'Ánh Viên 'đủ điểm' để được Liên đoàn bơi lội Mỹ đầu tư cho Olympic 2016'

25/03/2015 19:40 GMT+7

(TNO) Một tin rất vui cho thể thao Việt Nam khi đương kim vô địch Thế vận hội trẻ 2014 Nguyễn Thị Ánh Viên 'đủ điểm' để lọt vào danh sách của Liên đoàn bơi lội Mỹ đầu tư cho Olympic Brazil 2016.

(TNO) Một tin rất vui cho thể thao Việt Nam khi đương kim vô địch Thế vận hội trẻ 2014 Nguyễn Thị Ánh Viên 'đủ điểm' để lọt vào danh sách của Liên đoàn bơi lội Mỹ đầu tư cho Olympic Brazil 2016.

>> Ánh Viên đứng đầu danh sách 10 VĐV tiêu biểu năm 2014
>> Bầu chọn VĐV, HLV tiêu biểu 2014: Ánh Viên ‘độc cô cầu bại’
>> Ánh Viên phá 14 kỷ lục tại Đại hội toàn quốc 2014
>> Ánh Viên tạo mưa kỷ lục
>> Ánh Viên có thầy mới
>> ASIAD 2014: Ánh Viên giành HCĐ 400m hỗn hợp
>> Ánh Viên đoạt HCV Thế vận hội Oympic trẻ

 
Sau gần hai năm khoác áo CLB Saint Augustine (bang Floriada), Viên đã chuyển sang CLB nổi tiếng khác của Mỹ là Ebiscobal - Ảnh: Khả Hòa

Cách đây 2 tháng, Viên được ngành thể thao nước nhà lựa chọn là 1 trong 20 VĐV trọng điểm với mục tiêu có huy chương Olympic. Do đạt được những thành tích xuất sắc trong năm 2014, cô gái Cần Thơ còn được giới chuyên môn đánh giá "đủ điểm" để có thể lọt vào danh sách của Liên đoàn bơi lội Mỹ đầu tư cho Thế vận hội vào năm sau.

Tuy nhiên, những VĐV được lựa chọn phải mang quốc tịch Mỹ kèm theo điều kiện bắt buộc là phải nằm trong top 20 thế giới. HLV Đặng Anh Tuấn cho biết: “Kết thúc năm 2014, Viên được Liên đoàn bơi lội thế giới xếp hạng 14 thế giới nội dung 400 m hỗn hợp với thành tích 4 phút 39.

Chúng tôi rất mừng vì Ánh Viên có đủ khả năng lọt vào trong danh sách này và bấy nhiêu cũng là động lực lớn giúp Viên càng nỗ lực hơn”.

Sau gần hai năm khoác áo CLB Saint Augustine (bang Floriada), Viên đã chuyển sang CLB nổi tiếng khác của Mỹ là Ebiscobal và đang được dẫn dắt bởi chuyên gia Cray Anthony Teeters. Chuyên gia sinh năm 1950 này từng làm trợ lý, người trực tiếp hướng dẫn các VĐV và thực hiện chương trình huấn luyện của ông Gregg Troy - HLV trưởng CLB Gator nằm trong top 10 CLB tốt nhất của Mỹ, là thành viên Hiệp hội Bơi lội Mỹ.

Ông Teeters đã cùng HLV Troy từng tham gia huấn luyện hơn 90 VĐV đoạt huy chương các loại tại Olympic, trong đó, có những VĐV xuất sắc như Elizabeth Beisel - được đánh giá là nữ kình ngư số 1 nước Mỹ, Ryan Lochte - kình ngư số 2 nước Mỹ, sau Michael Phelps (trước khi Phelps giải nghệ).

 
HLV Đặng Anh Tuấn tại SEA Games 27 - Myanmar 2013 - Ảnh: Khả Hòa

Cùng với HLV Đặng Anh Tuấn, từ tháng 11.2014 đến nay, chuyên gia Anthony Teeters đã áp dụng giáo án huấn luyện hoàn toàn mới cho Ánh Viên và giải đấu đầu tiên trong năm 2015 mà cô tham gia là giải vô địch trẻ của Mỹ sẽ khởi tranh vào ngày 26.3.

Cũng tại giải này năm ngoái, Viên đã thi đấu rất ấn tượng và đã đứng nhất 3 cự ly 400 m hỗn hợp, 200 m hỗn hợp và 200 m ngửa ở lứa tuổi 18. Sắp tới, Ánh Viên sẽ thi đấu hai giải Grand Prix và tham dự SEA Games 28 vào tháng 6 tại Singapore. Tháng 8, Viên sẽ dự giải vô địch thế giới và phấn đấu lọt vào chung kết.

Với tấm HCĐ ASIAD 17 năm 2014, Ánh Viên là VĐV đầu tiên mang lại huy chương cho bơi lội Việt Nam ở đấu trường châu lục. Cũng năm 2014, cô đã đoạt HCV Thế vận hội trẻ.

Mục tiêu mà phía Việt Nam đặt ra cho Viên là đoạt huy chương tại Thế vận hội Olympic Brazil năm 2016 (hiện Viên là 1 trong 2 VĐV VN đã đạt chuẩn A dự Olympic cùng với xạ thủ Hoàng Xuân Vinh). 

Ánh Viên từng bị tuyển quốc gia từ chối

Ngày 25.3, khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên Online qua điện thoại, HLV Đặng Anh Tuấn đã kể lại câu chuyện chưa nhiều người biết: “Tuy Viên tập bơi 10 tuổi nhưng không được đào tạo bài bản.

Mãi đến năm 14 tuổi, Viên vẫn chưa đoạt bất kỳ một tấm huy chương nào ở giải trong nước. Khi đó, tôi xin Viên lên tuyển quốc gia nhưng không được đồng ý. 3 tháng sau, Viên có chút thành công ở giải đấu dành cho bể 25 m. Nhưng tôi cũng phải lấy uy tín cá nhân để bảo lãnh cho Viên thì Viên mới được gọi vào tuyển quốc gia.

Đã huấn luyện rất nhiều VĐV nhưng tôi chưa thấy VĐV nào có ý chí mãnh liệt như Viên. Ý chí, nghị lực đó có khi còn lớn hơn cả khả năng của chính Viên. Nhưng nhờ tinh thần sắt đá mà Viên đã có những đột phá vô cùng ấn tượng về mặt thành tích chỉ trong quãng thời gian ngắn.

Tôi rất tự hào khi có một cô học trò như thế. Viên cũng phải hy sinh rất nhiều trong đời sống thường ngày vì đã xác định mình là VĐV chuyên nghiệp. Viên không sử dụng email, điện thoại cũng không. Tôi nói với con là khoản tiền mà nhà nước, của ngành, của địa phương đầu tư cho con, cũng chính là tiền của dân vất vả làm ra, trị giá hàng tấn lúa. Viên ý thức sâu sắc tất cả những thứ đang dành cho mình!”.

Lan Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.