Giai thoại làng võ - Kỳ 3: Bỏ mạng vì cứu học trò

24/04/2014 00:23 GMT+7

Những người lớn tuổi ở H.Tây Sơn (Bình Định) thường hay kể chuyện về hai thầy trò ông Ba Đề, Từ Thứ.

Những người lớn tuổi ở H.Tây Sơn (Bình Định) thường hay kể chuyện về hai thầy trò ông Ba Đề, Từ Thứ.

Trả học phí bằng thuốc phiện


Ông Đặng Mộng Huỳnh biểu diễn một bài quyền do ông Xã Bút truyền lại - Ảnh: Hoàng Trọng 

Ông Đặng Mộng Huỳnh (78 tuổi, thôn Mỹ Thuận, xã Tây Bình, H.Tây Sơn) kể lại thời Pháp thuộc ông Ba Đề ở An Nhơn (nay là TX.An Nhơn, Bình Định) nổi tiếng giỏi võ, thường đi chơi khắp vùng và có rất nhiều học trò, nhưng ông cũng hay nghiện ngập. Ông chỉ nhận dạy cho những học trò là con nhà giàu có và học phí thường trả là thuốc phiện. “Cha tôi kể rằng, mỗi lần dạy võ tại nhà ông nội tôi là ông Xã Bút (tên thật là Đặng Bút), ông Ba Đề thường chỉ dạy rất nhiệt tình, hiền hậu nên học trò rất thương. Lắm khi đang chỉ bảo học trò ngoài sân, ông lại bỏ ngang vào nhà chơi bàn đèn “lấy tinh thần” rồi ra dạy tiếp. Hồi đó, ông nội tôi phải qua tận làng An Thái, nơi người Tàu sinh sống, mới mua được thuốc phiện cho thầy”, ông Huỳnh kể.

Trong số các học trò của Ba Đề có hai người tham gia băng trộm. Một đêm, hai anh học trò này tham gia vụ trộm tại một nhà giàu ở làng Kiên Mỹ (thị trấn Phú Phong, H.Tây Sơn) thì bị chủ nhà và những người dân trong làng phát hiện, đuổi đánh. Ông Ba Đề đang ở chơi tại nhà một môn đệ gần đó nghe tin có đánh nhau bèn đến xem thì thấy học trò bị đánh liền xông vào giải vây. Người, gậy gộc, dao rựa, giáo mác vây xung quanh nhưng ông Ba Đề dùng tay dạt cả ra, vừa đánh vừa lui, mở đường thoát thân. “Ông Ba Đề vừa đánh vừa lui đến suối Bà Trung ở làng Kiên Long (nay thuộc xã Bình Thành, H.Tây Sơn) thì nhảy qua suối nhưng lại vấp lỗ đào dế nên ngã chúi xuống và dính ngay mũi tên vào người. Chưa kịp đứng lên thì lại bị đánh liên tiếp mấy gậy vào người, Ba Đề chết tại chỗ. Nghe đồn người bắn tên là một trong số học trò của Ba Đề, nhưng lúc đó không nhận ra thầy của mình” ông Huỳnh kể.

Đánh gãy chân ngựa quý của chánh tổng

Theo ông Huỳnh, ông Xã Bút cũng giống thầy Ba Đề, thân thủ nhẹ nhàng, đánh roi, quyền đều giỏi. Làng Mỹ Thuận lưu truyền câu chuyện này: Ông Chánh Du, Chánh tổng ở làng Phú Xuân, có con ngựa ô rất to lớn, chạy nhanh. Ngoài chủ nhân ra, những người khác lại gần đều bị con ngựa này đá văng ra ngoài… Nhiều người rất ghét nhưng phần thì sợ bị ngựa đá, phần sợ uy chủ nhân của nó nên không dám động tay, động chân. Một lần, ông Chánh Du đến chơi ở làng Mỹ Thuận, cột ngựa ngoài sân đình. Thanh niên trong làng biết con ngựa này hung dữ, thách đố nhau lại gần nhưng không ai dám.

Ông Xã Bút tiến lại gần, con ngựa liền hí vang, chồm lên rồi dùng hai chân sau đá vào người. Nhanh như chớp, ông Bút tránh đòn rồi dùng hai tay đánh vào chân ngựa khiến ngựa bị què. Nghe tiếng ngựa hí, ông Chánh Du chạy ra thấy ngựa yêu bị què rất tức giận, bắt đền. Ông Xã Bút nói là do ngựa đá người trước, nhiều người cùng làm chứng nên ông Chánh Du không làm gì được.

Nổi tiếng hơn cả trong số các học trò của ông Ba Đề là ông Từ Thứ ở làng Trường Định (nay thuộc xã Bình Hòa, H.Tây Sơn). Từ Thứ được mọi người nhắc đến nhiều là vì thầy võ cho ông Đoàn Phong ở làng Mỹ Yên và chuyện đá văng Cả Nhượng.

Cả Nhượng là một phú hộ ở Cà Đáo, tự nhận là đệ nhất võ lâm cao thủ H.Bình Khê. Cả Nhượng nuôi nhiều thầy võ để giương oai, không xem ai ra gì, hay chửi bới, đánh đập những người không vừa ý mình. Một hôm, Cả Nhượng dẫn bộ hạ là hai võ sư đi ăn giỗ ở thôn Trường Định. Ăn giỗ xong, mọi người đang uống nước, trò chuyện thì Cả Nhượng lên tiếng: “Chà, lâu nay nghe danh Từ Thứ là học trò ruột của Ba Đề, võ nghệ cũng khá. Nhân có mặt hôm nay, xin được chứng kiến một vài thế. Có sẵn hai vị võ sư là người nhà của tôi, xin chỉ giáo”. Từ Thứ trả lời: “Thưa Cả, học võ mục đích là để phòng thân giữ mình, chớ đâu phải để giao đấu với nhau cho vui. Xin Cả miễn cho”.

Cả Nhượng nổi nóng, dùng hai tay chụp lấy cái ống nhổ trầu bằng đồng đập xuống đầu Từ Thứ. Đang ngồi xếp bằng, Từ Thứ ngã người né tránh, rồi dùng ngay thế Đạo Thiết Mã vừa nằm ngửa vừa đá quét một cái. Cả Nhượng dính đòn văng từ phản ngựa vọt ra khỏi cửa, lộn ba vòng rồi nằm thẳng cẳng ngoài sân. Hai võ sư đi theo sợ quá, vội vã chạy ra cõng học trò chạy mất.

Hoàng Trọng

>> Giai thoại làng võ - Kỳ 2: Võ sư mê hát bội
>> Giai thoại làng võ: Muốn hát tuồng phải biết võ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.