40 năm thảm sát Munich: London lo ngại

22/04/2012 03:10 GMT+7

Nước đăng cai Thế vận hội mùa hè 2012 là Anh đang tiến hành một loạt hoạt động để đảm bảo không tái diễn sự cố đau thương hồi năm 1972.

Nước đăng cai Thế vận hội mùa hè 2012 là Anh đang tiến hành một loạt hoạt động để đảm bảo không tái diễn sự cố đau thương hồi năm 1972. 

Theo Fox News, khi vụ tấn công trên xảy ra, mọi cuộc thi đấu của Olympic năm đó đều tạm ngưng trong một ngày và các đoàn cùng tưởng niệm những nạn nhân Israel. Sau đó, ban tổ chức quyết định nối lại các cuộc tranh tài vì không muốn phong trào Olympic, vốn cổ động hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc, cáo chung.

Kể từ sau vụ thảm sát trên, tất cả các nước đăng cai những sự kiện thể thao lớn đều luôn ưu tiên vấn đề an ninh. Theo đó, Ban tổ chức Olympic mùa đông 1980 ở Lake Placid (Mỹ) xây dựng một làng thế vận hội cực kỳ an ninh. Cùng năm, Liên Xô triển khai 240.000 binh sĩ để bảo vệ Thế vận hội mùa hè ở thủ đô Moscow. Chưa dừng lại ở đó, vụ khủng bố 11.9.2001 xảy ra tại Mỹ bộc lộ thêm nguy cơ bị tấn công bằng máy bay với hậu quả khôn lường. Các nhà tổ chức móc hầu bao mạnh tay hơn để phòng ngừa mọi rủi ro.

 
Một cuộc diễn tập ứng phó khủng bố chuẩn bị cho Thế vận hội 2012 - Ảnh: Reuters

Tại Olympic mùa đông 2002 diễn ra ở thành phố Salt Lake của Mỹ, nước này phải chi ra hơn nửa tỉ USD cho công tác an ninh trong suốt kỳ Thế vận hội. Giờ đây, khi London từng hứng chịu một số vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng thì Anh càng phải ra sức thắt chặt an ninh cho kỳ Thế vận hội mùa hè sắp tới.

Chiến dịch an ninh “khủng”

Báo The Independent cho hay gần như toàn bộ 3.800 điệp viên của Cơ quan Tình báo nội địa (MI5) sẽ được huy động cho Olympic mùa hè 2012. Theo đó, MI5 sẽ triển khai một chiến dịch lớn nhất của lực lượng này kể từ sau Thế chiến 2. Các điệp viên cũng bị hạn chế nghỉ phép trong suốt sự kiện trên. MI5 đã đưa vào hoạt động một hệ thống theo dõi khủng bố và thu thập thông tin tình báo từ tháng 10.2011 để phục vụ chiến dịch. Hệ thống này cho phép thực hiện kiểm tra an ninh đối với hơn 540.000 người, theo dõi chặt chẽ các nhóm tay súng cực đoan và liên lạc với những cơ quan tình báo nước ngoài để phối hợp hành động. MI5 còn chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh cho hơn 100 nguyên thủ dự kiến sẽ thăm London khi Thế vận hội diễn ra.

Không chỉ MI5, nhiều cơ quan khác như Cơ quan Tình báo hải ngoại (MI6), Cơ quan Tình báo viễn thông (GCHQ), các đơn vị cảnh sát đặc nhiệm, chống khủng bố cũng được London huy động. Thêm vào đó, Anh còn triển khai khoảng 13.500 binh sĩ để bảo vệ Thế vận hội mùa hè 2012. Tàu đổ bộ HMS Ocean chở được 18 máy bay trực thăng cũng được điều động neo tại sông Thames để sẵn sàng đối phó với các trường hợp tấn công quy mô lớn. Tương tự, tàu đổ bộ HMS Bulwark mang được máy bay trực thăng đến đóng ở vịnh Weymouth, Dorset, gần các địa điểm tranh tài Thế vận hội. Một loạt các hệ thống tên lửa đất đối không cũng được triển khai tại London để bảo vệ bầu trời thủ đô nước Anh trong những ngày diễn ra Olympic.

Ngoài ra, theo Đài Tiếng nói nước Nga, một số quốc gia cũng sẽ điều động nhân viên an ninh đi theo hộ tống cho đoàn vận động viên nước mình. Chẳng hạn, Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan Tình báo Israel (Mossad) triển khai tổng cộng khoảng 1.000 điệp viên để phối hợp cùng MI5. 

Chi phí tăng cao

Với hàng loạt biện pháp “hoành tráng” như thế, tổng chi tiêu cho an ninh của kỳ Thế vận hội sắp tới tại Anh đã tăng từ mức 600 triệu bảng, theo ước tính ban đầu, lên thành 1 tỉ bảng (33.500 tỉ đồng). Một trong những lý do khiến ngân sách đội lên như thế là việc tăng cường số lượng nhân sự phụ trách bảo vệ 34 địa điểm tranh tài. Ban đầu, London dự định triển khai khoảng 10.000 người thì sau tăng lên 23.700 người. Chưa dừng lại ở đó, mức chi tiêu được cho là còn tăng lên và London chỉ có thể “chốt sổ” con số cuối cùng sau khi kết thúc kỳ thế vận hội. Điều đó khiến không ít người dân Anh lo ngại vì khoản ngân sách trên vốn dĩ lấy từ tiền đóng thuế của họ.

BBC dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond thừa nhận bảo đảm an ninh cho Thế vận hội 2012 là thách thức lớn nhất mà nước này phải đối mặt trong hàng chục năm qua. Ngoài nỗi ám ảnh về vụ thảm sát ở Munich, nước Anh cũng từng hứng chịu một cuộc tấn công kinh hoàng cách đây 7 năm. Ngày 7.7.2005, 52 người thiệt mạng và hơn 700 người khác bị thương khi 4 phần tử khủng bố người Anh đánh bom liều chết trên tàu điện ngầm và xe buýt 2 tầng tại London. Khi đó, các thủ phạm chỉ cần sử dụng các quả bom tự chế, vốn không khó để sở hữu, là đủ để gây thương vong nghiêm trọng. Hiện nay, dù 2 thủ lĩnh Osama bin Laden và Anwar al-Awalki đã bị tiêu diệt nhưng mạng lưới khủng bố al-Qaeda vẫn bị tình báo Anh đánh giá ẩn chứa mối đe dọa nguy hiểm hơn bao giờ hết. Theo các quan chức MI5 và MI6, khoảng 200 kẻ cực đoan sinh sống tại Anh đang lập kế hoạch thực hiện các hành động khủng bố.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.