Khan hiếm tài năng kế thừa

16/05/2010 10:31 GMT+7

Qua giải bóng bàn ÐH TDTT TQ 2010, có thể thấy bóng bàn Việt Nam vẫn mỏi mắt tìm kiếm tài năng kế thừa…

Lối đánh của Việt Linh đã bị “bắt bài“ - ảnh: Bạch Dương

Qua giải bóng bàn ÐH TDTT TQ 2010, có thể thấy bóng bàn Việt Nam vẫn mỏi mắt tìm kiếm tài năng kế thừa…

Toàn giải chỉ thấy tay vợt 19 tuổi Thành Luân là có triển vọng. Luân sở hữu  kỹ thuật tốt và có ý chí học hỏi. Tuy nhiên cũng như nhiều tay vợt trẻ khác, kinh nghiệm và thể lực của Luân cần cải thiện nhiều. Ðây cũng là điểm yếu chung của các VÐV trẻ Việt Nam.

Về nữ, tay vợt 17 tuổi Việt Linh (Bộ Công an) từng gây bất ngờ từ mùa giải 2009 với lối chơi cắt bóng khó chịu. Tuy nhiên, ở giải năm nay, Mỹ Trang đã “bắt bài” lối chơi của Linh và hai lần chiến thắng được đối thủ này tại cả giải đồng đội lẫn giải đơn. Thiên Kim (Tiền Giang) có  kỹ thuật khá, nhưng ý chí thi đấu còn thiếu tính “máu lửa”.

Chúng tôi đã trao đổi cùng ông Vũ Mạnh Cường, cựu vô địch SEA Games và hiện là HLV của CLB T&T, xung quanh vấn đề này.

* Tham dự giải với tư cách VÐV kiêm HLV, ông có nhận xét gì về bóng bàn Việt Nam hiện nay?

Nhìn chung bóng bàn Việt Nam đang chững lại. Các tay vợt đều có lối chơi tấn công đơn điệu, không đa dạng như trước đây. Chính vì thế khi thi đấu quốc tế, các tay vợt của chúng ta bắt nhịp chậm nếu gặp lối chơi lạ như vợt thìa, vợt gai hoặc cắt bóng. Các VÐV trẻ thì thiếu kinh nghiệm và thiếu tự tin mỗi khi đối đầu với các đàn anh.

* Khắc phục những vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Liên đoàn và bộ môn nên tập trung các tay vợt trẻ có triển vọng tập luyện cùng với ÐTQG. Vì như thế các VÐV trẻ sẽ có cơ hội học tập cọ xát với lớp đàn anh cả về kỹ thuật lẫn kinh nghiệm thi đấu,  giúp họ có sự tự tin khi đối đầu với các tay vợt mạnh.

Thứ hai, bóng bàn Việt Nam cần mở cửa cho phép các CLB “mua” VÐV nước ngoài. Nếu có 10 CLB và mỗi đội mua 1 tay vợt nước ngoài, điều này đồng nghĩa chúng ta có thêm 10 đối tượng mạnh để cọ xát, qua đó chất lượng của giải sẽ được nâng lên rất nhiều.

* Một câu hỏi ngoài lề, có nhiều ý kiến cho rằng, ông không nên trở lại thi đấu. Ông suy nghĩ như thế nào về ý kiến này?

Ðúng là đã lâu tôi không tập luyện và thi đấu đỉnh cao. Nhưng vì tình cảm của tôi với Vĩnh Long, tôi muốn giúp đội này và họ cũng tạo điều kiện cho tôi theo dõi giải. Tôi tham gia không phải vì thành tích. Nếu tôi thắng các VÐV trẻ hoặc đoạt giải thì đó mới là điều đáng buồn (cười).

NHỮNG ÐIỂM NHẤN

Giải bóng bàn ÐH TDTT toàn quốc 2010 vừa kết thúc tại Mỹ Tho (Tiền Giang) đã để lại những điếm nhấn đáng chú ý về công tác tổ chức cũng như chuyên môn.

Về công tác tổ chức:

Lần đầu tiên giải được tổ chức ở Tiền Giang và cũng là lần đầu tiên một tỉnh ở khu vực ÐBSCL đăng cai giải đấu này.

Lần đầu tiên BTC đưa vào sử dụng thiết bị kiểm tra keo dán vợt nhằm phát hiện những VÐV sử dung keo dán vợt tăng lực vốn bị Liên đoàn bóng bàn TG (ITTF) cấm kể từ sau Olympic 2008.

Thời tiết quá nóng tại Tiền Giang cộng với việc NTÐ không có máy điều hòa nhiệt độ khiến các cây vợt dự giải nhọc nhằn chống lại nắng nóng. Nguyễn Thành Luân (Quân đội) và Nguyễn Minh Hồng Hạnh (TP.HCM) đã phải nhờ cậy đến bác sĩ vì không chịu nổi sức nóng tại đây.

Về chuyên môn:

Hai tay vợt gây bất ngờ là Lý Tiểu Lân (Tiền Giang) và Trần Huy Bảo (TP.HCM). Tiểu Lân có hai chiến thắng ngoạn mục trước cây vợt kỳ cựu Vũ Mạnh Cường và cây vợt số 1 VN Ðoàn Kiến Quốc ở nội dung đồng đội. Trong khi đó, Trần Huy Bảo tỏa sáng khi đánh bại cựu VÐ SEA Games Trần Tuấn Quỳnh để có mặt trong trận chung kết đơn nam.

Dù đoạt vé vào đến 4 trận chung kết các nội dung đồng đội nam, đồng đội nữ, đôi nam nữ, đôi nam nhưng Quân đội chỉ đoạt HCV duy nhất ở nội dung đôi nam nữ do công của Ðinh Quang Linh/Lương Thị Tám.

Kiến Quốc và Mỹ Trang khẳng định ngôi vị số 1 trong làng bóng bàn VN. Với cây vợt 31 tuổi Kiến Quốc, đây là lần đầu tiên trong sự nghiệp, anh rời Khánh Hòa đầu quân cho Hà Nội và mang về cho thủ đô tấm HCV đại hội.

Quỳnh Anh

Minh Tân (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.