Nhân tài Việt trên đất khách (Kỳ cuối)

02/08/2010 08:54 GMT+7

Kỳ cuối: Khoa Nguyễn - chàng trai Việt đi vào lịch sử bóng bàn Mỹ Tháng 1.2009, Khoa Nguyễn trở về Việt Nam dự giải bóng bàn nghiệp dư Đà Lạt mở rộng. Anh không thi đấu mà góp mặt trong thành phần BHL đội Mỹ (tập hợp những cây vợt Việt kiều đang học tập, làm việc ở Mỹ). Phong cách giản dị và tính tình điềm đạm, Khoa Nguyễn làm người yêu bóng bàn VN thêm nể phục...

Không những chơi bóng bàn giỏi, Khoa Nguyễn cũng học giỏi không kém - Ảnh: Getty Images

Kỳ cuối: Khoa Nguyễn - chàng trai Việt đi vào lịch sử bóng bàn Mỹ

Tháng 1.2009, Khoa Nguyễn trở về Việt Nam dự giải bóng bàn nghiệp dư Đà Lạt mở rộng.  Anh không thi đấu mà góp mặt trong thành phần BHL đội Mỹ (tập hợp những cây vợt Việt kiều đang học tập, làm việc ở Mỹ). Phong cách giản dị và tính tình điềm đạm, Khoa Nguyễn làm người yêu bóng bàn VN thêm nể phục...

Nguyễn Đình Khoa (Khoa Nguyễn) sinh năm 1966 tại Nha Trang. Từ nhỏ Khoa Nguyễn đã được người bố vốn đam mê bóng bàn dẫn đến tập luyện ở các CLB. Niềm đam mê này thấm dần vào máu của Khoa Nguyễn để rồi khi sang định cư ở Mỹ năm 10 tuổi, Khoa Nguyễn vẫn tiếp tục gắn bó với bóng bàn. Cây vợt này thổ lộ: “Người truyền đam mê bóng bàn cho tôi chính là bố tôi. Ông cũng là người thầy và là đối thủ của tôi trong những ngày tôi làm quen với môn thể thao này”. Không ít khó khăn với Khoa Nguyễn trong những ngày sống trên đất Mỹ bởi phong trào bóng bàn ở đó không mạnh trong khi Khoa Nguyễn còn có mục tiêu lớn như bao đứa trẻ Việt ở hải ngoại: phấn đấu học thành tài. May mắn thay, Khoa Nguyễn đã làm tốt cả hai nhiệm vụ khi chơi thể thao cũng giỏi mà học văn hóa cũng cừ khôi.

Ở đấu trường thể thao, chủ yếu tập luyện dưới sự hướng dẫn của bố mình nhưng Khoa Nguyễn đã rèn được “tuyệt kỹ” mà các đối thủ phải dè chừng. Đó là những cú líp mặt phải vợt dũng mãnh đưa bóng đi nhanh và xoáy vào mặt bàn. Tuyệt kỹ này được báo chí viết về bóng bàn Mỹ nhắc nhiều, gắn liền với những chiến thắng của anh. Thành tích đáng kể đầu tiên vào năm 14 tuổi khi Khoa Nguyễn đoạt ngôi vô địch thiếu niên toàn nước Mỹ. Từ đó ở các giải đấu mà mình dự tranh tại Mỹ, Khoa Nguyễn luôn là ứng viên vô địch cho một trong hai danh hiệu đơn nam, đôi nam. Năm 1995, anh được bầu chọn là “Cây vợt hay nhất năm tại Mỹ”.

Khi đã nổi danh ở đấu trường trong nước, Khoa Nguyễn không ngừng phấn đấu để vươn ra thế giới. Năm 2000, Khoa Nguyễn đoạt ngôi vô địch Bắc Mỹ (gồm Mỹ và Canada) để giành quyền đại diện khu vực tranh tài ở giải 16 cây vợt xuất sắc thế giới. Cũng trong năm này, Khoa Nguyễn vinh dự đại diện bóng bàn Mỹ tranh tài ở Thế vận hội Sydney. 4 năm sau, Khoa Nguyễn lại góp mặt ở Olympic Athens. Để ghi nhận những đóng góp của Khoa Nguyễn với bóng bàn Mỹ, tháng 2.2006 Hiệp hội bóng bàn Mỹ đã đưa tên anh vào “nhà lưu danh những cây vợt bóng bàn nổi tiếng Mỹ”. Đây là lần đầu tiên một cây vợt gốc Việt được lưu danh. Ở buổi đón nhận vinh dự này, Khoa Nguyễn làm nhiều người xúc động khi thổ lộ: “Có một người xứng đáng nhận vinh dự này hơn tôi, đó là bố tôi”.

Không chỉ ham chơi (bóng bàn), Khoa Nguyễn cũng ham học không kém. Sau khi đỗ tú tài, cây vợt này theo học khoa Công nghệ thông tin, trường ĐH San Jose State và ra trường với bằng kỹ sư điện toán. Kết quả học tập tốt giúp Khoa Nguyễn được nhận vào làm việc ở công ty phần mềm ABBYY.

Anh hiện là kỹ sư cao cấp kiêm quản lý nhóm kỹ sư thiết kế các phần mềm của công ty. Khoa Nguyễn cho biết lúc còn thi đấu đỉnh cao, để có thời gian học tập, anh phải sắp xếp thời gian khoa học giữa  giờ tập luyện, giờ học hằng tuần và thời gian đi thi đấu...

“Để thành công trong một lĩnh vực đã khó, điều quan trọng là mình có hứng thú với việc học, với công việc đang làm cũng như niềm đam mê riêng. Khi đó những khó khăn không còn là thách thức lớn”, Khoa Nguyễn đã chia sẻ như vậy nhân chuyến về Việt Nam giao lưu với các VĐV bóng bàn tại giải Đà Lạt mở rộng năm ngoái. Bây giờ ở tuổi 44, Khoa Nguyễn dành nhiều thời gian hơn cho công việc và gia đình. Những khi rảnh rỗi, anh không quên cùng bạn bè có cùng đam mê bóng bàn hội họp tranh tài cao thấp.

Hoàng Quỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.