Bán đảo Triều Tiên hy vọng đăng cai Olympic 2032 sau “bước chân lịch sử”

01/07/2019 14:54 GMT+7

Nỗ lực đồng đăng cai Olympic và Paralympic 2032 của Bình Nhưỡng và Seoul vừa được tiếp thêm hy vọng sau khi ông Donald Trump trở thành đương kim Tổng thống Mỹ đầu tiên bước chân vào lãnh thổ CHDCND Triều Tiên hôm 30.6.

Chủ tịch Kim Jong-un của CHDCND Triều Tiên đã đồng ý gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại khu vực Phi quân sự Liên Triều (DMZ) sau khi nhà lãnh đạo Mỹ thông qua Twitter đưa ra đề nghị gặp mặt để chào hỏi hôm 29.6. Khi chào nhau ở Đường phân giới quân sự (MDL), cả hai nhà lãnh đạo đã nói: “Thật tốt khi gặp lại ông ở đây”. Chủ tịch Kim nói thêm: “Tôi chưa bao giờ nghĩ tôi sẽ gặp ông ở địa điểm này”.

Cuộc gặp giữa Chủ tịch Kim Jong-un của CHDCND Triều Tiên (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) tại DMZ đã đem lại tín hiệu tích cực cho mối quan hệ trên bán đảo Triều Tiên

AFP

Các quan chức của CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đã đệ trình kế hoạch đồng tổ chức Olympic và Paralympic 2032 tại Bình Nhưỡng và Seoul lên Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) hồi tháng 2. Thế nhưng, sự “tan băng” trong mối quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ trong thời gian gần đây vì những vấn đề trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã làm kế hoạch đấu thầu đồng đăng cai sự kiện trên cũng rơi vào im lặng.
Vì thế, cái bắt tay lịch sử vào ngày 30.6 giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều có thể thổi sức sống mới vào những cuộc đàm phán Bình Nhưỡng - Seoul lên kế hoạch đưa sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh về bán đảo Triều Tiên. Ông Lee Kee-heung - Chủ tịch Ủy ban Thể thao và Olympic Hàn Quốc (KSOC) và vừa được bầu là thành viên mới của IOC hôm 26.6 tại Lausanne (Thụy Sĩ), đã long trọng tuyên bố sẽ thực hiện thành công việc đồng đăng cai giữa hai nước vẫn đang trong tình trạng chiến tranh về mặt kỹ thuật.
Người đứng đầu KSOC cho biết ông đã có nhiều cuộc gặp với ông Kim Il-guk - Chủ tịch Ủy ban Olympic và Bộ trưởng Thể thao của CHDCND Triều Tiên, tại Lausanne. Trong Phiên họp IOC lần này, có sự thay đổi lớn về cách chọn những thành phố chủ nhà cho các kỳ Olympic trong tương lai. Theo đó, quy định những thành phố chủ nhà phải được chọn 7 năm trước khi diễn ra sự kiện đã được xóa bỏ, đồng thời khuyến khích việc tổ chức một kỳ giải tại nhiều thành phố.

Chủ tịch KSOC Lee Kee-heng (trái) muốn IOC trao quyền đăng cai Olympic 2032 cho Bình Nhưỡng và Seoul

KSOC

Ông Lee Kee-heung tuyên bố rằng những thay đổi trên “sẽ mang lại cho chúng ta một cơ hội tốt” và nhấn mạnh rằng hai miền của bán đảo Triều Tiên cần làm việc với nhau để hoàn thành mục tiêu của họ. Vị quan chức này muốn nhân sự kiện lịch sử hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều gặp nhau ở DMZ để thuyết phục IOC trao quyền đăng cai Olympic và Paralympic 2032 cho bán đảo Triều Tiên trước hơn 10 năm ngày diễn ra sự kiện.
Hãng thông tấn Yonhap News của Hàn Quốc dẫn lời ông Lee cho biết: “Tôi đã nói với phía CHDCND Triều Tiên rằng chúng ta phải cố gắng để giành được quyền đăng cai trong năm 2021. Bộ trưởng Thể thao Kim Il-guk đã đề nghị chúng ta gửi yêu cầu chính thức thông qua Bộ Thống nhất”.
Theo AFP, hai ông Lee và Kim cũng thảo luận về việc thành lập các đội tuyển chung tranh tài tại Olympic 2020 ở Tokyo (Nhật Bản) vào năm tới. Theo đó, hai bên đã đồng ý xây dựng đội tuyển chung để tham dự các vòng loại Olympic các nội dung khúc côn cầu nữ, bóng rổ nữ, judo và chèo thuyền. Tuy nhiên, đội tuyển khúc côn cầu nữ Hàn Quốc trước đó đã “một mình” tham dự giải đấu loại ở Ireland hồi đầu tháng này, do phía CHDCND Triều Tiên không trả lời đề nghị tổ chức những đợt tập huấn chung.

Ngoại giao thể thao đã phần nào xoa dịu sự căng thẳng giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên trong năm 2018

AFP

Hai ông Lee và Kim cũng trao đổi về khả năng tổ chức một cuộc gặp giữa Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại DMZ để giúp thúc đẩy tiến trình đồng đăng cai ngay trong thời gian cuộc họp của Đại hội đồng Ủy ban Olympic Quốc gia sẽ diễn ra tại Seoul vào tháng 11.2020.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.