Cuộc thi viết cảm xúc SEA Games: Màu cờ sắc áo

28/08/2017 00:00 GMT+7

Vì màu cờ sắc áo, đó là điều mà bất kỳ VĐV nào cũng phải tự nhủ lòng khi bước ra thi đấu, đó là động lực tiếp thêm sức mạnh cho các VĐV vượt qua những khó khăn, thử thách chông gai để bước lên bục cao nhất.

Màu cờ sắc áo ở SEA Games năm nay là những câu chuyện giàu tính nhân văn, mang lại những cảm xúc đong đầy trong lòng người hâm mộ thể thao cả nước. Như câu chuyện giữa Quang Nhật và Huy Hoàng, hình ảnh hai VĐV này ôm chầm lấy nhau chúc mừng sau khi hoàn thành xuất sắc nội dung bơi 1.500 m tự do nam là một hình ảnh rất đẹp, nó xóa tan đi những khoảng cách vô hình và những lùm xùm không đáng có đã xảy ra trước đó. Dù không phải là người bước lên đỉnh cao nhất như những kỳ tranh tài trước đây nhưng Quang Nhật không lấy đó làm buồn, bởi đơn giản huy chương vàng vẫn thuộc về người VN, đó mới là điều quan trọng nhất, như những gì anh đã chia sẻ với giới truyền thông.
Màu cờ sắc áo đã mang đến những nỗ lực tuyệt vời cho cả Quang Nhật và Huy Hoàng trên đường đua xanh để cùng mang vinh quang về cho đất nước. Màu cờ sắc áo đã giúp cả hai xích lại gần nhau, hiểu nhau hơn để cùng nhau sẻ chia tinh thần cao thượng mà thể thao mang lại. Thiết nghĩ mỗi người chúng ta cũng cần phải có “màu cờ sắc áo” để dẹp bỏ đi những tị hiềm nhỏ nhoi, những ích kỷ tầm thường, cùng nhau hướng đến những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Phan Quốc Cường 
(599A Phạm Hữu Lầu, P.6, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp)
Hy sinh thầm lặng
Xem lại hình ảnh Nguyễn Thị Oanh dìu Phạm Thị Huệ ở vạch đích đến hàng chục lần, tôi vẫn còn cảm giác rưng rưng.
Họ là đồng đội, là đối thủ của nhau với mục tiêu cao nhất: đoạt HCV. Ngôi cao nhất chỉ có một, chắc chắn, một người phải lùi lại phía sau. Trong nỗi phấn khích vô bờ nhưng chứng kiến Huệ ngã quỵ vì kiệt sức, Oanh đã cố sức xốc bạn mình dậy để chung vui niềm vinh quang. Họ dìu nhau chạy khắp sân, khoác chung Quốc kỳ đỏ thắm tung bay trên đầu. Khó tìm được hình ảnh nào đẹp hơn thế.
HCV thuộc về Oanh nhưng cũng mang đậm dấu ấn của Huệ. Giữ vai “chim mồi”, Huệ chính là người phá sức đối thủ để Oanh ẩn mình chờ thời cơ bứt phá. Điền kinh VN, đặc biệt các cự ly 800 m và 1.500 m, có khá nhiều “Lê Lai cứu chúa” như Huệ. HCV của Dương Văn Thái ở cự ly 800 m có sự hy sinh thầm lặng từ đồng đội Vũ Linh. Làm “chim mồi”, đồng nghĩa phải chấp nhận làm bệ phóng cho đồng đội. “Chim mồi” không hề là tay mơ, chỉ là trình độ của họ chưa đủ độ chín muồi và đây chỉ là bước đệm và bài học rèn giũa chờ ngày tỏa sáng. Dương Văn Thái hiểu rõ điều này hơn cả bởi anh từng là “chim mồi” thiện chiến đưa đàn anh Nguyễn Đình Cương bước lên bục cao nhất cách đây 6 năm.
Tương lai tươi sáng đang chờ Phạm Thị Huệ và Vũ Linh, thật gần. Hẹn SEA Games 30, sau những hy sinh thầm lặng, “chim mồi” sẽ tung cánh, hãy tin là như thế!
Đàm Châu Song Thuận 
(403 Vườn Lài, P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú, TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.