Sân đất nện chưa có dấu hiệu đổi chủ

25/04/2010 09:51 GMT+7

Có vẻ như chưa tay vợt nào sẵn sàng thách thức các đối thủ Tây Ban Nha và Nam Mỹ khi bước vào mùa đấu trên sân đất nện.

Rafael Nadal là “ông vua” trên mặt sân đất nện - Ảnh: AFP

Có vẻ như chưa tay vợt nào sẵn sàng thách thức các đối thủ Tây Ban Nha và Nam Mỹ khi bước vào mùa đấu trên sân đất nện.

Website chính thức của giải quần vợt Roland Garros có đoạn: “Muốn giành danh hiệu vô địch giải, những tay vợt nên nghĩ cách để đánh bại người Tây Ban Nha trước tiên, rồi sau đó đến người Nam Mỹ”. Quả thật vậy, những giải đấu trên mặt sân đất nện thời gian gần đây luôn là  sự thống trị của người Tây Ban Nha và Nam Mỹ.

Kể từ năm 2000 đến nay, có đến 6 lần danh hiệu vô địch Roland Garros thuộc về người Tây Ban Nha, 2 lần thuộc về người Brazil và 1 của Argentina. Tại giải quần vợt đồng đội nam Davis Cup những năm gần đây, khi TBN hoặc Argentina là đội chủ nhà, tất cả các trận đấu đều được diễn ra trên mặt sân đất nện và phần thắng luôn thuộc về họ. Vậy yếu tố nào đã giúp người TBN và Nam Mỹ trở nên đáng sợ như vậy?

Cách di chuyển và thể lực trên mặt sân đất nện

Khi xem các tay vợt Tây Ban Nha và Nam Mỹ (đặc biệt là Argentina) thi đấu trên sân đất nện, chúng ta luôn thấy họ di chuyển rất thoải mái và uyển chuyển trong các động tác (như đang trượt trên băng) để tận dụng độ trơn trợt của mặt sân này. Chính vì điều đó giúp họ luôn nhanh hơn đối thủ của mình. Họ có thể chạy khắp mặt sân, nhất là những pha lên lưới cứu những quả bóng bỏ nhỏ của đối phương. Người hâm mộ luôn thích thú khi xem các tay vợt này di chuyển. Họ luôn tạo ra những pha cứu bóng ngọan mục.

Rafael Nadal, David Ferrer, Fernando Verdasco hay Juan Carlos Ferrero là những ví dụ cụ thể cho lối chơi đặc trưng trên. Khi thi đấu, khán giả rất ít khi thấy Nadal, Ferrer hay Verdasco trình diễn lối đánh kỹ thuật. Thay vào đó, sự bền bỉ trong từng pha bóng và tận dụng triệt để thể lực dồi dào mới chính là vũ khí lợi hại nhất của họ.

Nhìn qua Argentina, ngôi sao Juan Martin Del Potro cũng có lối đánh tương tự. Trong trận chung kết US Open 2009, giải đấu dù không phải tổ chức trên mặt sân đất nện, song Del Potro đã áp dụng lối đánh thiên thể lực dồi dào (như tại Roland Garros) để đối phó với chuyên gia trên mặt sân cứng là Roger Federer. Kết quả: Del Potro đánh bại tay vợt số 1 Thụy Sỹ.

Có chăng sự soán ngôi?

Đánh bại người Tây Ban Nha và Nam Mỹ trên mặt sân sở trường của họ không phải chuyện dễ. Năm ngoái, Robin Soderling hạ được “vua đất nện” Nadal tại Roland Garros. Điều đó rất đáng khích lệ. Nhưng sẽ có bao nhiều lần Soderling hạ được Nadal? Đó mới là vấn đề.

Chỉ nói riêng Nadal, hẳn đã có rất nhiều tay vợt ngày đêm cầu mong đừng nằm chung nhánh với anh ta tại Roland Garros 2010. Việc Nadal từng 4 lần liên tục đăng quang tại Roland Garros là đủ để “át vía” những tay vợt khác. Vừa qua, “vua đất nện” đã phần nào tìm lại được phong độ khi vô địch giải Monte Carlo, giải đấu làm nóng đầu tiên trước thềm Roland Garros, sau 11 tháng “khát” danh hiệu. Một khi Nadal và mặt sân đất nện hòa hợp như hai mà một, để lật đổ “vua đến nện” ngay tại “thánh địa” của anh không phải chuyện dễ.

Ngoài ra, đó là chưa kể đến sự trỗi dậy của những người đồng hương với Nadal như Verdasco, Ferrer hay Ferrero và các đại diện đến từ Nam Mỹ như Juan Martin Del Potro hay David Nalbandian. Việc có đến 5 tay vợt người TBN lọt đến vòng tứ kết Monte Carlo hồi đầu tháng có thể xem như một điềm báo cho sự thống trị của người TBN trên mặt sân đất nện ở mùa giải năm nay.

Minh Tân - Phương Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.