Ai khen và khen ai?

28/01/2010 09:44 GMT+7

Những thành tích mà Tiến Minh đạt được là niềm vinh dự lớn của TTVN, dù cho anh chưa từng vô địch thế giới...

Ảnh: B.Dương

Những thành tích mà Tiến Minh đạt được là niềm vinh dự lớn của TTVN, dù cho anh chưa từng vô địch thế giới...

Nguyễn Tiến Minh vừa chịu dừng bước ở bán kết giải cầu lông Malaysia mở rộng, một giải thuộc hệ thống Super Series của Liên đoàn cầu lông thế giới (BWF), khi đối thủ là Lee Chong Wei, tay vợt số 1 thế giới. Đây là lần thứ 2 Tiến Minh có mặt ở bán kết của hệ thống giải Super Series và đã quay trở lại top 10 (từng xếp thứ 7). Đó là thành tích mà xưa nay cầu lông Việt Nam chưa từng mơ tới. Đừng quên rằng cầu lông là môn thể thao cá nhân, được đưa vào Olympic từ năm 1992 và hiện nay trên thế giới có đến 150 triệu người tập luyện thường xuyên và thi đấu chuyên nghiệp (theo BWF).

Nhưng ngoài chuyện Tiến Minh khi trở lại top 10 được nhận mức lương 50 triệu đồng/ tháng của các nhà tài trợ, thì dường như các cơ quan TTVN  đều… chưa thấy nói gì về thành tích này. “Nói” ở đây tạm hiểu là… khen thưởng.

Chúng ta đã có hẳn một hệ thống thi đua-khen thưởng trong lĩnh vực thể dục thể thao. Nhưng thông thường, ta có thể quá hân hoan vì một chức vô địch trong khu vực (hoặc thế giới), trong khi đó lại thờ ơ trước một thành tích cao ở một môn cá nhân mang đẳng cấp Olympic (dù chưa vô địch thế giới, nhưng đứng thứ 4 hệ thống Super Series cũng là… kinh rồi chứ ạ?) Huống chi, Tiến Minh đã là cây vợt cầu lông đang được xếp hạng thứ 10 thế giới, đó thực sự là niềm tự hào cho cầu lông Việt Nam.

Nên kịp thời xem xét lại công việc của những người “đi khen” người khác, và xét lại danh sách những “ai đáng được khen” để khen cho đúng, khen cho nhanh, khen cho VĐV… sướng mà vươn tiếp lên những đỉnh cao mới.

Bởi suy cho cùng, mục đích của khen thưởng là thế cơ mà!

Không có một tấm giấy khen

Dù đạt rất nhiều thành tích cho cầu lông Việt Nam năm 2009 vừa qua nhưng tay vợt số 1 Nguyễn Tiến Minh không có lấy 1 tấm bằng khen của Liên đoàn cầu lông Việt Nam cũng như của Bộ VH – TT và DL. “Phần thưởng” duy nhất mà Tiến Minh có được là của Sở VH – TT và DL TP.HCM cho thành tích đoạt huy chương ở các giải trong hệ thống thi đấu quốc gia. Tỏ ra buồn khi nhắc đến chuyện này nhưng Tiến Minh cho biết anh cũng không đòi hỏi bởi: “Chắc những cống hiến gần 10 năm của mình chưa đủ để được tặng tấm bằng khen”. Còn nhớ trong năm 2009, khi Tiến Minh đoạt ngôi vô địch Grand Prix Gold Thái Lan rồi vô địch Trung Hoa Đài Bắc, một số nhà tài trợ như Victor rồi Becamex IDC đã tự tìm đến tài trợ cho Tiến Minh – một sự ghi nhận với công sức, cố gắng của Tiến Minh, vậy mà những người có trách nhiệm ở liên đoàn cũng như bộ môn thậm chí còn không có một câu chúc mừng nữa là…

Quỳnh Anh

Những cột mốc đáng nhớ

Thứ hạng trên bảng xếp hạng của BWF:

* Năm 2002: bắt đầu có tên trên bảng xếp hạng BWF với thứ hạng khởi điểm là 252 thế giới.
* Năm 2005: thứ hạng cao nhất là hạng 57.
* Năm 2006: lọt vào top 50.
* Năm 2007: hạng 41 thế giới.
* Năm 2008: thứ hạng cao nhất là hạng 21 thế giới.
* Năm 2009: Thứ hạng cao nhất là hạng 7 thế giới.
* Hiện tại: hạng 10 thế giới.

Thứ hạng hệ thống thi đấu super series:

* Năm 2009: hạng 25.
* Hiện tại: hạng 4.

Hành trình đến hạng 10 thế giới

Để có hạng 10 thế giới như hiện nay (tổng cộng 51.750 điểm), tay vợt số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh đã tích lũy điểm từ 10 giải tốt nhất gần đây là: super series Hàn Quốc (tứ kết, 5.040 điểm), Grand Prix VN (vô địch, 5.000 điểm), super series Nhật Bản (bán kết, 6.420 điểm), Grand Prix Gold Trung Hoa Đài Bắc (vô địch 7.000 điểm), VĐTG (vòng 1/16, 4.800 điểm), Grand Prix Gold Thái Lan (vô địch, 7.000 điểm), Grand Prix Gold Philippines (tứ kết, 3.850 điểm), super series Indonesia (vòng 1/16, 3.600 điểm), super series Singapore (tứ kết, 5.040 điểm) và tại  Việt Nam Challenge (vô địch, 4.000 điểm).

Hoàng Quỳnh

Sẽ không dự những giải Challenge nữa?

Với hạng 10 thế giới hiện tại, muốn bảo vệ thành tích của mình Nguyễn Tiến Minh buộc phải tham dự những giải đấu có điểm thưởng cao (tất nhiên kèm theo tiền thưởng cao). Theo phân tích của Tiến Minh, những giải đấu trong hệ thống Challenge chủ yếu dành cho các tay vợt vừa bước chân vào làng cầu lông chuyên nghiệp. Ngôi vô địch Challenge chỉ được 4.000 điểm thưởng trong khi vô địch Grand Prix Gold là 7.000 điểm hay lọt vào tứ kết super series cũng đã có 5.040 điểm. Chính điều này khiến Tiến Minh đang tính đến việc sẽ không tham dự các giải trong hệ thống Challenge nữa. Ngặt nỗi, hiện 2 giải cầu lông quốc tế mà Việt Nam đăng cai trong năm 2010 có 1 giải trong hệ thống Challenge và 1 giải Grand Prix. “Tôi sẽ cân nhắc kỹ việc có nên dự những giải này hay không bởi như tôi đã lý giải ở trên. Nếu trùng thời gian với các giải lớn hơn, tôi sẽ chọn giải pháp tham dự giải lớn đó để bảo vệ thứ hạng của mình đồng thời nhường sân chơi Challenge lại cho các tay vợt đàn em”, Tiến Minh cho biết.

Hoàng Quỳnh

Hệ thống các giải đấu và cách tính điểm của BWF

* Cấp độ 1 (cao nhất): Thomas Cup (đồng đội nam), Uber Cup (đồng đội nữ), Sudirman Cup (đồng đội), Suhandinata Cup (đồng đội trẻ), giải VĐTG (các nội dung), Bimantara Cup (trẻ thế giới) và World Senior Championship (cá nhân).

* Cấp độ 2: Super Series và Super Series Masters Final (tổng giải thưởng từ 200.000 USD trở lên). Super Series Masters Final dành cho 8 tay vợt đứng đầu trong bảng xếp hạng Super Series.

* Cấp độ 3: Grand Prix Gold (từ 120.000 USD trở lên) và Grand Prix (50.000 USD trở lên).

* Cấp độ 4: International Challenge, International Series và Future Series (từ 15.000 USD và 5.000 USD trở lên).

Các tay vợt tham dự những giải của BWF (Liên đoàn Cầu lông thế giới) sẽ được điểm theo bảng dưới đây. Nếu trong vòng 52 tuần/năm, một tay vợt chỉ tham dự 10 giải đấu trở xuống thì tất cả số điểm có được sẽ được tính. Nếu tham dự từ 11 giải trở lên thì chỉ tính điểm 10 giải có điểm cao nhất.

Điểm của các tay vợt cầu lông được tính tích lũy qua các năm (như quần vợt). Ví dụ như tay vợt A năm 2009 tham dự giải Super Series Hàn Quốc và giành quyền vào bán kết, anh sẽ nhận được 6.420 điểm. Năm 2010, anh ta sẽ phải bảo vệ hoặc nâng cao thành tích tại giải đấu này. Nếu không, sau khi kết thúc giải Super Series Hàn Quốc, số điểm mới của anh ta sẽ được tính bằng cách trừ đi số điểm giành được năm 2009 và cộng thêm số điểm giành được năm 2010.

Lam Hải

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.