Những cặp song sinh nổi tiếng: Hassan - tượng đài thầm lặng

24/01/2015 07:35 GMT+7

Ít ai biết rằng cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá châu Phi, do LĐBĐ châu Phi (CAF) công nhận, chính là Hossam Hassan. Cũng ít biết Hassan chính là cầu thủ đang giữ kỷ lục thế giới về số lần khoác áo ĐTQG. Ông khoác áo đội tuyển Ai Cập nhiều đến nỗi mọi người chỉ biết đấy là kỷ lục chứ khó xác định con số chính xác.

Ít ai biết rằng cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá châu Phi, do LĐBĐ châu Phi (CAF) công nhận, chính là Hossam Hassan. Cũng ít biết Hassan chính là cầu thủ đang giữ kỷ lục thế giới về số lần khoác áo ĐTQG. Ông khoác áo đội tuyển Ai Cập nhiều đến nỗi mọi người chỉ biết đấy là kỷ lục chứ khó xác định con số chính xác.

>> Những cặp song sinh nổi tiếng: Cặp Bender và kỷ lục ghi bàn kỳ lạ
>> Những cặp song sinh nổi tiếng: Hai 'quả bóng vàng' của Thổ Nhĩ Kỳ
>> Những cặp song sinh nổi tiếng: Rafael, Fabio, ai là ai?

 Những cặp song sinh nổi tiếng: Hassan - tượng đài thầm lặng
Anh em nhà Hassan gắn bó với nhau như hình với bóng - Ảnh: AFP

Trang web chuyên thống kê lịch sử bóng đá thế giới rsssf.com ghi nhận là 184 lần. Theo Wikipedia thì là 176 lần, còn theo FIFA là 170 lần. Dù bao nhiêu đi nữa, Hassan vẫn là một huyền thoại. Theo FIFA, Hassan từng ghi 83 bàn cho đội tuyển Ai Cập, còn theo Wikipedia thì 68 bàn. Đi liền với số bàn thắng và số lần khoác áo ĐTQG nhiều đến mức độ khó tưởng tượng nổi của Hossam Hassan là 3 chức vô địch Cúp châu Phi. Số danh hiệu quốc gia và châu lục ở tầm CLB thì nhiều không kể xiết.

Nhưng Hossam Hassan không nổi tiếng đến mức được cả thế giới bóng đá biết đến - đấy là thực tế rõ ràng nếu so với những Roger Milla, George Weah ngày xưa hoặc Samuel Eto'o, Didier Drogba gần đây khi nói về những ngôi sao của bóng đá châu Phi. Và nếu tượng đài Hossam Hassan đã vậy, lại càng ít người biết đến cậu em song sinh của ông là Ibrahim Hassan. Với 125 lần khoác áo ĐTQG và cũng gặt hái gần như toàn bộ những gì Hossam có được, Ibrahim cũng thành công không kém gì anh. Và dù có được biết đến trên khắp thế giới hay không, anh em nhà Hassan vẫn tự hào về một kỷ lục chẳng biết bao giờ mới có người phá nổi. Họ có tổng cộng trên dưới 300 lần khoác áo ĐTQG.

 

Chẳng những luôn đi đôi với nhau trong sự nghiệp cầu thủ, anh em nhà Hassan còn gắn như hình với bóng trong nghề huấn luyện. Hossam nổi tiếng hơn khi đã cầm quân ở nhiều đội bóng khác nhau (hiện thời là ĐTQG Ai Cập). Còn Ibrahim chỉ là trợ lý ở 4 đội bóng khác nhau. Đấy đều là các đội và trong các giai đoạn mà ông anh Hossam làm HLV trưởng.

Vì sao anh em nhà Hassan ít được biết đến? Hossam suy nghĩ hồi lâu, bảo rằng cũng chẳng biết đấy là may hay rủi trong sự nghiệp bóng đá của mình. Ông nói: "Kể cũng tiếc. Đáng lẽ tôi phải chơi bóng ở châu Âu nhiều hơn để được biết đến. Tôi muốn chơi bóng tại Ý, nhưng rốt cuộc, tôi quyết định trở về Ai Cập". Khác với toàn bộ phần còn lại của châu Phi, bóng đá Ai Cập rất giàu. Không những vậy, đấy còn là nền bóng đá tiên phong ở châu Phi, từng góp mặt ở đấu trường World Cup từ năm 1934. Mức lương ở các CLB Ai Cập cao không kém gì mức lương ở các đội bóng hàng đầu châu Âu. Vậy nên Hossam Hassan chỉ sang châu Âu chơi bóng một thời gian ngắn rồi trở về Ai Cập vì… không quen với lối sống châu Âu.

Hồi CAF công bố danh sách các CLB vĩ đại nhất châu Phi trong thế kỷ 20 thì vị trí số 1 và số 2 thuộc về các đại diện Ai Cập: Al-Ahly và Zamalek. Hossam Hassan đã khoác áo cả 2 CLB này và là một trong 2 cầu thủ hiếm hoi suốt lịch sử ghi bàn cho cả hai đội trong cặp derby nổi tiếng nhất châu Phi. Hãy thử tưởng tượng có một tượng đài được công nhận là biểu tượng ở cả Barcelona lẫn Real Madrid, hoặc ở cả AC Milan lẫn Inter Milan. Hossam Hassan chính là mẫu ấy trong làng bóng Ai Cập. Vậy nên, ông không quen làm một cầu thủ "bình thường" khi sang châu Âu khoác áo PAOK Salonika (Hy Lạp) và Neuchatel Xamax (Thụy Sĩ) trong giai đoạn 1990 - 1992. Hossam Hassan ghi được 8 bàn trong 27 lần khoác áo PAOK và Neuchatel - đâu đến nỗi tồi!

Thú vị ở chỗ, cứ nói về sự nghiệp của Hossam thì cũng như đã nói về Ibrahim bởi họ đi liền với nhau như hình với bóng suốt hơn 20 năm. Đây cũng là chi tiết độc nhất vô nhị trong làng cầu thế giới. Anh em nhà Hassan luôn sát cánh bên nhau, và Hossam là người quyết định hợp đồng cho cả hai! Chỉ đến năm 2006, khi Ibrahim giải nghệ ở tuổi 40, mới có khác biệt. Lúc bấy giờ, Hossam vẫn tiếp tục thi đấu.

Sau này người ta biết thêm về mối quan hệ không mấy minh bạch giữa hai CLB hàng đầu Ai Cập với tổng thống bị lật đổ Hosni Mubarak. Đấy cũng có thể là chi tiết cho thấy vì sao anh em nhà Hassan vừa giàu, vừa có quyền lực trong làng bóng Ai Cập, đến nỗi họ không cần sang châu Âu thi đấu. Khi người Ai Cập lật đổ Mubarak và anh em nhà Hassan lên tiếng bênh vực cựu tổng thống, đấy càng là lúc các tượng đài lớn nhất trong lịch sử bóng đá Ai Cập trở nên nhạt nhòa.

Nguyễn Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.