưng không dễ vì phải có tiềm lực tài chính mạnh thì mới có hiệu quả - Ảnh: Khả Hòa
Mô hình của Becamex Bình Dương được nhiều CLB thèm muốn nhưng không dễ vì phải có tiềm lực tài chính mạnh thì mới có hiệu quả - Ảnh: Khả Hòa

Mẫu số chung là phải nhiều tiền !

Điều kiện quan trọng đầu tiên làm nên thành bại của một đội bóng là tiềm lực tài chính. 3 CLB mà chúng tôi điểm sau đây có mẫu số chung đều là “con nhà giàu, có của ăn của để”: Hà Nội T&T, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Becamex Bình Dương (BD). Lấy ví dụ đầu tiên về đương kim vô địch V-League 2014. BD vô cùng may mắn khi đứng đằng sau đội bóng này là một ông bố được xếp vào hàng “triệu phú”:

 

Tiền là quan trọng nhưng thành công được hay không lại do người sử dụng đồng tiền

Ông Nguyễn Quốc Hội
(Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá Hà Nội T&T)
 
 

Tổng công ty đầu tư và phát triển công nghiệp Becamex - một doanh nghiệp nhà nước. Ông bố này kinh doanh đa ngành nghề từ lĩnh vực sở trường là đầu tư hơn 70% trong tổng số 30 khu công nghiệp đang đóng tại BD, đến giáo dục, y tế... và lĩnh vực nào cũng hoạt động thành công, hái ra tiền. Cũng chính vì thành công và lại máu bóng đá nên ông bố đã không tiếc tiền của đầu tư cho “đứa con” của mình là CLB BD thông qua Công ty cổ phần bóng đá BD.

Cũng nhiều tiền nhưng là tư nhân - Công ty cổ phần bóng đá HAGL thuộc “biên chế” của Tập đoàn HAGL hùng mạnh với người đứng đầu đã trở nên quá nổi tiếng, chủ tịch Đoàn Nguyên Đức. Tập đoàn của bầu Đức thuộc dạng đa ngành với con át chủ bài gồm kinh doanh bất động sản, cao su, thủy điện, khoáng sản và dĩ nhiên là cả bóng đá. Tính đến thời điểm này, chưa một ông bầu nào của bóng đá VN đầu tư quyết liệt và dữ dội như bầu Đức. Hơn 10 năm trước, bầu Đức đã tạo ra cú sốc lớn với việc chiêu mộ dàn sao của bóng đá Thái Lan Kiatisuk, Dusit, Tawan... Ông cũng đổ tiền xây dựng Trung tâm huấn luyện thể thao Hàm Rồng với tổng kinh phí hơn 4 triệu USD. Bầu Đức cũng là người đầu tiên tại VN hợp tác chiến lược với CLB lừng danh Arsenal.

Tương tự, đứng đằng sau CLB Hà Nội T&T là ông bầu Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Tập đoàn T&T (chuyên lĩnh vực thương mại, công nghiệp, tài chính, bất động sản với doanh thu hàng nghìn tỉ đồng/năm). Hiện tại, ngoài HAGL chọn Arsenal làm bạn đồng hành, bầu Hiển cũng đã quyết định bắt tay với Man.City, còn BD đang cân nhắc thực hiện hợp tác toàn diện với CLB Inter Milan và Kawasaki Frontale.

Nhưng nhiều tiền cũng chưa đủ

 

Cho cần câu cá đôi khi quan trọng hơn cho cá. Nhưng không phải dưới ao có cá, chỉ cần quăng mồi là bắt được mà còn phụ thuộc vào người cầm cần câu

Ông Cao Văn Chong
(Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá Becamex Bình Dương)
 
 

Nếu không có nguồn lực tài chính mạnh, có lẽ cả 3 CLB nói trên khó trở thành những đội bóng tiếng tăm. Nhưng nói như ông Nguyễn Quốc Hội - Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá Hà Nội T&T: “Tiền là quan trọng nhưng thành công được hay không lại do người sử dụng đồng tiền. Bóng đá không chỉ đơn thuần nằm ở vấn đề chuyên môn, thi đấu và chiến thuật huấn luyện. Cần phải lập được những kế hoạch phát triển tỉ mỉ và lâu dài về mọi mặt cho CLB, như mục tiêu mỗi mùa, hợp tác với truyền thông, khai thác quảng cáo...”. Trên thực tế, có những CLB tuy từng được đầu tư không ít tiền nhưng do làm không nghiêm túc hoặc không biết cách làm nên đã phải nếm mùi thất bại.

Xin được nhắc lại một lần nữa về trường hợp của Đồng Tháp (ĐT), đội bóng vừa bị lãnh đạo tỉnh khai tử vì làm ăn không hiệu quả (dù thành tích cực tốt là giành vé thăng hạng chuyên nghiệp). ĐT là một trong 3 lò đào tạo bóng đá trẻ tốt nhất nước. Nhưng ĐT chưa bán được một “sản phẩm” nào do chính mình nuôi nấng, chăm bẵm. Các vụ chuyển nhượng đình đám tại VN đều xuất phát từ những CLB mà bản thân không có đào tạo trẻ, thậm chí chỉ mua về rồi bán lại và kiếm lời bạc tỉ. Công ty cổ phần bóng đá ĐT bị tỉnh chỉ đạo phải cơ cấu lại phương thức hoạt động và thay đổi nhân sự vì không biết cách kiếm tiền. Một mình giám đốc điều hành Lê Ngọc Chức lo từ chuyện sân bãi, di chuyển, cho đến dấu má, văn bản giấy tờ. Vốn chỉ là người quen làm về chuyên môn nên không rành mấy chuyện làm ăn kinh tế, ông Chức đã nhiều lần than thở với đồng nghiệp ở các CLB khác là mình quá cô đơn, quá bối rối giữa “cơn lũ” kim tiền.

Ông Nguyễn Quốc Hội chia sẻ một kinh nghiệm đem đến thành công: “Bên cạnh việc có tiền, điều bắt buộc là phải có bộ máy vận hành chuyên nghiệp. Bộ máy đó không được thừa người và những người được lựa chọn phải làm việc với tất cả tâm huyết, năng lực của mình. Ở Hà Nội T&T khi nhận hiệu lệnh từ lãnh đạo, tất cả phải thực hiện nghiêm túc và mọi kế hoạch phải được kiểm soát sâu sát, chặt chẽ. Chúng tôi đề cao tính thống nhất, đoàn kết nhưng không phủ nhận cá tính cá nhân. Ai chưa đồng tình với kế hoạch nào đó của CLB có quyền lên tiếng phản biện, kể cả đó là cầu thủ trẻ. Từ đó, các bên ngồi lại, bàn bạc phân tích để cùng tìm được tiếng nói chung. Tôi nhận thấy, một vài CLB đã từng được dẫn dắt bởi những HLV giỏi nhưng thành tích cứ èo uột, có lẽ không phải chỉ do HLV mà nhìn sâu và rộng hơn, còn do cách điều hành chung của CLB đó chưa ổn. Thêm một điều nữa, một CLB có tiền đi chăng nữa, cũng phải biết căn cơ. Không thể khi được trao khối tài sản 100 hay 200 tỉ đồng là vung tay quá trán. Mùa gặt nếu thu được một tấn thóc thì chỉ nên dùng 5 yến hay 1 tạ thôi, số còn lại để dành mùa sau”.

Không phải “dưới ao có cá là câu được”

Ông Cao Văn Chóng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá BD - ví von: “Cho cần câu cá đôi khi quan trọng hơn cho cá. Nhưng không phải dưới ao có cá, chỉ cần quăng mồi là bắt được mà còn phụ thuộc vào người cầm cần câu. Bóng đá VN ngày càng tiến lên chuyên nghiệp, càng đòi hỏi người vận hành CLB phải có tầm nhìn chiến lược, năng lực và sự hội nhập nhất định với sự phát triển chung của quốc tế. Với BD, hiện tại, chúng tôi thu từ nguồn quảng cáo vào khoảng mười mấy tỉ đồng/năm, ngoài ra còn nguồn từ bán vé vài trăm triệu đồng/trận. Chưa kể bán bản quyền truyền hình, chuyển nhượng cầu thủ... Vì đơn vị chủ quản là doanh nghiệp nhà nước nên ở mảng bóng đá, có những việc phải đòi hỏi sự khéo léo khi thuyết phục về một kế hoạch nào đó, vai trò người tham mưu rất quan trọng. Tuy nhiên, tôi cũng nói ngay rằng, không thể “ném” mô hình hoạt động của đội A sang đội B là đội B cũng thành công y chang vì mỗi đội lại có đặc thù riêng. Nhưng nếu các đội có bộ máy điều hành khoa học thì dù khó khăn, có thể vẫn câu được cá”.

 
 

Lan Phương

 >> Từ scandal Ninh Bình: Bộ mặt giả tạo của bóng đá chuyên nghiệp
 >> Nhiều nét mới của quy chế bóng đá chuyên nghiệp
 >> Lỗ hổng của Quy chế bóng đá chuyên nghiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.