40 năm thảm sát Munich

20/04/2012 03:26 GMT+7

Cách đây 40 năm, giới thể thao nói riêng và cả thế giới nói chung bàng hoàng trước vụ khủng bố xảy ra tại Thế vận hội Munich ở Tây Đức.

Cách đây 40 năm, giới thể thao nói riêng và cả thế giới nói chung bàng hoàng trước vụ khủng bố xảy ra tại Thế vận hội Munich ở Tây Đức.

 
Ảnh tư liệu chụp bìa báo The Sun số ngày 6.9.1972 về vụ thảm sát. Ở góc phải là ảnh một tay súng Palestine đứng trên ban công khu nhà

Hơn 3 tháng nữa, Thế vận hội mùa hè Olympic 2012 sẽ diễn ra ở thủ đô London của Anh. Nước chủ nhà đang đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho sự kiện này. Vấn đề an ninh được đặc biệt chú trọng, nhất là trong bối cảnh tình hình Trung Đông có nhiều diễn biến phức tạp cũng như căng thẳng dâng cao giữa Anh và Argentina về tranh chấp lãnh thổ. Đó là chưa kể bóng ma của vụ thảm sát 11 vận động viên Israel tại Munich năm 1972 vẫn còn ám ảnh nhiều người.

Theo báo Telegraph, thảm kịch bắt đầu lúc 4 giờ 40 phút sáng ngày 5.9.1972. Nhóm 8 tay súng Palestine leo qua hàng rào bao quanh làng vận động viên, giấu vũ khí trong những túi xách thể thao. Điều trớ trêu là khi đó, một vài vận động viên đi chơi về khuya cũng đang lẻn vào khu nhà và còn vô tình giúp các thủ phạm đột nhập dễ dàng hơn. Nhóm khủng bố dùng chìa khóa ăn cắp từ trước để lọt vào khu nhà nơi các vận động viên Israel đang say ngủ và bắt họ làm con tin. Vì quá bất ngờ nên dù đa số các nạn nhân là đô vật và vận động viên cử tạ, họ đều dễ dàng bị khống chế. Chỉ có huấn luyện viên tuyển vật Moshe Weinberg và tay cử tạ Yossef Romano cố gắng chống trả và làm bị thương một vài kẻ tấn công, trước khi bị bắn chết. 

Kết cục đẫm máu

 
Khu nhà bị tấn công tại làng vận động viên - Ảnh: Wikipedia

Những tay súng rời đi cùng với 9 con tin Israel và đề nghị trao đổi những người này với khoảng 200 tù nhân Palestine đang bị nhà nước Do Thái giam giữ. Phía Israel từ chối đàm phán và cuộc giằng co căng thẳng kéo dài suốt 20 tiếng đồng hồ trong sự theo dõi của cả thế giới. Đến ngày 6.9.1972, nhóm bắt cóc và các con tin được máy bay trực thăng đưa đến một căn cứ quân sự ở Furstenfeldbruck, nơi một chiếc máy bay đang chờ sẵn để đưa họ sang Cairo (Ai Cập). Lúc đó, lực lượng an ninh Tây Đức đã phục sẵn để chuẩn bị giải cứu các vận động viên Israel. Tuy nhiên, chiến dịch đã thất bại hoàn toàn do sự vụng về của lực lượng an ninh cũng như nhiều yếu tố không may. Chẳng hạn như, một tay súng bắn tỉa đã bắn hụt mục tiêu vì nắng làm chói mắt, theo cuốn sách One day in September của nhà nghiên cứu người Anh Simon Reeve. Rốt cuộc, các bên bắn nhau loạn xạ và 5 tay súng Palestine, 1 sĩ quan Đức cùng toàn bộ 9 con tin Israel thiệt mạng trong cơn hỗn loạn. Như vậy, tổng cộng 17 người đã chết trong một trong những chương đen tối nhất của lịch sử Olympic.

Theo website Palestinian Facts, vụ tấn công ban đầu được cho là do các tay súng của phái Fatah thực hiện theo lệnh của lãnh đạo Phong trào Giải phóng Palestine (PLO) Yasser Arafat. Tuy nhiên, sau đó người ta phát hiện rằng nhóm thủ phạm là thành viên một nhóm cực đoan tên Tháng 9 Đen, vốn hoạt động độc lập với PLO.

Sau vụ tấn công trên, cơ quan tình báo khét tiếng của Israel là Mossad tiến hành truy lùng và tiêu diệt bất kỳ người Palestine nào dính líu vào vụ thảm sát. Chiến dịch trả đũa của Mossad mang tên “Mùa xuân tuổi trẻ” cũng là đề tài gây tranh cãi trong 40 năm qua khi đã làm mất mạng nhiều người vô tội. Cuộc báo thù từng được tái hiện qua bộ phim xuất sắc Munich của đạo diễn lừng danh Steven Spielberg vào năm 2005. Theo AFP, hồi cuối tháng 2.2012, những người sống sót trong vụ tấn công năm 1972 đã quay trở lại hiện trường để làm một bộ phim tài liệu về sự kiện khủng khiếp mà họ đã từng trải qua. (Còn tiếp)

Trùng Quang

Chân dung kẻ chủ mưu

Theo báo The Age, kẻ chủ mưu vụ tấn công kinh hoàng là Mohammed Oudeh, bí danh Abu Daoud. Ông ta đã chỉ thị hành động từ một quán cà phê ở nhà ga trung tâm của thành phố Munich.

 
Mohammed Oudeh - Ảnh: AFP

Oudeh chào đời tại Silwan, đông Jerusalem, từng dạy toán và vật lý trước khi trở thành luật sư. Ông ta sống tại đông Jerusalem cho đến khi bùng nổ cuộc chiến Ả Rập - Israel năm 1967, khi nhà nước Do Thái chiếm đông Jerusalem từ tay Jordan. Oudeh sang Jordan, gia nhập PLO và giúp thành lập nhóm Tháng 9 Đen vào năm 1970.

Sau vụ thảm sát Munich, Oudeh sang Đông Âu một thời gian trước khi đến Li Băng để tham gia cuộc nội chiến tại nước này. Đến năm 1999, ông ta trốn sang Syria và xuất bản cuốn hồi ký Palestine: Từ Jerusalem đến Munich. Trong đó, Oudeh bày tỏ hối tiếc rằng vụ thảm sát đã gây tác dụng ngược khi dư luận thế giới đã phẫn nộ hơn là đồng cảm với cuộc đấu tranh của người Palestine. Ông ta còn viết rằng ý định ban đầu là dùng các vận động viên Israel để mặc cả và quy trách nhiệm những gì đã xảy ra cho “sự cứng đầu” của bà Golda Meir, Thủ tướng Israel khi đó. Một điều trớ trêu là chiến dịch báo thù của Mossad khá hiệu quả khi tiêu diệt rất nhiều người tham gia vụ tấn công nhưng cuối cùng lại để lọt kẻ chủ mưu. Oudeh qua đời do suy thận tại Damascus vào ngày 3.7.2010 ở tuổi 73.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.