Giải Úc mở rộng 2015: Không được xem thấp bất kỳ vũ khí nào

23/01/2015 13:05 GMT+7

(TNO) Cách tốt nhất cứu điểm kết thúc trận đấu (match point) để ở lại cuộc chơi là gì? Là một cú đánh thắng điểm trực tiếp, ai cũng biết thế và muốn thế. Nhưng nếu lúc đó bạn không cầm giao bóng thì sao? Hãy hỏi Feliciano Lopez.

(TNO) Cách tốt nhất cứu điểm kết thúc trận đấu (match point) để ở lại cuộc chơi là gì? Là một cú đánh thắng điểm trực tiếp, ai cũng biết thế và muốn thế. Nhưng nếu lúc đó bạn không cầm giao bóng thì sao? Hãy hỏi Feliciano Lopez.

>> Úc mở rộng 2015: Radwanska 'lên tay
>> Mới ngày đầu, giải Úc mở rộng 2015 đã thắng lớn
>> Úc mở rộng 2015: Sạch bóng các tay vợt nữ Serbia


Giao bóng là vũ khí rất lợi hại của Karlovic - Ảnh: AFP

Trước giải Úc mở rộng 2 tuần, tay vợt Ivo Karlovic chứng tỏ vận tốc bóng quan trọng hơn quãng đường di chuyển trên sân thế nào. Tay vợt 36 tuổi người Croatia có chiều cao 2,11 m nên mỗi cú giao bóng của anh như muốn ụp cả vòm trời xuống mặt sân bên kia. Novak Djokovic, tay vợt trả giao bóng hay nhất thế giới đã bị lép vế trước cú giao bóng của Karlovic, thua ở giải Doha.

Feliciano Lopez đang bước sang tuổi 34 cũng có cú giao bóng rất mạnh. Cao 1,88 m, kém hơn Karlovic 23 cm nhưng Lopez có cánh tay rất mạnh. Anh từng thắng John Isner cao 2,08 m khi thi xem ai đánh bóng bay xa hơn.

Nhờ cú giao bóng tốt, Lopez chơi hay ở mặt sân nhanh như Wimbledon, nơi anh 6 lần lọt vào ít nhất vòng 4. Khi tay vợt người Tây Ban Nha thuận tay trái quăng mình vào trái bóng lơ lửng trên không cũng là lúc anh có cơ hội thắng điểm nhất. Còn sau đó thì bình thường thôi.

Giải Úc mở rộng 2015: Không được xem thấp bất kỳ vũ khí nào
Lopez sử dụng những quả cắt trái tay để hạn chế khả năng tấn công của đối phương - Ảnh: AFP

Đến giải Úc mở rộng ở vị thế hạt giống số 12, Lopez suýt bị tay vợt người Mỹ hạng 123 thế giới Denis Kudla đánh bại ở vòng 1. Kudla có 3 điểm thắng trận khi đang giao bóng ở điểm số 6/5 trong ván 5 nhưng đều bỏ lỡ, Lopez thắng chung cuộc 3/6, 6/2, 4/6, 6/2, 10/8.

Không được cầm giao bóng để cứu những điểm kết thúc trận, Lopez dùng vũ khí gì để xoay chuyển cục diện? Đó là cú cắt bóng trái tay (slice backhand), một trong những cú được đánh giá thấp nhất hiện nay trong quần vợt.

Ra các sân chơi nghiệp dư, dễ thấy cú này được dùng tương đối nhiều khi bóng bị dồn sang phía trái tay của người chơi, bởi ít người tạt bóng trái tay bằng một tay hay hai tay hiệu quả. Có lẽ họ ít tập hay không tự tin để thực hiện cú tạt bóng trái tay. Trong khi cắt bóng dễ dãi về bộ pháp hơn, thích hợp với kiểu chơi “lười” hơn, chỉ cần “vịn” hoặc “dìu” bóng sang sân bên kia là tiếp tục cuộc chơi được.

Quần vợt chuyên nghiệp thời trước cũng sử dụng cú cắt trái tay nhiều. Nhưng sau đó thể lực vượt trội của các tay vợt cộng với sự tân tiến của các cây vợt khiến cuộc chơi uy lực hơn, cú cắt trái bị cho là yếu ớt dần biến mất. Các tay vợt chỉ sử dụng nó khi phòng thủ hoặc mất thế tạt trái tay.

Giải Úc mở rộng 2015: Không được xem thấp bất kỳ vũ khí nào-2
Federer là bậc thầy trong việc sử dụng những cú cắt trái tay - Ảnh: AFP

Ít dùng nhưng các tay vợt không quên mài dũa nó để khi cần có thể sử dụng. Không chỉ những người cầm vợt tạt trái một tay như Roger Federer, Richard Gasquet, Mikhail Youzhny… cắt bóng tốt mà những người tạt trái hai tay như Djokovic, Andy Murray, Rafael Nadal… cũng cắt bóng rất tốt.

Rồi đến khi sân chơi chuyên nghiệp toàn những cú bạt bóng nặng như chì thì cú cắt bóng trái tay trở lại. Giống như thời trang, hết quần ống hẹp sang quần ống loe rồi về lại quần ống hẹp. Hai bên đang tạt bóng nặng bỗng một bên thay đổi, đưa vợt ra cắt một cú, bóng đi chậm lại khiến bên kia hoàn toàn bất ngờ. Khán giả cũng sướng rơn lên khi nhịp độ trận đấu được thay đổi ngoạn mục.

Federer là bậc thầy trong việc thay đổi nhịp độ kiểu này. Anh sử dụng nó để đưa đối thủ ra khỏi vùng tạt bóng ưa thích của họ, dùng nó như mồi nhử họ lên lưới. Bóng từ mặt vợt cắt ra xoáy ngược lại, đi chìm xuống dưới đầu gối chân không bao giờ dễ để tạt bóng lại, nếu tạt thì rụng lưới khá nhiều. Bay trên không thì lừ đừ nhưng khi chạm đất, trái bóng trượt đi rất nhanh. Trong trận gặp Milos Raonic ở ATP World Finals tại London cuối năm rồi, Federer đã 17 lần nhử Raonic lên bằng những cú cắt bóng, Raonic chỉ thắng 6 điểm trong số đó.

Tính ra thì cắt bóng trái tay là cú tạo xoáy lớn nhất. Nadal là ông vua đánh xoáy, cú thuận tay (forehand) của anh đạt độ xoáy trung bình 3.000 vòng/phút. Nhưng cú cắt bóng trái tay của Federer còn đạt độ xoáy trung bình 3.700 vòng/phút. Biên độ xoáy trong cú này của Federer là 2.100 vòng/phút cho tới 5.300 vòng/phút. Ở mức 5.300 vòng/phút thì nó là cú bỏ nhỏ vô cùng ngoạn mục.

Lopez còn sử dụng cú này thường xuyên và hay hơn cả Federer. Anh luôn tự tin khi dùng nó. Nếu nặng tay hơn hoặc nhẹ tay hơn ở cú này trong 3 lần đối diện với match point của Kudla thì Lopez đã tiêu tùng rồi. Điểm kết thúc trận đấu của Lopez cũng là từ cú cắt bóng: Kudla giao bóng, Lopez cắt. Kudla tạt, Lopez cắt lần nữa bóng đi rất chìm. Kudla tiến lên tạt, bóng rúc lưới.

Khúc Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.