Nghịch lý quần vợt Nga

19/04/2010 09:36 GMT+7

Dù đang sở hữu nhiều tay vợt nằm trong top 200 thế giới nhất nhưng Nga vẫn không quan tâm đúng mức tới quần vợt.

Sharapova là hình mẫu mà các cô gái trẻ ở Nga đang noi theo - Ảnh: Reuters

Dù đang sở hữu nhiều tay vợt nằm trong top 200 thế giới nhất nhưng Nga vẫn không quan tâm đúng mức tới quần vợt.

Trong 5 năm qua, quần vợt nữ Nga vươn lên trở thành một thế lực trên thế giới. Theo bảng xếp hạng mới nhất của WTA, có 3 tay vợt nữ Nga nằm trong top 10, 29 tay vợt trong top 200. Khi được hỏi về sự trỗi dậy gần đây của quần vợt nữ Trung Quốc, tay vợt xếp thứ 5 thế giới Svetlana Kuznetsova chỉ nói một cách đơn giản: “Người Nga mạnh hơn”.

Có nhiều cách lý giải cho việc này. Một số cho rằng do điều kiện thiếu thốn, các tay vợt nữ ở Nga luôn có quyết tâm cao độ trong tập luyện và thi đấu. Số khác lại nói rằng sự hâm mộ của cố tổng thống Boris Yeltsin với quần vợt đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của quần vợt thời hậu Liên Xô. Yeltsin có thói quen cầm vợt ra sân 3 lần một tuần và từng giúp xây dựng nhiều sân quần vợt ở Nga. Tuy nhiên, cách lý giải được nhiều người chấp nhận nhất là việc số lượng các cô gái trẻ cầm vợt bùng nổ do hiệu ứng từ thành công của các siêu sao như Anna Kournikova và Sharapova. “Có rất nhiều cô gái đến với quần vợt”, Ekaterina Makarova, tay vợt 21 tuổi xếp thứ 62 thế giới, phát biểu, “nó rất phổ biến ở Nga, có thể họ muốn một ngày nào đó trở thành Sharapova”.

Những nước có nhiều tay vợt trong top 200

Các tay vợt Nga có 3 người trong top 10 thế giới, đó là Dinara Safina (3), Svetlana Kuznetsova (5) và Elena Dementieva (6). Còn trong top 50, có đến 10 tay vợt Nga góp mặt.

Sự phổ biến của quần vợt ở Nga không giúp nó tránh khỏi thực trạng buồn bã mà các môn thể thao khác ở nước này gặp phải. Phần đông các tay vợt chuyên nghiệp bắt đầu sự nghiệp tại các trung tâm tồi tàn. Niềm đam mê của Yeltsin đã mang đến cho nước Nga nhiều sân quần vợt song nó không đem đến nguồn ngân quỹ để duy trì và bảo dưỡng chúng.

Vì vậy, không phải ai cũng có thể trở thành Sharapova. Khi đạt đến đẳng cấp nhất định cần phải có điều kiện tập luyện ở mức độ cao hơn, các tay vợt phải ra nước ngoài. Song chỉ có một số ít làm được điều đó bởi họ không nhận được sự hỗ trợ nào. Dù từng vô địch US Open (2004) và Roland Garros (2009), Kuznetsova nói điều duy nhất mà cô nhận được từ nhà nước là 3 hoặc 4 giờ tập miễn phí. Cô nói: “Bạn không thể tin nổi số lượng tài năng quần vợt trẻ ở Nga. Họ tập luyện cật lực và đi đúng đường khi còn trẻ song sau đó, họ không thể ra nước ngoài vì không nhận được hỗ trợ”.

“Chúng tôi hiện có nhiều ngôi sao”, Kuznetsova nói tiếp, “song chúng tôi cũng đã bỏ phí biết bao nhiêu tài năng khác”.

Sơn Duân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.