Nhìn ra thế giới

10/01/2010 10:02 GMT+7

Trên thế giới có hàng triệu người chơi quần vợt. Để trở thành tay vợt chuyên nghiệp đã khó, trở thành tay vợt đỉnh cao còn khó hơn nhiều. Một tay vợt đỉnh cao hội tụ nhiều yếu tố: thể hình, năng khiếu, phương pháp tập luyện, điều kiện cọ xát...

Graf tuổi 16 thi đấu tại giải trẻ Wimbledon

Trên thế giới có hàng triệu người chơi quần vợt. Để trở thành tay vợt chuyên nghiệp đã khó, trở thành tay vợt đỉnh cao còn khó hơn nhiều. Một tay vợt đỉnh cao hội tụ nhiều yếu tố: thể hình, năng khiếu, phương pháp tập luyện, điều kiện cọ xát...

Tay vợt đỉnh cao có chiều cao khiêm tốn như tay vợt Bỉ Olivier Rochus là ngoại lệ. Với chiều cao 1m68, Rochus đã giành được số tiền thưởng ở các giải đấu lên đến gần 20 triệu USD. Thời đại này, khi quần vợt ngày càng đòi hỏi thể lực nhiều hơn, rất khó có những Rochus xuất hiện.

Hầu hết các tay vợt đỉnh cao đều có bậc cha mẹ mê quần vợt phát cuồng và chính họ là những HLV đầu tiên. Boris Becker chẳng hạn, cha anh là một kiến trúc sư, mê quần vợt đến mức bán bớt bất động sản để xây dựng 1 cụm sân quần vợt. Becker trưởng thành từ sân quần vợt của cha mình.

Cha Andre Agassi, ông Mike, là một người rất khắc nghiệt trong việc rèn giũa con trai. Từ khi sinh ra Agassi, cựu võ sĩ boxing từng đại diện cho Iran tham dự Olympic, đã hướng con mình trở thành một tay vợt chuyên nghiệp. Ông Mike từng ra chỉ tiêu: mỗi ngày Agassi phải đánh ít nhất 2.500 quả bóng từ chiếc máy bắn bóng ở sân quần vợt vườn sau nhà. Như vậy có nghĩa là mỗi tuần đánh 17.500 quả, mỗi năm đánh được gần 1 triệu quả...

Năm Agassi 13 tuổi, ông Mike đưa con trai đến Học viện quần vợt Nick Bolletieri ở bang Florida thử sức. Ông chỉ có đủ tiền để con mình tập 8 tuần ở đó. Tuy nhiên, sau khi xem Agassi đánh bóng khoảng 10 phút, ông Bollettieri gọi ông Mike đến nói: “OK, thằng bé sẽ ở đây học miễn phí”.

Cũng giống Agassi, một loạt tay vợt đỉnh cao như Steffi Graf, Jennifer Capriati, Monica Seles, Pete Sampras... cũng đều được cha mẹ họ huấn luyện, không chỉ những bước đầu tiên khi bắt đầu cầm vợt mà còn cả khi họ đã trở thành các tay vợt chuyên nghiệp.

Một con đường khác để đi lên đỉnh cao là gửi con vào các học viện quần vợt uy tín như Bollettieri ở Florida hay các học viện ở Barcelona, Valencia. Chuyện ông Yuri Sharapova đưa con gái mình, Maria Sharapova, từ Siberia xa xôi đến học viện Bollettieri tập quần vợt vẫn được xem là một trong những cuộc đánh cược lớn nhất trong làng thể thao. Khi đến Florida năm 1994, trong túi của ông Yuri chỉ có 700 USD. Tiêu hết số tiền này, ông phải đi rửa chén ở các nhà hàng để lấy tiền đóng học phí cho con. 10 năm sau, Sharapova trở thành nhà vô địch Wimbledon.  

Điểm chung khác của các tay vợt đỉnh cao là họ bắt đầu cầm vợt rất sớm, khi còn chập chững biết đi. Graf bắt đầu tập quần vợt từ năm 3 tuổi và cô dự giải thiếu niên đầu tiên khi mới 5 tuổi. Năm 13 tuổi, cô dự giải chuyên nghiệp đầu tiên ở Stuttgart và thua tay vợt 2 lần vô địch US Open Tracy Austin 4-6, 0-6. Khi đó, Austin đã nói: “Có hàng trăm cô gái trẻ chơi quần vợt tốt như Graf ở nước Mỹ”. Vài năm sau, Graf trở thành tay vợt số 1 thế giới.

Graf thành công, còn “hàng trăm tay vợt trẻ” mà Austin nói thì đi đâu về đâu? Tiềm năng thì nhiều người có nhưng để biến tiềm năng thành kết quả thì không có nhiều người. Nhìn vào danh sách các nhà vô địch Wimbledon trẻ (giải đấu cho các tay vợt dưới 18 tuổi) trong hơn 20 năm qua, chỉ có duy nhất Federer (VĐ Wimbledon trẻ 1998) từng đứng trong top 10 thế giới. Nghĩa là trình độ của rất nhiều nhà vô địch trẻ bị chững lại khi bước sang thi đấu chuyên nghiệp.

Chỉ có 64 tay vợt trẻ xuất sắc nhất thế giới được dự các giải Grand Slam dành cho các tay vợt trẻ. Và để lọt vào top 64 đó thì phải tham dự và chiến thắng liên tục ở các giải trẻ (mỗi năm có khoảng gần 300 giải trẻ trên thế giới). Lọt vào top 400 tay vợt trẻ xuất sắc thế giới nhưng tay vợt Hoàng Thiên của VN vẫn cách đỉnh cao xa lắm.

Chính Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.