Nhiều đội bất bình về tiền hỗ trợ của VPF

19/01/2015 07:26 GMT+7

Tất cả các đội bóng tham dự V-League 2015 đều được VPF hỗ trợ một khoản tiền nhất định, nhưng vào cuối mùa không phải đội nào cũng được nhận đầy đủ như cam kết.

Tất cả các đội bóng tham dự V-League 2015 đều được VPF hỗ trợ một khoản tiền nhất định, nhưng vào cuối mùa không phải đội nào cũng được nhận đầy đủ như cam kết.


Ông Trần Mạnh Hùng (đứng) phát biểu trong một cuộc gặp giữa CLB Hải Phòng với VPF  - Ảnh: Anh Tuấn

Cam kết hỗ trợ 800 triệu đồng, thực nhận... 13 triệu!

 Ngay trước vòng đấu thứ 3 Toyota V-League 2015, ông Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch CLB Hải Phòng (HP) vẫn chưa nguôi bức xúc khi nói về mối quan hệ giữa VPF và HP: “Chúng tôi lo sốt vó không hẳn vì chặng đường quyết liệt của cả mùa giải mà vì không biết sẽ bị Công ty VPF đối xử ra sao? Đầu mùa hồi năm ngoái, VPF cam kết hỗ trợ cho các đội tùy theo thứ hạng, chẳng hạn đội đứng thứ 10 sẽ được nhận 850 triệu đồng. Cuối mùa, HP xếp thứ 10 và hy vọng được nhận đủ số tiền này. Nhưng lúc tiền chuyển về, chúng tôi ngã ngửa vì chỉ có 13 triệu đồng.

VPF bảo HP bị trừ tiền vì không làm đúng những thang điểm của VPF. Xin lỗi, chúng tôi có thấy VPF đặt ra thang điểm nào đâu. Cứ thích trừ thì trừ thôi. Lạ là tính cả thẻ đỏ, thẻ vàng HP đã phải móc tiền tươi thóc thật để nộp phạt, tổng cộng lên đến 300 triệu đồng. Mất một lúc hơn 800 triệu đồng, thật xót ruột lắm. Hay như đội Đồng Nai đứng thứ 8 được hỗ trợ 900 triệu nhưng cũng bị trừ hơn 700 triệu đồng”.

Đề xuất của ông Trần Mạnh Hùng cũng đáng để cho VPF suy nghĩ: “V-League không phải... chợ trời, không phải cửa hàng cầm đồ để VPF trừ nợ các CLB. Chúng tôi có cầm cố cái gì đâu mà lại trừ tiền của chúng tôi. Tôi chỉ đề nghị là nếu cam kết hỗ trợ bao nhiêu thì giữ nguyên. Sau đó, nếu CLB nào không làm đúng chuẩn thì VPF thông báo và thực hiện chế tài. Có như thế các CLB mới tâm phục khẩu phục”.

Ông Nguyễn Húp - Giám đốc điều hành CLB QNK Quảng Nam phát biểu: “Thực ra, mùa giải năm ngoái, ngay từ trước khi khởi tranh, chúng tôi đã nhận được văn bản của VPF về ba rem điểm áp dụng cho các đội, trong đó liệt kê một loạt những vi phạm sẽ bị trừ tiền. Đọc cũng choáng đấy vì VPF đặt ra quá nhiều quy định nhưng còn choáng hơn khi cuối mùa, chúng tôi bị trừ tới 450 triệu đồng. Chúng tôi biết, VPF thực tâm muốn các CLB tự cải tổ để hướng tới cái đích chuyên nghiệp nhưng VPF cũng nên thấu hiểu là trong bối cảnh quá khó khăn như hiện nay, không phải quy định nào VPF đặt ra cũng có thể sửa đổi ngay được vì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, mà ngay cả CLB cũng chưa dễ kiểm soát được”.

Trừ tiền một cách máy móc

 

V-League không phải... chợ trời, không phải hàng cầm đồ để VPF trừ nợ các CLB. Chúng tôi có cầm cố cái gì đâu mà lại trừ tiền của chúng tôi. Tôi chỉ đề nghị là nếu cam kết hỗ trợ bao nhiêu thì giữ nguyên. Sau đó, nếu CLB nào không làm đúng chuẩn thì VPF thông báo và thực hiện chế tài. Có như thế các CLB mới tâm phục khẩu phục

Ông Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch CLB Hải Phòng

Ông Nguyễn Húp cho hay: “Có lẽ mùa này, ba rem điểm không thay đổi nên sau 3 vòng đấu mà Quảng Nam vẫn chưa nhận được thông báo mới từ VPF. Tôi xin điểm lại một số những quy định mà tôi cho rằng VPF đã khắt khe hoặc quá máy móc. Chỉ riêng lỗi dẫn đến thẻ vàng, đã chịu 3 lần phạt. Hay Quảng Nam có một trận dán tên nhà tài trợ cho đội ở khu kỹ thuật nhưng đã bóc ngay khi VPF yêu cầu. Song giám sát trận đấu vẫn ghi vào biên bản để trừ tiền.

Những thứ đội bóng đạt chuẩn thì không thấy được cộng điểm nhưng không đạt chuẩn là bị trừ tiền rất nhanh. Tôi thấy, nhiều đòi hỏi của VPF là đúng nhưng nhiều đòi hỏi chỉ gây thiệt thòi cho CLB”.

Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn giải thích rằng VPF không tự ý trừ tiền mà dựa vào các tiêu chí rất rõ ràng với mục đích đòi hỏi các CLB phải dần hoàn thiện về mọi mặt, đáp ứng được yêu cầu của bóng đá chuyên nghiệp. “Nếu VPF không nghiêm khắc, V-League sẽ không thể trở thành giải đấu chuyên nghiệp đúng nghĩa.

VPF cũng có nỗi khổ riêng khi buộc phải làm như vậy. Chúng tôi hoàn toàn muốn được giải ngân đủ số tiền hỗ trợ như cam kết lắm chứ, ví dụ như Bình Dương, họ được nhận gần như đầy đủ tiền hỗ trợ lên tới 2,2 tỉ đồng vì xét mặt nào của đội bóng này cũng tốt”, ông Viễn chia sẻ.

Cần nỗ lực từ hai phía

Dù ông Viễn nói vậy nhưng thực tế, mâu thuẫn giữa các "thí sinh" và "ban giám khảo" khó được giải quyết rốt ráo và triệt để nếu đôi bên không chủ động tìm tiếng nói chung. VPF đã từng khá linh hoạt khi quyết định giảm kinh phí hoạt động của mỗi đội từ 35 tỉ đồng xuống còn 30 tỉ đồng (dĩ nhiên cũng phải sau khi các CLB kêu ca nhiều lần), thì nay cũng nên mềm dẻo hơn trong cách xử lý. Những quy định nào VPF cảm thấy khó áp dụng ngay cho các CLB nói chung thì nên xem xét thấu đáo và chỉnh sửa lại phần nào, vì không phải đội nào cũng có tiềm lực mạnh như Bình Dương để có thể thỏa mãn tối đa mọi yêu cầu từ các nhà tổ chức giải.

Nhưng ở phía ngược lại, nếu muốn hút được thêm nhà tài trợ cho bản thân, muốn sân chật kín khán giả, muốn được nhận nhiều tiền hỗ trợ hơn từ VPF, các đội không thể mãi đổ lỗi cho cơ chế, cho những khó khăn khách quan, không thể mãi giậm chân tại chỗ mà cũng phải tự đổi mới mình.

Lan Phương

>> Bầu Đức cứu thua cho VFF và VPF
>> Có nhà tài trợ 'khủng', VPF cam kết V-League 2015 không tiêu cực
>> VPF có thể bầu lại chủ tịch
>> VFF và VPF chuẩn bị có kênh truyền hình riêng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.