Bóng đá 'phủi', sân chơi của đam mê

11/09/2015 10:48 GMT+7

Mang cái tên khá Tây nhưng lại thuần chất là giải bóng đá “phủi” , Hanoi Premier League vừa bước sang tuổi thứ 3 (khởi tranh vào đầu tháng 9) và nếu nhìn vào số lượng khán giả đông nườm nượp như trẩy hội, có lẽ Ban tổ chức V-League cũng phải thèm muốn.

Mang cái tên khá Tây nhưng lại thuần chất là giải bóng đá “phủi”, Hanoi Premier League vừa bước sang tuổi thứ 3 (khởi tranh vào đầu tháng 9) và nếu nhìn vào số lượng khán giả đông nườm nượp như trẩy hội, có lẽ Ban tổ chức V-League cũng phải thèm muốn.
Các trận đấu của giải “phủi” thu hút rất đông khán giả - Ảnh: Chi Hường
Các trận đấu của giải “phủi” thu hút rất đông khán giả - Ảnh: Chi Hường
Chất lượng chuyên môn khó sánh được với giải chuyên nghiệp nhưng Hanoi Premier League (HPL) được coi như giải “phủi” đẳng cấp nhất Hà Nội, thậm chí còn nhất nước. Không có những khoản thưởng tiền tỉ (đội vô địch HPL chỉ được vài chục triệu đồng), cũng không có tỷ lệ kèo, có "độ" nào để mà "làm", các trận đấu diễn ra theo đúng tinh thần đua tranh rất nguyên bản của bóng đá.
Chơi có ý thức, chơi để tận hưởng
Mùa giải nào của HPL, gia đình tôi cũng háo hức đi xem, dù nói thật có khi phải chen nhau bẹp ruột mới gửi được xe máy để vào sân.
Tôi nhớ như in HPL lần đầu tiên diễn ra trên sân đấu của CLB Hà Nội giữa cái nắng nóng đỉnh điểm hơn 40 độ C của tháng 6.2013. Khán giả ùn ùn kéo đến, chen chúc nhau đứng dưới ô hoặc bất cứ thứ gì có thể che đầu, mồ hôi nhễ nhại. Một cổ động viên (CĐV) nữ ngất xỉu vì say nắng và ban tổ chức (BTC) quyết định mở “kho” nước của nhà tài trợ phát tặng khán giả.
Mùa thứ hai, ngày khai mạc sân vỡ toang, khi lượng CĐV đến gấp vài lần sức chứa của sân. Nhiều người máu xem đến mức “ném” cả xe máy, ô tô la liệt giữa đường vì bãi để xe chật cứng. BTC buộc phải chuyển giải qua sân Trung tâm thể thao Bộ Công an có khán đài, khuôn viên rộng. Thế nhưng vẫn quá tải, phải để khán giả ngồi trên cả đường piste.
Mùa này, sân của Học viện An ninh C500 được chọn làm nơi đăng cai và tình hình cũng vẫn căng thẳng như thế. Hôm 6.9 vừa rồi khai mạc giải, bãi chứa xe không còn một chỗ trống. Dưới cái nắng nóng cực kỳ gay gắt, nam phụ lão ấu kéo đến sân đông kìn kìn và dường như cái khắc nghiệt của thời tiết không làm giảm độ hưng phấn của cả cầu thủ lẫn CĐV. Khán đài rộng 3.000 chỗ, 300 ghế nhựa, 500 chiếc ghế inox (để người xem hàng sau có thể... đứng lên mà không gãy) được thuê cấp tốc vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu, khiến người xem tràn cả vào sân.
Anh Vũ Minh Lý (Cầu Giấy, Hà Nội) hồ hởi nói, dù lưng áo ướt đầm mồ hôi: “Khi nhiều trận của giải đấu cấp cao nhất của bóng đá VN đang bị nghi ngờ thì một giải đấu "sạch" trở nên cực kỳ hấp dẫn. Không có gì tuyệt hơn khi được thưởng thức những trận cầu thật, không tranh tối tranh sáng. Các cầu thủ nghiệp dư chơi hết mình, không cay cú ăn thua, không bạo lực sân cỏ, không chém đinh chặt sắt”.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng BTC giải, đế thêm: “Chúng tôi đặt ra slogan của HPL “Chơi có ý thức, chơi để tận hưởng”. Phương châm này được quán triệt từ những người sáng lập cho đến các cầu thủ và cả khán giả nữa. Giải có điều lệ, quy định kỷ luật và chơi theo luật rất đàng hoàng”.
Bản sắc riêng
Đặc trưng khiến HPL được nhận diện là nhờ bản sắc. 12 đội bóng với 12 bản sắc, cá tính không hề lẫn lộn. Tin lớn & Anh em là sự xù xì, thô ráp, MV Corp với thành viên là cộng đồng Nghệ An, chơi thứ bóng đá đặc chất Nghệ. Còn đội Văn Minh nhận được sự yêu quý, tôn trọng của tất cả (đây là đội bỏ ra nửa tỉ đồng để chơi mỗi mùa). Triều Khúc được ví như “xứ Basque giữa lòng Hà Nội” vì sự bảo thủ khi nhất quyết chỉ dùng 100% “thổ dân” Triều Khúc. Đội Cường Quốc của bia Cường hói thực sự là lá cờ đầu. Còn Thành Đồng được đánh giá như “Barca của Hà Nội”.
HPL thực sự cuốn hút bởi khán giả có thể thấy những cầu thủ vang bóng một thời như Huy Hoàng, Quốc Vượng hay Đại Đồng - trung vệ hiện đang mang băng đội trưởng CLB Hà Nội. Năm ngoái, HPL còn xuất hiện một nhân vật rất "dị", rất thu hút truyền thông - ca sĩ Tuấn Hưng với một loạt vai trò: Chủ tịch kiêm HLV kiêm cầu thủ đội H.A.T. Quả bóng vàng VN Phạm Thành Lương 3 năm đều góp mặt cùng với một số cầu thủ khác của Hà Nội T&T như Ngọc Duy, Quốc Long. Những tuyển thủ quốc gia như Nguyên Mạnh, Hoàng Thịnh cũng khoác áo Văn Minh khi họ không vướng bận tập trung đấu vòng loại World Cup 2018.
Chị Lan Hương, Phó phòng Nhân sự Công ty bao bì Habeco, thích thú nói: “Bận mấy tôi cũng đi xem giải “phủi” vì chẳng giải đấu nào lại có hiện tượng “lạ” là nhân vật đình đám của showbiz như Tuấn Hưng đối đầu với học trò của HLV Miura là Lương “dị”, Hoàng Thịnh”.
Thêm một thống kê vui vui, nhiều cầu thủ cứ “nhúng chân” vào HPL là “gặp vận”. Nghiêm Xuân Tú tập ở đội trẻ Hòa Phát Hà Nội, được chuyển giao cho Xuân Thành Sài Gòn. Đội bóng bị giải thể, Tú xách giày đi đá “phủi”. Sau 2 bàn thắng trong trận hòa 2-2 với Trà Dilmah ngày khai mạc HPL năm 2014, Tú xách ba lô vào Thanh Hóa thử việc và được ký hợp đồng. Chơi tốt, Tú được nhiều CLB mời chào và đổi đời với bản hợp đồng tiền tỉ cùng Than Quảng Ninh. Tú bảo: “Kết thúc V-League 2015, tôi lại ra Hà Nội tham dự HPL, giải đấu mang đến cho tôi màu sắc khác trong cuộc sống. Và quan trọng hơn giúp tôi rèn thể lực và kỹ thuật trong khi giải chuyên nghiệp tạm nghỉ”.
Quốc Vượng (11) trong một trận đá "phủi" - Ảnh: nhân vật cung cấp
Quốc Vượng - tiền vệ hào hoa một thời của U.23 VN dường như đã có thể quên đi lỗi lầm trong quá khứ - và hiện tại, dù đã chuyển sang công việc kinh doanh nhưng Vượng vẫn là một trong những trụ cột của CLB Văn Minh. Vượng có lần chia sẻ rằng, số phận đã bắt anh rẽ sang một khúc ngoặt khác nhưng anh không từ giã bóng đá nhờ có HPL.
Ngày chủ nhật tới, HPL bước sang lượt trận thứ 2 và sẽ kéo dài cho đến hết gần tháng 11. Ông Phạm Ngọc Tuấn bày tỏ: “Bản thân tôi cũng vô cùng cảm động khi nhìn vào cách các đội bóng “ứng xử” với giải. Để hơn 20 con người từ Vinh hay Thanh Hóa, Lào Cai cứ cuối tuần thu xếp công việc về Hà Nội chơi không hề đơn giản. Nó không chỉ là tiền bạc mà còn ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, công việc nên đòi hỏi người chơi phải hy sinh. Lăn theo đam mê thì tốt nhưng chúng tôi rất mong HPL không phải giải miền Bắc mở rộng mà một ngày nào đó, khắp các tỉnh thành ngoài bắc đều có những HPL của riêng mình. Một ngày sẽ có giải vô địch miền Bắc rồi miền Trung, miền Nam và toàn quốc. Tại sao lại không nhỉ, khi đây là sân chơi của đam mê?”.
BTC còn ấp ủ một kế hoạch táo bạo hơn là nếu sau này khi HPL có quy mô và sự phát triển vượt tầm một sân chơi phủi với chi phí lên tới tiền tỉ thì có thể một ngày không xa, sẽ lên sóng truyền hình, như là món ăn tinh thần không thể thiếu của khán giả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.