Tại sân khấu lớn của làng banh nỉ

12/02/2011 22:28 GMT+7

Novak Djokovic phát biểu sau khi đăng quang ngôi vô địch giải Úc mở rộng 2011 rằng: "Tôi đã biết chơi bóng trên sân khấu lớn". Người viết bài này cũng đã có cơ hội được trải nghiệm chính sân khấu ấy.

Thanh niên tụ tập theo dõi giải Úc mở rộng tại quảng trường Federation (Melbourne) - Ảnh: P.A

Novak Djokovic phát biểu sau khi đăng quang ngôi vô địch giải Úc mở rộng 2011 rằng: "Tôi đã biết chơi bóng trên sân khấu lớn".  Người viết bài này cũng đã có cơ hội được trải nghiệm chính sân khấu ấy.

Có mặt tại thành phố

Melbourne nước Úc vào những ngày cao điểm của một trong 4 giải quần vợt lớn nhất thế giới, dễ dàng nhìn thấy những tấm poster, những lá cờ rợp sắc xanh đặc trưng ở khắp các nẻo đường trung tâm. Cái nắng chói chang của mùa hè nước Úc đã không ngăn nổi bước chân của hơn 650.000 người đổ về Trung tâm Thể thao Melbourne Park, nơi diễn ra giải quần vợt Úc mở rộng 2011 suốt 14 ngày cuối tháng 1 vừa qua. 

Lễ hội ở Melbourne Park

Cầm trên tay tấm vé tham dự trận bán kết giữa 2 tay vợt David Ferrer và Andy Murray trị giá 199,9 đôla Úc, người viết không khỏi choáng ngợp trước không khí hội hè ở Melbourne Park lúc 5 giờ chiều, tức 2 tiếng rưỡi trước khi trận đấu trên bắt đầu. Đường đi từ cổng đến các sân Rod Laver Arena, Hisense Arena, Margaret Court Arena... có vô số cửa hàng, quầy trò chơi, showroom của những đơn vị tài trợ cùng các hàng ăn nhanh, quán cà phê, giải khát... Trên những thảm cỏ xanh, nhiều thanh niên trải bạt nằm phơi nắng, hoặc ngồi tụ tập trò chuyện, uống bia. Ở một góc khác, mọi người vỗ tay, nhún nhảy, hú hét theo màn nhảy hiện đại của các vũ công hóa trang thành chim cánh cụt. Một sân khấu có hồ nước được dựng lên để tổ chức cuộc thi đi bộ trên nước. Đây đó có những màn hình lớn để phục vụ những cổ động viên không mua được vé xem trong sân. Cần biết rằng, vé vào cửa để tham gia tất cả các hoạt động bên ngoài sân có giá thấp nhất là 19 đôla Úc.

Trẻ em và thiếu niên cũng không hề thiếu sân chơi trong không gian tưng bừng này với một khu vực được gọi là "Fan Zone" gồm những trò chơi thách đấu liên quan đến bộ môn quần vợt; quầy chụp ảnh với thần tượng dĩ nhiên luôn trong tình trạng đông khách. Đừng giật mình nếu bỗng dưng có một chú kangaroo màu vàng vỗ vai bạn và gửi tặng một tấm poster có khẩu hiệu cổ vũ các vận động viên. Cửa hàng bán đồ lưu niệm của giải đấu nằm rải rác trong từng khu vực. Theo ghi nhận của người viết, những chiếc khăn tắm mang logo của giải là mặt hàng bán chạy hơn cả.


Andy Murray đang trả lời phỏng vấn sau khi kết thúc trận đấu - Ảnh: P.A

Không khí ở Melbourne Park mỗi lúc một nóng lên với những sắc màu rực rỡ từ các nhóm cổ động viên. Họ vẽ quốc kỳ lên mặt, đội tóc giả nhiều màu, ăn mặc quái chiêu, hóa trang ngộ nghĩnh, hát vang những giai điệu ngẫu nhiên, túm tụm chụp hình và hào hứng trả lời phỏng vấn các kênh truyền hình. Trong khuôn viên khu phức hợp thể thao giải trí này, bạn có thể bắt gặp những cổ động viên nhiệt thành với đủ loại màu da, quốc tịch và độ tuổi. Còn lối đi dưới những hàng cây xanh thực sự là một sàn catwalk của các phong cách thời trang đến từ những quốc gia khác nhau. Các cô gái Úc chuộng áo ba lỗ, váy cạp cao và kiểu mặc đồ ảnh hưởng của thập niên 1980. Trong khi đó, nhiều nữ cổ động viên đến từ Tây Ban Nha diện những chiếc đầm ống maxi vải hoa rất bắt mắt. Các cô gái Nhật dễ nhận diện với áo sơ mi, váy thụng, như thể vừa bước ra từ tác phẩm Rừng Na Uy. Khán giả tuổi trung niên có kiểu ăn mặc khá giống nhau, áo thun đóng thùng quần short với nam và đầm vintage hoặc áo thun quần bò với nữ…  

Không phải nhiệt tình nào cũng được hoan nghênh

Trận bán kết giữa David Ferrer và Andy Murray diễn ra trên sân vận động mang tên tay vợt danh tiếng từng đăng quang giải Úc mở rộng 3 lần - Rod Laver. 19 giờ 30, trời vẫn sáng trưng và còn nắng, Rod Laver Arena với sức chứa 15.000 người - lớn nhất so với các sân tại Melbourne Park, đã kín chỗ. Một thực tế rõ ràng, số lượng người lớn tuổi đang ngồi trên khán đài này nhiều hơn so với thanh thiếu niên. Vào những khoảng nghỉ giữa các ván, họ thường xuyên đứng dậy, làm vài động tác thể dục như để thư giãn gân cốt sau khi đã quá tập trung và căng thẳng, rồi đưa hai tay lên miệng hô vang thật hết mình những câu cổ vũ rất truyền thống như "David/Andy, come on" (David/Andy, cố lên).

Ở phía bên kia khán đài, một ai đó hát thật to "Aussie Aussie Aussie" và mọi người vui vẻ đồng thanh "Oi oi oi", điệp khúc này được lặp lại mỗi lúc một to và nhanh, cho đến khi tiếng của người điều hành vang lên "Seat, please!" (Đề nghị ổn định chỗ ngồi). Cô Elaine Ratcliffe - đại diện Jacob's Creek, một trong các nhà tài trợ giải Úc mở rộng năm nay, đơn vị đưa nhóm nhà báo Việt Nam sang dự khán trận đấu này, cho biết đây là kiểu cổ động phổ biến trong các trận đấu thể thao tại Úc, đặc biệt từ sau Thế vận hội Sydney 2000.

Trong suốt trận đấu, tay vợt số 1 nước Anh nhận được nhiều sự cổ vũ hơn hẳn đối thủ David Ferrer, có lẽ ngoài lý do Andy Murray trẻ trung và mới mẻ hơn thì còn vì mối quan hệ mật thiết giữa Anh và Úc từ xưa đến nay. Các fan của Andy cũng có cách cổ vũ rất trẻ trung và sinh động. Họ thường hô "Let's go Murray, let's go" rồi vỗ tay 3 nhịp, lặp lại 2 lần; 3 cô gái mặc trang phục Hồi giáo ngồi cách tôi 2 hàng ghế cũng đáp trả bằng cách đồng thanh "David, David".

Điều sẽ khiến bạn ấn tượng hơn cả chính là ý thức của mỗi khán giả tại đây. Không có tiếng chuông điện thoại nào vang lên trong suốt thời gian những cú đánh bóng quyết liệt đang diễn ra. Những người có nhu cầu nói chuyện thì ghé tai nhau thì thầm rất nhỏ. Sau mỗi tiếng "Seat, please!", mọi người lập tức trở lại chỗ của mình và không mất quá nhiều thời gian để an tọa. Người xem chỉ đứng dậy đi vệ sinh khi đến đoạn nghỉ giữa các ván, và khi trở vào thì họ tự động xếp hàng bên ngoài - nơi có một màn hình nhỏ đang truyền hình trực tiếp, và chờ đến đoạn nghỉ tiếp theo mới trở lại chỗ ngồi của mình. Không ai muốn can thiệp vào trận đấu bằng âm thanh của chính mình. Điều này không rõ ở ta đến bao giờ mới được cải thiện!

Kết thúc trận đấu, khi David Ferrer quẩy đồ và giơ tay chào tạm biệt khán giả, mọi người đồng loạt đứng dậy vỗ tay và gọi tên anh. Ngay sau đó, Andy Murray có cuộc trả lời phỏng vấn trên sân. Hầu hết khán giả đứng dậy im lặng dõi theo. Một thanh niên ngồi ở những hàng ghế gần cuối biểu lộ sự hâm mộ nhiệt tình khi huýt sáo và hô tên "Andy, Andy", ngay lập tức bị mọi người quay lại nhìn bằng ánh mắt hình viên đạn và ra dấu giữ trật tự. Đơn giản vì bao giờ, người nói cũng cần được lắng nghe!

Phương An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.