Quần vợt Việt Nam cần duy trì tổ chức nhiều giải nhà nghề

Hoàng Quỳnh
Hoàng Quỳnh
14/08/2019 00:00 GMT+7

Từng tổ chức 10 giải nhà nghề trong một năm là cơ hội quý cho Lý Hoàng Nam cũng như các tài năng khác trui rèn, nhưng năm nay quần vợt Việt Nam chỉ đăng cai vỏn vẹn 2 giải.

Muốn các tay vợt tiếp cận, theo đuổi quần vợt nhà nghề, một trong những giải pháp hiệu quả là đăng cai tổ chức giải. Khi đăng cai, với tư cách chủ nhà, Việt Nam được ưu tiên các suất đặc cách tham dự vòng chính, vòng loại. Nguyễn Hoàng Thiên, Lý Hoàng Nam, Trịnh Linh Giang, Phạm Minh Tuấn, Nguyễn Văn Phương đều có những điểm số nhà nghề đầu tiên trong sự nghiệp từ những giải đấu trên sân nhà như thế.
Đó cũng là cách mà các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Singapore đang làm hiệu quả. Bởi lẽ nếu chưa có hạng nhà nghề và nếu không được đặc cách, các tay vợt Việt Nam hiện tại (trừ Lý Hoàng Nam) không đủ điều kiện tham dự các giải nhà nghề dù ở cấp độ thấp nhất là Men’s Futures.
Năm 2016, Việt Nam từng đăng cai đến 9 giải nhà nghề tại Bình Dương và gặt hái thành công với danh hiệu vô địch đơn lẫn đôi của Lý Hoàng Nam. Bên cạnh đó, Phạm Minh Tuấn, Trịnh Linh Giang, Lê Quốc Khánh... cũng được trao suất đặc cách đấu giải. Sau chuỗi giải đấu này, Việt Nam lần đầu tiên có 4 tay vợt có điểm xếp hạng nhà nghề là Hoàng Nam, Linh Giang, Minh Tuấn, Văn Phương.

Lý Hoàng Nam

T.K

Đó cũng là năm mà Hoàng Nam còn được thi đấu giải Vietnam Open nằm trong hệ thống ATP Challenger mà Việt Nam đăng cai tổ chức tại TP.HCM. Năm 2017, Việt Nam chỉ còn đăng cai 3 giải nhà nghề. Sang năm 2018, tăng lên được 5 giải nhưng đến năm nay chỉ còn 2 giải dự kiến diễn ra ở Tây Ninh vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 tới. Trong khi đó, trong năm 2019 Thái Lan đăng cai đến 10 giải nhà nghề trải dài từ đầu đến cuối năm. Với cách làm này, Thái Lan hiện có đến 20 tay vợt có tên trên bảng xếp hạng ATP, ITF trong khi Việt Nam chỉ có Hoàng Nam (hạng 473), Linh Giang (hạng 1.789).
Lý do khiến số lượng giải nhà nghề suy giảm chủ yếu do VTF thay đổi theo ITF cho phù hợp, vì vậy một số đơn vị chậm thay đổi sụt giảm “máu” đăng cai giải. Hiện VTF vẫn trông chờ vào các đơn vị đang đầu tư mạnh cho quần vợt như Tây Ninh, Bình Dương, TP.HCM, Đà Nẵng...  tìm lại cho mình động lực tổ chức giải. Chính vì thiếu các giải diễn ra tại Việt Nam nên những tay vợt như Trịnh Linh Giang đăng ký tham dự giải nhà nghề ở Indonesia khởi tranh hôm qua nhưng vẫn bị loại vì thứ hạng thấp.

Tay vợt Nguyễn Văn Phương

Khả Hòa

Tài năng 18 tuổi Nguyễn Văn Phương may mắn hơn khi được đặc cách vào vòng chính giải này nhờ suất ưu tiên cho tay vợt trẻ trong tốp 100 thế giới. Tuy nhiên, theo bảng xếp hạng mới nhất, Văn Phương đã rơi xuống hạng 196 trẻ thế giới, không còn đặt cách ở các giải tiếp theo và nếu không được thi đấu trên sân nhà với suất đặc cách, cơ hội để Văn Phương, Linh Giang tích điểm, cải thiện thứ hạng nhà nghề cũng không còn.
Quần vợt Việt Nam đang cải tổ hệ thống thi đấu với nhiều giải trong năm nhất là hệ thống các giải VTF Pro Tour và Việt Nam Open đang vận hành khá tốt, tuy nhiên cũng cần lưu tâm kết hợp đăng cai tổ chức các giải nhà nghề dày hơn nhằm tạo đà cho các tài năng vươn ra đấu trường quốc tế.
Liên quan đến vấn đề tổ chức các giải nhà nghề, đại diện VTF cho biết "Trước năm 2019, bảng điểm hệ thống Men’s Futures cho điểm từ tay vợt vô địch cho đến tay vợt lọt vào vòng 16 tay vợt, trong đó vô địch giải 25.000 USD được 27 điểm và vô địch giải 15.000 được 18 điểm. Nhưng kể từ đầu năm 2019 đến tháng 7/2019, nhằm hạn chế trường hợp các tay vợt đủ đẳng cấp dự Challenger mà cứ tham dự Men’s Futures “bào” điểm ATP, Liên đoàn quần vợt thế giới quyết định hạ thấp điểm thưởng của Men’s Futures. Tại giải Men’s Futures 25.000 USD, vô địch chỉ nhận 5 điểm, hạng nhì 3 điểm, đồng hạng ba chỉ được 1 điểm, còn lại không có điểm nào. Trong khi giải Men’s Futures 15.000 USD thì chỉ cho điểm 2 tay vợt vô địch 3 điểm, hạng nhì 1 điểm.

Với thang điểm thấp như thế này, việc tìm điểm ở Men’s Futures khó hơn đẳng cấp Challenger rất nhiều. Bởi chỉ cần thắng trận đầu ở Challenger ATP 80 nhận được 3 điểm bằng với chức vô địch Men’s Futures 15.000 USD. Nếu thắng trận đầu Challenger ATP 90 nhận 5 điểm bằng với chức vô địch Men’s Futures 25.000 USD. 
Chính vì vậy, việc tổ chức Challenger ATP sẽ là cơ hội tích luỹ điểm cho các VĐV theo con đường chuyên nghiệp. Do đó, Liên đoàn Quần vợt Việt Nam với cam kết 3 năm liền với Liên đoàn Quần vợt Đà Nẵng tổ chức Vietnam Open từ 2019-2021 sẽ là cơ hội cho các VĐV Việt Nam tích luỹ điểm nhà nghề.

Thế nhưng kể từ khi đưa vào áp dụng được 7 tháng vừa qua, Liên đoàn quần vợt thế giới nhận thấy được nhiều bất cập trong việc hạ điểm quá thấp cho Men’s Futures. Nó sẽ giết chết các tay vợt trẻ và các tay vợt mới bước vào con đường quần vợt chuyên nghiệp tìm điểm trong bảng xếp hạng ATP. Chính vì thế, một lần nữa Liên đoàn quần vợt thế giới lại điều chỉnh bắt đầu áp dụng vào ngày 5/8/2019. Họ sẽ trở về cách tính điểm như trước, nhưng hạ thấp điểm số xuống một chút. Các tay vợt vào vòng 16 tay vợt (1/8) sẽ có điểm. Người vô địch Men’s Futures 25.000 USD nhận được 20 điểm, còn 15.000 USD thì được 10 điểm.

Với thang điểm mới được đưa ra có vẻ hợp lý hơn, nhất là cho các tay vợt mới bước vào quần vợt chuyên nghiệp có cơ hội tìm được điểm số đầu tiên ở giải Men’s Futures. Bên cạnh đó, các tay vợt chưa có trình độ cao của chúng ta như Nguyễn Văn Phương, Trịnh Linh Giang…mới có dịp dự Men’s Futures để tích luỹ điểm. Chưa dừng ở đó, Việt Nam cũng trở lại tổ chức 2 giải Men’s Futures vào tháng 10 tới tại cụm sân Hải Đăng (Tây Ninh) nhằm tạo điều kiện cho VĐV trong nước có cơ hội lấy suất dự giải."

Trịnh Linh Giang

Khả Hòa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.