Vừa mổ ruột thừa vẫn tự túc đi thi SEA Games

19/08/2017 10:31 GMT+7

Phải mổ ruột thừa cách đây chưa đầy 1 tháng rưỡi nhưng nữ tuyển thủ bơi nghệ thuật Phan Mãnh Nhi đã hồi phục “thần kỳ” để góp mặt ở SEA Games 29 vào giờ chót.

Hôm qua, Trưởng bộ môn bơi nghệ thuật Phùng Ngọc Thủy tiết lộ suýt nữa tuyển bơi nghệ thuật bị xáo trộn lớn, không thể tham dự nội dung đồng đội bởi VĐV chủ lực Phan Mãnh Nhi phải mổ ruột thừa. Nhi cùng các đồng đội chăm chỉ tập luyện tại CLB bơi Lam Sơn (TP.HCM) chuẩn bị cho SEA Games từ gần 2 năm nay. Cô gái 21 tuổi này là chủ lực tranh tài ở cả 5 nội dung cá nhân lẫn đồng đội. Thế nhưng 1 tháng rưỡi trước SEA Games, Nhi bị đau ruột thừa, phải mổ. Mọi kế hoạch như bị phá sản khi gia đình cho biết Nhi khó hồi phục sớm. “Chúng tôi rất lo lắng nhưng cũng chỉ biết động viên Nhi và gia đình. Lãnh đạo Sở VH-TT TP.HCM cũng hỗ trợ để em được điều trị tích cực. Như có phép màu, Mãnh Nhi hồi phục nhanh, sau đó trở lại luyện tập và cùng đồng đội đến Malaysia tranh tài”, bà Thủy cho biết.
Mãnh Nhi theo đuổi môn bơi nghệ thuật hơn 10 năm nay. Ở VN chỉ có TP.HCM phát triển môn thể thao này, giải vô địch quốc gia cũng chưa một lần tổ chức. VĐV muốn thi đấu quốc tế như SEA Games phải bỏ tiền túi tham dự. Thành tích cũng không nổi bật khi không được đầu tư mạnh như những môn khác, dù đây là môn thi Olympic. Những khó khăn đó khiến các lứa VĐV tài năng của bơi nghệ thuật lần lượt “bỏ cuộc chơi”, nhưng với đam mê tột bậc, Mãnh Nhi vẫn gắn bó.

tin liên quan

Tiếp sức cho những ước mơ SEA Games 29
Trong kỳ SEA Games 2017 này, gần 500 vận động viên (VĐV) Việt Nam lên đường bước vào cuộc đọ sức lớn. Mỗi người đều có những tâm trạng và xúc cảm khác nhau, song họ đều mang chung một khao khát: đem về cho tổ quốc những tấm huy chương danh giá.
“Nhà gần hồ bơi Lam Sơn nên từ nhỏ tôi đã đi bơi rồi làm quen với bơi nghệ thuật. Càng tìm hiểu môn thể thao này tôi càng bị cuốn hút bởi những bài biểu diễn đẹp mắt. Mỗi khi xuống nước tập luyện, thi đấu, tôi luôn có cảm giác thư thái, thả lỏng đầu óc. Vì đam mê cảm giác này nên tôi vẫn theo đuổi bơi nghệ thuật dù nhiều lần muốn từ bỏ bởi lương bổng thấp lại khó có thành tích”, Mãnh Nhi thổ lộ.
Ít ai biết Mãnh Nhi cùng các đồng đội tuyển bơi nghệ thuật phải bỏ tiền túi đi dự SEA Games theo diện xã hội hóa thể thao. Trong khi các môn như golf, hockey tham dự SEA Games được tài trợ bởi hiệp hội hoặc một số nhà hảo tâm thì các VĐV bơi nghệ thuật phải “tự lực cánh sinh” chi trả tiền đi lại, ăn ở, ước tính khoảng 20 triệu đồng/người. Hầu hết các tuyển thủ bơi nghệ thuật đều không có điều kiện kinh tế khá giả nên để đến Kuala Lumpur góp mặt ở SEA Games này, mỗi tháng các em trích một phần tiền lương bỏ ống heo, dành dụm trong gần 2 năm mới đủ. Khó khăn là thế nhưng các cô gái tuyển bơi nghệ thuật VN luôn nở nụ cười trên môi và rất siêng năng tập luyện với mong muốn giản dị là có thành tích để được lãnh đạo ghi nhận, đầu tư mạnh hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.