Ông Nguyễn Quốc Kỳ làm chủ tịch Liên đoàn quần vợt Việt Nam

31/03/2017 11:39 GMT+7

‘Áp lực đè nặng lên vai tôi cùng các cộng sự rất lớn nhưng chúng tôi sẽ quyết tâm đưa quần vợt Việt Nam có thêm bước đột phá mạnh mẽ trong khóa tới’, ông Nguyễn Quốc Kỳ - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Vietravel, tân chủ tịch của Liên đoàn quần vợt Việt Nam (VTF) chia sẻ với báo chí tại Đại hội VTF khóa VI (2017-2022).

 Đại hội đã thống nhất bầu 19 thành viên ban chấp hành (BCH) VTF khóa VI. Ông Nguyễn Quốc Kỳ được bầu là chủ tịch VTF (trước đó, ông Kỳ được bầu vào BCH với số phiếu khá cao: 80,13%). 3 phó chủ tịch gồm: Nhà báo Trịnh Long Vũ, trưởng ban biên tập VTVcab làm phó chủ tịch VTF phụ trách truyền thông- đối ngoại; Ông Nguyễn Đình Trung, chủ tịch Liên đoàn quần vợt TP.HCM, làm phó chủ tịch VTF phụ trách chuyên môn; Ông Trịnh Xuân Hồng, phó chủ tịch Liên đoàn quần vợt Ninh Bình làm phó chủ tịch phụ trách phong trào; Ông Đoàn Quốc Cường trưởng bộ môn quần vợt, Tổng cục TDTT được bầu làm tổng thư ký VTF khóa VI.
Ông Trịnh Long Vũ đã tỏ ra khá bất ngờ khi được bầu vào BCH VTF với số phiếu cao nhất (60/61 phiếu, đạt 98%). Theo ông Nguyễn Danh Thái, chủ tịch VTF khóa V, VTF sẽ làm văn bản xin ý kiến đồng ý từ Đài truyền hình Việt Nam (VTV) về việc cho phép ông Long Vũ được giữ chức phó chủ tịch. Nếu VTV chấp thuận, nhà báo Long Vũ cũng sẽ chỉ nhận chức phó chủ tịch phụ trách quan hệ quốc tế (không có mảng truyền thông). Nếu VTV không đồng ý, VTF sẽ phải bầu lại vị trí phó chủ tịch này.
Nhà báo Trịnh Long Vũ (thứ hai từ phải sang trái) Nhật Duy
Trở lại với những thông tin khác liên quan đến VTF, trong báo cáo của VTF khóa V có nêu rõ: “Những năm gần đây phong trào chơi quần vợt phát triển rộng khắp, thu hút đông đảo quần chúng tham gia tập luyện và theo dõi. Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, quần vợt Việt Nam cũng đạt nhiều thành tích đáng khích lệ. Đặc biệt việc tay vợt trẻ Lý Hoàng Nam lần đầu tiên vô địch đôi nam trẻ Wimbledon 2015 và đứng thứ 610 ATP được coi là dấu son của VTF khóa V. Ngoài ra, trong khóa V, đội tuyển quần vợt nam được hạng lên nhóm II Davis Cup khu vực châu Á, VTF đã đưa giải quần vợt nhà nghề ATP Challenger trở lại Việt Nam…”.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ nói: “Đây là những thành tích rất đáng khen ngợi. Thế nhưng chúng tôi sẽ phải nỗ lực hơn nữa để nâng cao thành tích của quần vợt Việt Nam, bắt kịp với khu vực và thế giới. Những nhiệm vụ trọng tâm sẽ được đặc biệt lưu tâm gồm phát triển lực lượng VĐV, HLV và đội ngũ trọng tài. Chú trọng hơn nữa đến quần vợt phong trào bởi nếu quá chú trọng đến đỉnh cao sẽ không tạo được chân đế vững chắc.
Mục tiêu trong thời gian tới của nhiệm kỳ VI là giúp quần vợt Việt Nam đạt 90.000 người tập, tăng số lượng sân tập lên 5.000 sân, nâng số liên đoàn quần vợt địa phương lên 65 liên đoàn. Ở đội tuyển quốc gia, nhiệm kỳ VI đặt mục tiêu đội tuyển quần vợt VN sẽ giành 1 HCB, 1 HCĐ tại SEA Games 2017. SEA Games 2019 phấn đấu có 1 HCV. Phấn đấu có 1 HCB, 1 HCĐ tại Asiad 2018”.
Lý Hoàng Nam VĐV xuất sắc của quần vợt Việt Nam Khả Hòa
Ông Kỳ cũng giải thích kỹ hơn về nguồn thu 23,5 tỉ đồng của VTF khóa VI (riêng Viettravel đóng góp 10,8 tỉ đồng) mà theo đánh giá của báo chí là “hơi ít”. Ông Kỳ nói: “Con số 23,5 tỉ đồng chỉ là phần nổi của tảng băng. Từ năm 2010-2016, VTF có nhiều hoạt động ở cả chiều rộng lẫn chiều sâu và đòi hỏi khoản kinh phí rất lớn. VTF đã kêu gọi được nhiều nhà tài trợ, nhiều doanh nghiệp mà nguồn thu từ xã hội này cũng không hề nhỏ. Số tiền 23,5 tỉ đồng cũng chỉ là phần ngọn mà thôi”.
Trả lời câu hỏi về việc ở khóa V, nội bộ VTF còn có nhiều mâu thuẫn, bất đồng, nhiều thành viên BCH hoạt động không hiệu quả hoặc gần như không hoạt động, ông Kỳ cười nói: “Tôi không cho là như vậy. Thời gian qua, quần vợt Việt Nam có nhiều bước phát triển vượt bậc, cũng nhờ vào sự bàn bạc thảo luận giữa các thành viên VTF. Sự đột phá về thành tích cũng là nhờ đến các ý kiến đóng góp khác nhau. Mà đã là ý kiến thì đôi khi trái chiều nhau. Trái chiều không có nghĩa là ghét bỏ nhau. Chúng tôi tôn trọng tính dân chủ trong điều hành".
“Ông làm doanh nhân lại ở TP.HCM, trong khi ông Đoàn Quốc Cường, Tổng thư ký kiêm Trưởng bộ môn quần vợt Tổng cục thể dục thể thao lại ở Hà Nội mà 3 năm nữa đã về hưu. Liệu sự phối hợp có hiệu quả?”. Trước câu hỏi này, ông Kỳ nói: “3 năm nữa, anh Cường mới về hưu, anh ấy vẫn còn hoạt động rất năng nổ. Với tôi, có những người trẻ mà đã “hưu” rồi, có những người già nhưng chưa “hưu”. Tôi vẫn điều hành công việc được bình thường bởi phương tiện liên lạc rất đơn giản. Chúng tôi sẽ phối hợp tốt với nhau. Quan trọng là đầu mình như thế nào, chứ không phải mình ở đâu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.