10 dấu ấn tuyệt đẹp của thể thao Việt Nam năm 2015

31/12/2015 20:22 GMT+7

Rất nhiều sự kiện ấn tượng đã làm nên một diện mạo hết sức ‘khỏe khoắn’ cho thể thao Việt Nam năm 2015. Từ thể thao đỉnh cao đến thể thao quần chúng đều xuất hiện những tín hiệu lạc quan, thể hiện sự nỗ lực tột độ của các VĐV Việt Nam trên đấu trường quốc tế.

Rất nhiều sự kiện ấn tượng đã làm nên một diện mạo hết sức ‘khỏe khoắn’ cho thể thao Việt Nam năm 2015. Từ thể thao đỉnh cao đến thể thao quần chúng đều xuất hiện những tín hiệu lạc quan, thể hiện sự nỗ lực tột độ của các VĐV Việt Nam trên đấu trường quốc tế.

1.Thủ tướng Chính phủ đồng ý tổ chức SEA Games 31 tại Hà Nội
 
Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình sẽ được nâng cấp để sử dụng cho SEA Games 31 - Ảnh: Bảo Nghi
Năm 2003, Hà Nội cũng đã được chọn làm nơi đăng cai SEA Games 22 và để lại tiếng vang lớn trong khu vực. Thủ đô Hà Nội lại tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ giao trọng trách trở thành địa điểm chính tổ chức SEA Games 31 năm 2021.
 
Ngành thể thao đã trình Chính phủ đề án tổ chức SEA Games 31, trong đó Hà Nội làm “thủ phủ” và 6 thành phố vệ tinh. Tổng kinh phí dự kiến vào khoảng gần 1.800 tỉ đồng, trong đó phần lớn dùng để nâng cấp khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình và Trung tâm TDTT cấp cao Hà Nội, lắp đặt thiết bị mới tại trường bắn thuộc Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, Cung thể thao Quần Ngựa; cải tạo sân bóng đá tại Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng...
 
Hiện tại, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đang tiếp tục chỉnh sửa đề án và mới đây theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã có công văn đề nghị có cuộc làm việc với UBND TP.Hà Nội. Dự kiến cuộc làm việc quan trọng này sẽ diễn ra vào quý I năm 2016.
 
2. Việt Nam giành thành tích vang dội tại SEA Games 28
 
Thành tích của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 28 tăng đột biến - Ảnh: Tân Lam
Đoạt tổng cộng 186 huy chương các loại, trong đó có tới 64 HCV đến từ các môn Olympic trong tổng số 73 HCV, chiếm tỉ lệ 87%. Đây là kỳ SEA Games mà thành tích của thể thao Việt Nam đạt được từ các môn Olympic tăng đột biến, tới 23% so với SEA Games 27, tăng 25% so với SEA Games 26 và tăng 32% so với SEA Games 25.
 
Trong thành tích chung của Việt Nam, có rất nhiều đội tuyển đã giành những kết quả hết sức ấn tượng như đội tuyển điền kinh đoạt 11 HCV, 15 HCB, 8 HCĐ; đội tuyển đấu kiếm đoạt 8 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ; đội tuyển TDDC đoạt 6HCV, 2 HCB, 2 HCĐ
 
3. Kình ngư Ánh Viên được bầu chọn là một trong 5 VĐV bơi nữ xuất sắc nhất châu Á
 
Ánh Viên được bầu chọn là VĐV nước ngoài xuất sắc nhất tại SEA Games 28 - Ảnh: Tân Lam
Với thành tích 8 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ, 8 lần phá kỷ lục SEA Games, Ánh Viên được bầu chọn là VĐV nước ngoài xuất sắc nhất tại SEA Games 28. Năm 2015 cũng tiếp tục ghi nhận sự thành công của Ánh Viên trên đấu trường quốc tế. Cô còn giành quyền tham dự Olympic 2016 tại Brazil với 3 chuẩn A, trong đó giành 1 HCB, 2 HCĐ giải bơi Cúp thế giới tại Nga và Pháp; giành 7 HCV, 5 HCB tại giải vô địch các nhóm tuổi châu Á tại Thái Lan; HCV tại giải bơi Đại hội thể thao quân sự thế giới.
 
Mới đây, cô được tạp chí bơi lội hàng đầu của Mỹ đưa vào danh sách là 1 trong 5 VĐV bơi nữ xuất sắc nhất châu Á 2015 cũng với những ngôi sao thượng thặng của Nhật Bản, Trung Quốc.
 
Thành công rực rỡ của thể thao Việt Nam nói chung và của Ánh Viên nói riêng đã được các nhà báo bình chọn là hai trong tổng số 10 sự kiện văn hóa - thể thao - du lịch tiêu biểu năm 2015.
 
4. Lần đầu tiên cử tạ nam Việt Nam giành 3 vé chính thức dự Olympic Brazil 2016
 
Thạch Kim Tuấn (trái) đang có dấu hiệu hồi phục tốt và vẫn có rất nhiều khả năng để có mặt ở đấu trường lớn nhất thế giới - Ảnh: Kim Chí
Các VĐV đã thi đấu thành công tại giải cử tạ vô địch thế giới năm 2014, năm 2015 ở nội dung đồng đội và đã đi vào cửa chính với 3 suất - số lượng kỷ lục từ trước đến nay của cử tạ Việt Nam.
 
Một tin vui khác nữa là niềm hy vọng huy chương của cử tạ Việt Nam tại Thế vận hội năm 2016 là tài năng trẻ Thạch Kim Tuấn đang có dấu hiệu hồi phục tốt và vẫn có rất nhiều khả năng để có mặt ở đấu trường lớn nhất thế giới. Anh bị viêm, đứt nhẹ điểm bám gân bánh chè đầu gối, đau nhẹ cột sống và hiện đang được điều trị tích cực tại Trung tâm chấn thương và chỉnh hình TP.HCM.
 
5. Cờ vua Việt Nam gây ấn tượng đặc biệt với những kỳ thủ “măng non”
 
Kỳ thủ nhí Cẩm Hiền - Ảnh: Minh Hằng
“Em bé” 8 tuổi Nguyễn Lê Cẩm Hiền đã xuất sắc giành HCV cờ vua U.8 Thế giới tại Hy Lạp. Là con của Đại Kiện tướng quốc tế Nguyễn Anh Dũng và Kiện tướng quốc tế Lê Phương Liên, 3 tuổi, cô bé đã biết đủ 32 quân cờ, 5 tuổi đã có thể thi đấu với các anh chị hơn tuổi. Cách đây 2 năm, Cẩm Hiền đã từng giành 1 HCV nội dung cờ chớp, 2 HCB  cờ tiêu chuẩn và cờ nhanh lứa tuổi U.6 tại giải trẻ châu Á.
 
Một kỳ thủ nhí khác cũng có thành tích cực kỳ xuất sắc là Nguyễn Anh Khôi vô địch cờ vua Đông Nam Á khi mới 13 tuổi. Cậu bé là kỳ thủ trẻ nhất giành chức vô địch Đông Nam Á. Ở nội dung nữ, Nguyễn Thị Mai Hưng cũng đoạt ngôi vô địch.
 
6. Bầu Đức hái quả ngọt bằng những chuyến xuất ngoại của 3 “con cưng”
 
Xuân Trường đến Hàn Quốc thi đấu cho CLB Incheon United - Ảnh: Bạch Dương
Trong thế hệ đầu tiên của Học viện HAGL Arsenal IMG, Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường được xem là 3 gương mặt ưu tú nhất và họ được bầu Đức gửi gắm sang những CLB có tiếng của Nhật Bản, Hàn Quốc.
 
Nếu Công Phượng sẽ đầu quân cho Mito Hollyhock - Nhật Bản với bản hợp đồng cho mượn 1 năm (mức lương vào khoảng 100 triệu đồng/tháng), Xuân Trường lại khoác áo CLB Incheon United của giải Ngoại hạng Hàn Quốc với mức chuyển nhượng lên đến 300.000 USD. Tuấn Anh cũng chuẩn bị “Đông du” khi trở thành thành viên của CLB Yokohama, đội bóng hạng 2 Nhật Bản.
 
7. VĐV 16 tuổi đoạt HCV châu Á đầu tiên cho đua thuyền Canoeing sau 20 năm hội nhập
 
Trương Thị Phương giành HCV canoeing tại SEA Games 28 - Ảnh: Tân Lam
VĐV 16 tuổi Trương Thị Phương đã từng gây bất ngờ khi trở thành VĐV trẻ nhất đoàn thể thao Việt Nam giành HCV canoeing tại SEA Games 28. Tại giải vô địch châu Á, cô không chỉ là VĐV trẻ nhất mà còn tỏa sáng rực rỡ với HCV nội dung C1 500m nữ (canoeing đơn nữ 500m). Đây là tấm HCV châu Á đầu tiên của đua thuyền canoeing kể từ ngày hội nhập quốc tế đã gần 20 năm. Nội dung mà Trương Thị Phương tham dự sẽ có trong chương trình thi đấu của ASIAD 2018 và sẽ được đưa vào Olympic 2020. 
8. VĐV Nguyễn Thị Huyền giành 3 HCV SEA Games 28,  3 HCV Grand Prix
 
Tại SEA Games 28, Nguyễn Thị Huyền đã để lại dấu ấn đặc biệt nhất với 3 HCV nội dung 400m, 400m rào và tiếp sức nữ - Ảnh: Khả Hòa
Trong chuỗi thành tích xuất sắc của đội tuyển điền kinh Việt Nam tại SEA Games 28, cô gái người Nam Định Nguyễn Thị Huyền được đánh giá là VĐV để lại dấu ấn đặc biệt nhất với 3 HCV nội dung 400m, 400m rào và tiếp sức nữ. Ngoài ra cô còn phá 2 kỷ lục SEA Games, đoạt 2 chuẩn Olympic. Ngay sau SEA Games 28, Huyền tiếp tục thể hiện một phong độ chói sáng tại Grand Prix với 3 HCV.
 
Hiện tại, cô đang đứng thứ 70 thế giới nội dung 400m rào nữ và vẫn đang nỗ lực để có thể giành vé chính thức dự Olympic Btazil 2016.

9. Lý Hoàng Nam vô địch đôi giải trẻ Wimblendon
 
 Lý Hoàng Nam (trái) cùng đồng đội Sumit Nagal đánh bại cặp đôi Reilly Opelka - Akira Santillan ở trận chung kết Wimbledon trẻ 2015 - Ảnh: Độc Lập
Tay vợt 18 tuổi đã lập kỳ tích vang dội khi lần đầu tiên trong lịch sử quần vợt Việt Nam giành chức vô địch một giải trẻ Grand Slam. Lý Hoàng Nam cùng đồng đội Sumit Nagal đánh bại cặp đôi Reilly Opelka - Akira Santillan ở trận chung kết và đăng quang một cách thuyết phục.
 
Theo bảng xếp hạng do Hiệp hội quần vợt nam chuyên nghiệp (ATP) vừa công bố ngày 28.12, tay vợt số 1 của Việt Nam leo lên vị trí 913 thế giới, tăng 2 bậc so với tuần trước. Khoảng cách chạm mốc 900 tay vợt mạnh nhất thế giới với Hoàng Nam chỉ còn 13 bậc.
 
10. Hơn 4 triệu người tham gia “Ngày chạy Olympic 2015”

Ngày chạy đã tổ chức thành công trên cả nước với gần 8 triệu xã, phường, thị trấn và 5 trường Đại học tham gia. Khoảng hơn 4 triệu người đã chạy hưởng ứng Ngày chạy Olympic vì sức khoẻ toàn dân năm 2015.

Sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân cho thấy sức lan tỏa của Ngày chạy, góp phần đẩy mạnh phong trào rèn luyện thân thể, tập luyện thể thao trong xã hội.
Cuộc bầu chọn VĐV, HLV tiêu biểu toàn quốc năm 2015 sẽ tổ chức vào ngày 12.1.2016 ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, thay vì 31.12 như mọi năm. 
Ông Hoàng Dự, Tổng biên tập báo Thể thao Việt Nam, trưởng ban tổ chức cuộc bầu chọn cho biết, lý do năm nay diễn ra muộn hơn mọi năm vì rất nhiều cuộc thi đấu quốc tế có VĐV Việt Nam tham dự vẫn chưa kết thúc. Các Hiệp hội, Liên đoàn thể thao vẫn phải chờ để còn lập danh sách giới thiệu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.